Sáng 8-5, một lãnh đạo văn phòng của TAND Tối cao cho biết chiều nay 8-5 Hội đồng thẩm phán phiên tòa Giám đốc thẩm sẽ công bố quyết định giải quyết vụ án tử tù Hồ Duy Hải.
Trước đó, trong các ngày 6 và 7-5, tại trụ sở TAND Tối cao ở Hà Nội, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã tiến hành theo thủ tục Giám đốc thẩm, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Sáng nay 8-5, phiên xét xử Giám đốc thẩm tiến hành nội dung trình bày quan điểm về vụ án.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: TTXVN
Cũng theo kháng nghị của VKSND Tối cao, không lấy lời khai của Phùng Phụng Hiếu là nhân chứng đầu tiên phát hiện ra vụ án, ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra, làm rõ.
Tại phiên làm việc, Hội đồng thẩm phán chất vấn Cơ quan điều tra về dấu vân tay tại hiện trường là của ai? Tài liệu nào cho biết đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol? Trong hồ sơ chỉ có lời khai của Nguyễn Mi Sol với tư cách nhân chứng nhưng không có lời khai của Nguyễn Văn Nghị?
Về việc này, điều tra viên cho biết Nghị và Sol có mối quan hệ với chị Hồng, là những đối tượng tình nghi đầu tiên. Việc loại hai đối tượng này ra khỏi diện tình nghi do cả hai đều có bằng chứng ngoại phạm. Thời điểm vụ án xảy ra, Nguyễn Mi Sol đang ở TP HCM, Nghị đang ở nhà tại TP Tân An (tỉnh An Giang).
Cụ thể, khi rà soát các cuộc gọi điện thoại thấy có Hải nên Cơ quan điều tra mời Hải lên hỏi như những người khác. Tổng cộng có trên 100 người, đều được hỏi rất tỉ mỉ. Khi hỏi Hải về thời gian sử dụng trong ngày, Hải khai đi đám tang cùng một số người, tuy nhiên qua xác minh thì thấy Hải không đến đám tang, dẫn đến nghi vấn. Ngày hôm sau, ngày 21-3-2008, cơ quan điều tra tiếp tục lấy lời khai của Hải, qua đấu tranh, Hải khai nhận hành vi phạm tội.
Về việc này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc không đưa lời khai ban đầu (ngày 20-3) của Hải vào hồ sơ là sai vì Hải không giống những người đã được loại trừ.
Hồ Duy Hải tại 1 phiên tòa trước đó - Ảnh: TTO
Theo kháng nghị, VKSND Tối cao cho rằng biên bản khám nghiệm tử thi cho thấy vết thương không phù hợp với việc Hải đánh bằng tay chân như bản án đã tuyên. Chiếc ghế inox được thu giữ không liên quan tới vụ án vì có mã số khác chiếc ghế trong biên bản khám hiện trường; cơ quan điều tra ở Long An không thu thập chứng cứ như chiếc thớt hung khí; con dao gây án đã bị đốt, phải mua một dao khác thay vào.
Về việc này, tại phiên xét xử, Cơ quan điều tra cho rằng đây là vụ án truy xét, quá trình khám nghiệm không tìm ra con dao vì sau khi giết người, Hải rửa sạch rồi cất kỹ. Khi bàn giao lại hiện trường, nhân viên bưu điện phát hiện được con dao này nhưng lại đem đốt.
Cũng theo điều tra viên, trong quá trình điều tra đã tập trung truy tìm vật sắc nhọn vì vết thương ở cổ nạn nhân nên không để ý tới thớt và ghế. Sau khi bị bắt, Hồ Duy Hải khai rửa sạch dao và giấu vào vách tường, không phải người gây án sẽ không biết được chi tiết này. Điều tra viên cũng thừa nhận sơ suất khi không cho Hải vẽ lại dao, thớt hung khí.
Trong hồ sơ vụ án thể hiện khi khám nghiệm hiện trường, phía điều tra phát hiện một dao khác nhưng không thu giữ; con dao này cũng bị đốt và không thấy phần lưỡi ở đống tro.
Về việc này, điều tra viên cho biết do thấy dao không dính máu nên bỏ đi, sau đó cũng bị thu dọn để đốt và có thể đã bị "ve chai" nhặt mất phần lưỡi.
Tại phiên xét xử, thành viên Hội đồng thẩm phán hỏi: "Có tài liệu nào khẳng định thớt, dao mua ở chợ là công cụ phạm tội không? Luật có cho phép không?".
Điều tra viên giải thích việc mua dao, thớt chỉ để nhận dạng, đồng thời để chứng minh lời khai của Hải; phía điều tra không coi đây là công cụ gây án.
Đại diện Hội đồng thẩm phán cũng yêu cầu làm rõ tàn tro thu được tại nhà của Hồ Duy Hải thể hiện việc sau khi gây án, Hải đã đốt bỏ quần áo vật dụng có liên quan vụ án.
Tuy nhiên, kháng nghị của VKSND tối cao cho rằng tàn tro này chưa có giá trị chứng minh vì người nhà khai Hải có thói quen đốt quần áo cũ.
Phản bác quan điểm này, điều tra viên khẳng định sau khi Hải khai đã đốt quần áo mặc hôm gây án, công an đã khám xét, phát hiện 2 đống tàn tro, trong có vật dụng còn cháy dở gồm vải và nhựa. Khi đó, Hồ Duy Hải xác nhận đó là dây lưng và quần áo của mình cháy dở.
Bình luận (0)