Ngoài ra, bị cáo Dũng cũng cho rằng, việc tính toán số tiền thiệt hại từ việc cho mượn xe ô tô như trong bản cáo trạng của Viện KSNDTC là không có căn cứ và không tính cho bị cáo số tiền sinh lợi từ việc cho các đơn vị mượn hoạt động.
Chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hợp chất vấn: “Thời điểm đó bị cáo đã căn cứ vào văn bản, quy định nào của Nhà nước để cho mượn 7 xe ô tô, đều là các xe được nhà nước cung cấp cho dự án ?”. Bị cáo Dũng cho rằng, PMU18 đã có văn bản xin ý kiến Bộ GTVT, sau đó Bộ GTVT đã có văn bản gửi Cục quản lý công sản - Bộ Tài chính, tuy nhiên thời điểm cho mượn xe thì PMU 18 chưa nhận được văn bản trả lời.
Ông Dũng cho rằng, đây là việc điều động động xe chứ không phải chuyển hẳn chủ sở hữu. Hội đồng xét xử hỏi: “Việc điều chuyển có được phép hay không?”. Ông Dũng cho rằng điều động hẳn thì không thuộc thẩm quyền, còn trong suy nghĩ của bị cáo tại thời điểm đó thì cho mượn là bình thường.
Ông Dũng còn cho biết, đến hiện tại ông cũng “không nghĩ việc làm đó gây thất thoát cho Nhà nước. Các bên sử dụng xe vẫn hoàn thành tốt công việc, không có gì thất thoát cả. Số tiền thất thoát là do khấu hao của các xe, nhưng giờ phải tính cho bị cáo cái lợi từ việc các cơ quan sử dụng xe đó để đi lại”.
“Trường hợp chưa nhận được trả lời của Bộ Tài chính, tại sao bị cáo lại tiếp tục cho mượn, đó có phải là làm trái không? Và khi cho mượn có thời hạn cho mượn không?”, Hội đồng xét xử hỏi. Ông Dũng trả lời: “Bị cáo vẫn cho rằng đây chỉ là cho mượn. Bị cáo không nhớ rõ về mặt thời gian”.
Hội đồng xét xử đánh giá, cách trả lời của bị cáo Bùi Tiến Dũng là không thấy trách nhiệm của mình trong vụ án này. Với cương vị là tổng giám đốc làm việc của Nhà nước giao cho nhưng ông Dũng đã vô trách nhiệm, làm thất thoát tiền của Nhà nước rất nhiều.
Chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hợp trích dẫn nội dung 2 công văn của Bộ GTVT gửi các cục, vụ, ban quản lý trực thuộc Bộ GTVT về việc quản lý, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước khi dự án kết thúc. Trong các văn bản này, trong đó nhấn mạnh: các đơn vị được giao tài sản phải sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng; khi dự án kết thúc, các đơn vị phải kiểm kê tài sản và báo cáo bộ, đồng thời đề xuất biện pháp xử lý theo quy định hiện hành. Trong khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền, thì đơn vị phải quản lý tài sản, không được cho thuê, cho mượn tài sản…
Đại diện Viện KSNDTC hỏi: “Trong phiên tòa cách đây 1 năm, bị cáo đã nhận hành vi cho mượn xe là sai, bị cáo có nhớ không?”, ông Dũng trả lời “Có”. “Bị cáo có thẩm quyền điều động xe không?”, ông Dũng nói: “Không có”. “Vậy có sai không?”, ông Dũng cho rằng nhận thức của bị cáo là không sai; hành vi đó chỉ có thể khiển trách, phê bình chứ không thể xử lý hình sự.
Đại diện Viện KSNDTC cho rằng, nếu sai phạm vài triệu thì có thể phê bình, chứ nhiều như vậy thì phải xử lý hình sự. Bị cáo nhiều năm lãnh đạo một cơ quan Nhà nước và hoàn toàn ý thức được việc mình làm. Việc phê duyệt mua xe cũng vượt quá tiêu chuẩn; lời khai của bị cáo tại phiên tòa hôm nay là chưa thành khẩn.
Sau một hồi quanh co, Bùi Tiến Dũng đã thừa nhận việc làm của mình là “có sai”.
Ông Dũng cũng thừa nhận việc sử dụng xe không đúng theo đúng điều khoản trong hợp đồng.
Tại phiên tòa, ông Dũng cho rằng những lời khai của bị cáo đối với cơ quan điều tra vào thời điểm năm 2006 “không được thoải mái”. Sau một hồi chất vấn của chủ tọa Lê Thị Hợp, ông Dũng đã xin hội đồng xét xử cho thời gian suy nghĩ lại và sẽ trả lời vào ngày xét xử sau.
Tại phiên tòa, ông Dũng đã ủy quyền cho luật sư xung quanh việc yêu cầu một cơ quan giám định độc lập để thẩm định giá trị thiệt hại tài sản trong việc cho mượn xe. Viện Khoa học Bộ Công an chỉ giám định về tư pháp chứ không giám định về tài chính, không đúng với chức năng, nhiệm vụ. Hơn nữa, sau đó Viện Khoa học hình sự yêu cầu Trung tâm thẩm định giá - Bộ Tài chính phối hợp xác định giá trị tài sản thiệt hại là không đúng với quy định hiện hành. Ngoài ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Bùi Tiến Dũng cũng cho rằng, đến nay PMU18 chưa phải là một cơ quan hành chính thuộc Bộ GTVT, như vậy các hành vi của ông Dũng không nằm trong sự điều tiết của các hành vi thuộc quy định của các cơ quan quản lý Nhà nước. |
Sáng nay, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công” vụ xảy ra tại Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18) - Bộ GTVT trong dự án cải tạo nâng cấp QL 18.
Dù luật sư bào chữa cho 5 bị cáo yêu cầu hoãn phiên tòa do vắng mặt nhiều nhân chứng, đơn vị và người có nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định tiếp tục phiên tòa.
Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 28 đến 30 - 7.
Theo cáo trạng của Viện KSNDTC, Bùi Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc PMU 18 từ ngày 4-4-1998. Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn vay ODA và nguồn vốn hỗ trợ khác, PMU 18 được cử làm đại diện chủ đầu tư để ký kết các hợp đồng kinh tế về tư vấn và xây lắp dự án nâng cấp cải tạo QL18 và một số QL khác.
Theo quy định tại hợp đồng tư vấn, hợp đồng xây lắp PMU18 và Ban điều hành các gói thầu được mua xe ô tô bằng nguồn vốn ODA và nguốn vốn hỗ trợ khác để phục vụ việc thực hiện thi công. Trong thời gian từ năm 1998 đến 2005, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao Bùi Tiến Dũng đã cho mượn, sử dụng sai mục đích 7 xe ô tô và Bùi Tiến Dũng sử dụng không đúng quy định 2 xe (tổng cộng là 9 xe ô tô).
Hành vi cho mượn sử dụng xe của Bùi Tiến Dũng nêu trên đã trái với quy định tại Điều 35 Nghị định 14 của Chính Phủ về quản lý tài sản và trái với quy định tại Quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp doanh nghiệp Nhà nước.
Các bị can Vũ Mạnh Tiên (Phó chánh văn phòng), Lê Thị Thanh Hòa (Phó trưởng Phòng triển khai dự án 6 - PID6, cùng chồng là Phạm Tiến Dũng), Nguyễn Thanh Sơn (Phó trưởng phòng PID6), Bùi Thu Hạnh (Cán bộ phòng tài chính-kế toán) đều thuộc PMU18, trong quá trình thực hiện triển khai dự án cải tạo nâng cấp QL 18 đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn yêu cầu Ban điều hành (BĐH) các gói thầu ký hợp đồng thuê nhà, thuê trụ sở, thuê xe ô tô lập bảng chấm công để thu lợi bất chính khoản tiền từ dự án.
Trong đó Vũ Mạnh Tiên đã thu lợi bất chính số tiền gần 300 triệu đồng từ việc lập hợp đồng cho thuê ô tô và 2 hợp đồng cho thuê xe ô tô, cho thuê trụ sở. Lê Thị Thanh Hòa (cùng chồng là Phạm Tiến Dũng) lập hợp đồng cho thuê nhà thu lợi bất chính tổng số tiền là 516 triệu đồng; Nguyễn Thanh Sơn lập hợp đồng cho thuê nhà thu lợi bất chính với tổng số tiền 225 triệu đồng; Bùi Thu Hạnh đã thu lợi bất chính số tiền 53,2 triệu đồng.
Ban điều hành các gói thầu: Liên doanh Tổng công ty xây dựng Thăng Long - Tổng công ty xây dựng Sông Đà - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông phía Bắc (gói thầu 1); Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng (gói thầu 2); Liên doanh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) (gói thầu 4) xác định khoản tiền các bị can được Nhà thầu thanh toán (thông qua các hợp đồng thuê nhà, thuê xe và danh sách nhân viên hỗ trợ) nhằm thu lợi bất chính nêu trên là tiền của Chủ đầu tư giải ngân hoặc ứng trước cho các nhà thầu.
Tuy nhiên, vì nhà thầu không thực hiện các hạng mục này, vì vậy số tiền của các cá nhân lập hợp đồng khống để chiếm hưởng phải được thu hồi lại cho ngân sách Nhà nước.
Theo cáo trạng, hành vi của Bùi Tiến Dũng đã phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; tội phạm và hình phạt quy định tại điều 3, khoản 165 Bộ Luật hình sự. Hành vi của Vũ Mạnh Tiên, Lê Thị Thanh Hòa, Nguyễn Thanh Sơn và Bùi Thu Hạnh phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tội phạm và hình phạt quy định tại điểm c, khoản 2, điều 281 bộ luật hình sự.
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định cảu nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt từ từ 10-20 năm.
Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ: 1.Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm. Ngoài ra, VKSNDTC còn đề nghị Tòa án áp dụng Điều 41, bộ Luật Hình sự tịch thu sung quỹ số tiền liên quan đến tội phạm và bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị can gây ra. |
NLĐO tiếp tục cập nhật…
Bình luận (0)