Ngày 22-6, TAND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành phiên hòa giải đầu tiên trong vụ kiện giữa 33 hộ dân nuôi cá lồng bè tại xã Long Sơn và 14 doanh nghiệp (DN) xả thải trên sông Chà Và.
Trời mưa gây… chết cá
Tại buổi hòa giải, đại diện DNTN Phúc Lộc (bị đơn) cho rằng thiệt hại là có thật nhưng xả thải không phải là nguyên nhân chính gây cá chết. Theo người đại diện, chỉ khi trời mưa cá mới chết vì lúc đó, lượng ôxy trong nước xuống thấp, cá nuôi lồng bè lại không có quy hoạch, nuôi dày đặc nên thiếu ôxy. “Tại sao mùa mưa cá mới chết, mùa nắng cá không chết. Tại sao cá tự nhiên không chết mà cá nuôi lồng bè lại chết?” - người đại diện đặt vấn đề.
Luật sư Chu Minh Đức (bảo vệ quyền lợi cho 5 DN) cho rằng cá chết không phải do xả thải mà do lượng nuôi tăng và phân bố dày đặc hai bên cầu, sự phát triển tự phát của các hộ nuôi cá, vệ sinh lồng bè không bảo đảm. “Khi cá chết, cơ quan chức năng phải kiểm tra để xác định nguyên nhân có chất độc không” - luật sư Đức nói.
Ngoài ra, ý kiến của một số DN và các luật sư được DN ủy quyền đều cho rằng nguyên nhân cá chết không bắt nguồn từ việc xả thải của các DN và cần làm rõ về thiệt hại mà người dân đã kê khai.
Đặt biệt, có DN khẳng định mình chỉ sản xuất bột cá, không có hoạt động xả thải nên không chịu trách nhiệm bồi thường mà chỉ xem xét hỗ trợ cho bà con.
Sẽ tiếp tục hòa giải
Luật sư Hoàng Long Hà (một trong những luật sư bảo vệ quyền lợi cho 33 hộ dân) cho rằng thiệt hại đã rõ và có báo cáo của cơ quan chức năng nên việc chứng minh là không cần thiết. Theo đánh giá của các nhà khoa học, nguyên nhân khiến cá chết là do hoạt động xả thải của 14 DN. “Những con số thiệt hại mà 33 hộ dân đưa ra đã dựa vào chứng cứ trong hồ sơ gồm hợp đồng mua bán cá giống, thức ăn đã kê khai ngay sau khi đợt cá chết đầu tiên dưới sự chủ trì của cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên yêu cầu các DN đền bù thiệt hại cho người dân theo tỉ lệ đóng góp mức độ ô nhiễm mà Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP HCM) đã chứng minh” - luật sư Hà nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Văn Thông, nói nguyên nhân cá chết do mưa là không đúng vì gia đình ông nuôi cá lồng bè từ năm 1997. “Nguyên nhân là do các DN dồn nước thải vào hồ chứa, chờ mưa thì mở cống ra làm cá chết vì ngộp” - ông Thông nói chắc.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, cán bộ Viện Môi trường và Tài nguyên, cho biết sau khi xảy ra sự việc cá chết và qua quá trình nghiên cứu đã xác định do thiếu ôxy. Có 4 nguyên nhân chính nhưng việc xả thải từ cống số 6 (nơi các DN xả thải) chiếm tới 76%, khi trời mưa thì độc tố từ nguồn nước thải theo cống này ra sông khiến cá chết hàng loạt. “Sau khi tính toán tải lượng của từng nhóm thì sẽ biết tỉ lệ đóng góp nước thải của mỗi DN là bao nhiêu” - ông Hùng phân tích.
Theo ông Nguyễn Thái Sinh, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi xảy ra sự việc, các sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cuộc và xác định được thiệt hại của người dân cũng như thống nhất ý kiến của Viện Môi trường và Tài nguyên. Bên cạnh đó, qua thanh - kiểm tra toàn diện các lĩnh vực đất đai, môi trường, UBND tỉnh đã đình chỉ vĩnh viễn 9 DN, tạm đình chỉ 6 DN vì có vi phạm.
“Về việc xác định thiệt hại, nếu được thì tại phiên hòa giải sau, UBND tỉnh sẽ cử thêm cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự và có ý kiến” - ông Sinh nói.
Do chưa thống nhất được nên phiên hòa giải sẽ tiếp tục vào thời gian tới.
Yêu cầu bồi thường 18 tỉ đồng
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trong năm 2015, người dân nuôi cá lồng bé tại sông Chà Và (xã Long Sơn) bị thiệt hại nặng nề vì cá chết. Sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc và xác định được 14 DN xả thải ra môi trường khiến cá chết, từ đó đã có báo cáo thiệt hại và yêu cầu DN bồi thường hơn 18 tỉ đồng cho người dân. Tuy nhiên, qua nhiều lần thương lượng không thành, người dân đã làm đơn khởi kiện các DN ra tòa.
Bình luận (0)