Do có mối quan hệ thân tình với Huỳnh Tấn Luật (nguyên cán bộ một ngân hàng), tháng 7-2010, bà V.T.K (ngụ quận 11, TP HCM) đã đồng ý gửi hết tiền tiết kiệm vào ngân hàng Luật làm việc để tăng doanh số. Do lượng tiền gửi của bà K. lớn nên từ tháng 10-2011, ngân hàng đồng ý cho Luật thực hiện toàn bộ giao dịch tại nhà bà K. Khi tạo được lòng tin của bà K., Luật nhiều lần vay với tổng số tiền 239,5 tỉ đồng và gần 8,7 triệu USD để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng và mua nhiều bất động sản tại TP HCM.
Thời gian đầu, bà K. an tâm khi nhận tiền lãi cao và đầy đủ như thỏa thuận. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, Luật không còn khả năng trả nợ (cả gốc và lãi) nên nghĩ kế đưa bà K. vào "tròng". Biết bà K. khi làm giấy tờ rút tiền, nhận tiền lãi tiết kiệm chỉ ký tên mà không đọc nội dung, Luật soạn thảo, in ghép thêm nội dung Luật trả nợ hết cho bà K.; đồng thời làm giả biên nhận bà K. vay Luật 82 tỉ đồng, gần 3.900 lượng vàng SJC rồi đòi nợ ngược lại bà K., tố cáo bà K. chiếm đoạt số tiền trên. Tháng 9-2014, Luật khởi kiện đòi nợ. Đáp trả, bà K. tố cáo Luật. Cơ quan điều tra vào cuộc xác minh chữ ký trên 9 tờ giấy Luật dùng đòi nợ bà K. là chữ ký giả.
Luật ra tòa với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Theo HĐXX, Luật dùng số tiền chiếm đoạt của bà K. và một số nạn nhân mua nhiều bất động sản, ôtô. Nhằm bảo đảm thi hành án phần khắc phục thiệt hại, cấp sơ thẩm quyết định kê biên tất cả tài sản Luật mua từ nguồn tiền chiếm đoạt (chủ yếu là tiền bà K. cho vay hưởng lãi).
Luật phải trả giá bằng 20 năm tù nhưng trong vụ này, người mất tài sản nhiều nhất là bà K. Vì mong muốn hưởng khoản tiền lãi cao, bà K. không ngần ngại cho vay khoản tiền kếch xù để bây giờ tiền "chôn" trong phần tài sản đang phong tỏa bởi lệnh kê biên, chưa biết khi nào giải tỏa. Chưa hết, bà K. có thể trở thành đương sự trong vụ án dân sự nếu những người mua nhà, đất từ Luật tranh giành.
Bình luận (0)