VKSND Tối cao vừa ra thông báo để các đơn vị cấp dưới khắc phục, rút kinh nghiệm về cách xác định số tiền bị chiếm đoạt trong một số vụ án xâm phạm sở hữu. Theo cơ quan này, sai lầm chủ yếu mà cơ quan đại diện pháp luật mắc là tính toán số tiền bị chiếm đoạt không chính xác, chưa đúng quy định pháp luật.
Lừa 600 triệu đồng, bị tính thành gần 4 tỉ đồng
Vụ án Trần Quang Minh Phước lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng giấy tờ sở hữu tài sản giả (xảy ra ở tỉnh Bình Dương) là một trong những điển hình sai sót như trên.
Qua Zalo, Phước thuê người làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) rồi mang đến tiệm cầm đồ để vay 600 triệu đồng. Sau đó, Phước thỏa thuận chuyển nhượng thửa đất ghi trên giấy tờ giả với giá 3,3 tỉ đồng.
Phước nói với 2 người mua đất rằng giấy CNQSDĐ đang ở tiệm cầm đồ, cần chuộc ra mới có thể làm thủ tục chuyển nhượng. Tưởng thật, phía mua đất bỏ ra 622 triệu đồng chuộc giấy tờ. Khi 2 bên ra phòng công chứng làm hợp đồng mua bán, công chứng viên phát hiện giấy CNQSDĐ Phước cầm theo là giấy tờ giả.
Tháng 3-2021, VKSND tỉnh Bình Dương truy tố 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" đối với Trần Quang Minh Phước. Cáo trạng thể hiện Phước chiếm đoạt 3,9 tỉ đồng của 3 bị hại, gồm chủ tiệm cầm đồ và 2 người mua đất.
Sau khi kiểm tra, Vụ Thực hành công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội thuộc VKSND Tối cao nhận định VKSND tỉnh Bình Dương quy kết Phước chiếm đoạt tổng cộng 3,9 tỉ đồng là không chính xác. Dù Phước và 2 nạn nhân thỏa thuận giá chuyển nhượng là 3,3 tỉ đồng nhưng thực tế người này mới nhận 622 triệu đồng. Vì vậy, chỉ có căn cứ xác định Phước chiếm đoạt của 2 bị hại 622 triệu đồng.
Minh họa: KHỀU
Không có ý thức chiếm đoạt 7 tỉ đồng
Một vụ án khác cũng ở Bình Dương, Vụ Thực hành công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội chỉ rõ VKSND tỉnh này đã không đúng.
Hồ sơ thể hiện Bùi Văn Nam thuê người làm giả một giấy CNQSDĐ, quyền sử dụng tài sản và nhà ở gắn liền với đất. Không những đăng tin bán đất trên mạng xã hội, Nam còn gửi thông tin đến bạn là anh Đinh Văn Hưởng để nhờ tìm cách thế chấp giấy tờ đất, vay 1 tỉ đồng làm vốn kinh doanh.
Tin lời bạn, anh Hưởng đưa ra phương án sử dụng danh nghĩa công ty em gái làm thủ tục thế chấp giấy tờ, vay vốn ngân hàng để đưa Nam 1 tỉ đồng. Anh Hưởng đề nghị nếu vay hơn thì số tiền vay hơn đó để em gái mình sử dụng làm vốn kinh doanh. Nam đồng ý và tiếp tục thuê người làm giả nhiều giấy tờ tùy thân mang tên Trần Hoàng Nam.
Ngày 27-7-2020, ngân hàng ký hợp đồng tín dụng, cấp hạn mức tín dụng 8 tỉ đồng. Quá trình làm thủ tục, công chứng viên nhận ra giấy tờ thế chấp có vấn đề nên trình báo công an. Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định Bùi Văn Nam có hành vi gian dối, sử dụng giấy tờ giả nhằm lừa đảo, trục lợi.
Cáo trạng khẳng định Nam đã "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là 8 tỉ đồng của ngân hàng. Ngoài ra, cáo trạng cáo buộc tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" với người này.
Vụ Thực hành công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội cho rằng cơ quan có thẩm quyền quy kết không chính xác số tiền chiếm đoạt. Theo Vụ Thực hành công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội, đối tượng có mục đích mang giấy tờ giả đi thế chấp rồi chiếm đoạt chỉ 1 tỉ đồng. Khi phía anh Hưởng thỏa thuận đứng tên vay thêm 7 tỉ đồng, Nam đồng ý nhưng không có ý thức chiếm đoạt số tiền kể trên.
Anh Hưởng và em gái không biết giấy tờ tài sản thế chấp Nam cung cấp là giấy tờ giả. Cả 2 muốn vay thêm tiền sử dụng vào mục đích kinh doanh và không có ý thức chiếm đoạt khoản tiền 7 tỉ đồng vay thêm.
Yếu tố quan trọng khi lượng hình
Theo luật sư Trần Quí Lễ, Đoàn Luật sư TP HCM, 2 vụ án trên đều thuộc trường hợp quy định tại khoản 4, điều 174, Bộ Luật Hình sự 2015. Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Từ thực tế, luật sư khẳng định số tiền bị chiếm đoạt đóng vai trò chủ yếu khi cơ quan pháp luật quyết định mức hình phạt. Sau khi căn cứ số tiền thiệt hại, pháp luật mới xét đến yếu tố khác như tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ...
Đồng quan điểm, ThS - luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Giám đốc điều hành hãng luật Ylaw & Part-Ners, cho rằng thực tiễn xét xử chỉ rõ khoản tiền chiếm đoạt luôn trở thành mấu chốt định lượng mức hình phạt phù hợp nhất đối với bị cáo. "Ví dụ, tòa án có thể đưa ra mức án 20 năm tù đối với bị cáo chiếm đoạt thực tế 8 tỉ đồng. Song hình phạt đó khó có thể áp dụng đối với trường hợp bị cáo chỉ chiếm đoạt 1 tỉ đồng" - luật sư dẫn chứng.
Bình luận (0)