TS Nguyễn Vinh Huy, Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, trả lời: Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, những người được nhận thừa kế được xác định dựa vào nội dung di chúc hoặc được chia thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp dì bạn mất có để lại di chúc: Nếu di chúc hợp pháp (bảo đảm các điều kiện quy định tại điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015) thì việc chia di sản thừa kế sẽ thực hiện theo di chúc của dì. Do đó bạn có được nhận thừa kế hay không sẽ phụ thuộc vào nội dung di chúc của dì.
Trường hợp không có di chúc hoặc có di chúc mà di chúc không hợp pháp: Theo khoản 1 điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015, trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, sẽ tiến hành chia thừa kế theo pháp luật. Theo điều 651 bộ luật này, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo đó, trường hợp dì bạn mất không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản của dì sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Nếu những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai nêu trên không còn do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì bạn (hàng thừa kế thứ ba) được nhận di sản.
Bình luận (0)