Chiều nay 25-12, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với Lê Xuân Giang, chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt, cùng 6 đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt.
Các bị cáo tại phiên toà
HĐXX nhận định vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp với hàng chục ngàn bị hại. Trong quá trình truy tố, VKSND Tối cao và TAND TP Hà Nội cũng đã nhiều lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.
Đến nay, xác định được hơn 6 ngàn bị hại. Qua rà soát, trong số hơn 6 ngàn bị hại được VKSND Tối cao xác định, thấy có bị hại bị trùng lặp, rà soát còn khoảng hơn 5,8 ngàn người.
Theo HĐXX, Công ty BQP và Công ty Liên Kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập, điều hành hoạt động.
Lợi dụng Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, Lê Xuân Giang, Lê Văn Tú, Nguyễn Thị Thủy, Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối tạo dựng, cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt, Công ty BQP.
Sau khi tạo lòng tin về Công ty Liên Kết Việt, Công ty BQP, về hàng hóa kinh doanh đa cấp và uy tín trong hoạt động kinh doanh của các công ty này, Giang và đồng phạm đã sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt, nhằm được hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao do chế độ trả thưởng, các chương trình khuyến mại trái pháp luật do các bị can đặt ra.
Lê Xuân Giang và đồng phạm còn đặt ra mô hình trả thưởng theo mô hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước mà không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, với số tiền thưởng, hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới 65% tổng số tiền thu được của các bị hại.
Các bị can còn đặt ra và đưa vào triển khai liên tục trên toàn hệ thống kinh doanh đa cấp 15 chương tình thi đua khuyến mại, kích cầu chạy song hành với việc chi hoa hồng.
Các bị can còn mở các đại lý, văn phòng ở các tỉnh, thành để lôi kéo người tham gia vào mạng lưới.
Với cách thức, phương pháp, thủ đoạn như trên, sau 1 năm hoạt động, đến tháng 11-2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện tại 27 tỉnh thành, lôi kéo được hơn 68 ngàn bị hại tại 49 tỉnh, thành phố tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp.
Tổng số tiền mà Giang và đồng phạm thu của bị hại là hơn 2 ngàn tỉ đồng. Sau khi trừ đi số tiền Giang đã chi hoa hồng… trong vụ án này, các bị cáo phải chịu trách nhiệm cho số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt là hơn 1 ngàn tỉ đồng.
HĐXX xác định, số bị hại sau khi rà soát là 5.818 người, đã mua 64.008 mã hàng.
Trong vụ án này, các bị cáo đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý hám lợi để tuyên truyền sai sự thật, thông qua đó thực hiện hành vi lừa đảo có tổ chức, xâm hại đến tài sản đặc biệt lớn của nhiều người; gây mất đoàn kết, rạn nứt của nhiều gia đình...
Hành vi đó đã xâm phạm đến tài sản của người khác, trật tự trị an của xã hội; giảm lòng tin vào cơ quan nhà nước.
Có bị cáo tham gia từ đầu, có bị cáo tham gia sau, nhưng các bị cáo đều tham gia theo sự phân công, hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức.
Các bị cáo nhiều lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị cáo đều thuộc trường hợp phạm tội 2 lần trở lên.
Trong vụ án này, Lê Xuân Giang là người chủ mưu, cầm đầu, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của nhiều người, phải chịu trách nhiệm chính.
Nguyễn Thị Thủy được xác định chiếm hưởng cá nhân hơn 38 tỉ đồng, quá trình điều tra, xét xử tại tòa chưa thực sự ăn năn, hối cải.
Theo HĐXX, về cơ bản, tất cả các bị cáo đều thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, xuyên suốt trong giai đoạn tiền khởi tố, điều tra, xét xử, chưa thực sự thấy các bị cáo thể hiện thái độ ăn năn, hối lỗi.
HĐXX nhận thấy cần xử phạt tù không thời hạn với Lê Xuân Giang như Viện Kiểm sát đề nghị. HĐXX cũng nhận thấy, việc Giang chuyển tài sản cho người sống với Giang như vợ chồng là tẩu tán tài sản, hợp đồng chuyển nhượng này vô hiệu.
HĐXX TAND TP Hà Nội quyết định, tuyên bố các bị cáo phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo đó, bị cáo Lê Xuân Giang (chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt) bị tuyên phạt án tù chung thân. Bị cáo Lê Văn Tú (tổng giám đốc Công ty Liên Kết Việt) lĩnh 17 năm tù. Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Thủy lĩnh 18 năm tù.
Nhóm nhân viên phát triển thị trường của Liên Kết Việt gồm: Lê Thanh Sơn 16 năm tù, Trịnh Xuân Sáng 16 năm tù, Nguyễn Xuân Trường 14 năm tù, Vũ Thị Hồng Dung 13 năm tù.
Trước đó, VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Xuân Giang án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh nêu trên, Lê Văn Tú, tổng giám đốc Liên Kết Việt, bị đề nghị từ 19 - 20 năm tù; Nguyễn Thị Thủy, phó giám đốc, từ 17-19 năm tù; Lê Thanh Sơn từ 14 - 15 năm tù; Trịnh Xuân Sáng từ 5 - 6 năm tù; Nguyễn Xuân Trường từ 12 - 13 năm tù và Vũ Thị Hồng Dung từ 12 - 13 năm tù (cùng là nhân viên phát triển thị trường của công ty này).
Theo VKSND, bị cáo Lê Xuân Giang là người chi 100% vốn để thành lập Công ty BQP. Từ tháng 3-2014 đến tháng 11-2015, Lê Xuân Giang và các bị cáo lợi dụng việc Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, dùng thủ đoạn gian dối, cung cấp thông tin sai lệch khiến nhà đầu tư nghĩ Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP thuộc Bộ Quốc phòng.
Sau đó, bị cáo Giang nhờ nhà sư ở TP HCM làm giả bằng khen của Thủ tướng và triển khai loạt chương trình, đưa ra những khoản khuyến mại lớn như nộp 7 triệu đồng sẽ được thưởng hơn 400 triệu đồng; nhà đầu tư vận động được nhiều người tham gia kinh doanh đa cấp sẽ được thưởng ôtô trị giá 1 tỉ đồng, hoặc căn nhà trị giá 1,8 tỉ đồng. Tính đến tháng 11-2015, Giang và đồng phạm đã lôi kéo hơn 68.000 bị hại tại 49 tỉnh, thành; thu của họ tổng số tiền gần 2.100 tỉ đồng.
Đại diện VKSND cáo buộc sau khi chi phí thực tế hết khoảng một nửa khoản tiền thu được, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền hơn 1.100 tỉ đồng. Trong vụ án, Lê Xuân Giang giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu khi chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện toàn bộ hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tiền của các bị hại.
Các bị cáo Lê Văn Tú và Nguyễn Thị Thủy là những người giúp sức, tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo theo chỉ đạo của Lê Xuân Giang. 4 bị cáo còn lại có vai trò trực tiếp lôi kéo bị hại tham gia mô hình đa cấp.
Về trách nhiệm dân sự, VKSND căn cứ hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, đề nghị tòa buộc Lê Xuân Giang phải bồi thường trên 800 tỉ đồng cho hơn 6.000 bị hại. Ngoài ra, cơ quan công tố đề nghị Nguyễn Thị Thủy và 5 bị cáo còn lại phải nộp lại tổng số tiền hơn 132 tỉ đồng đã chiếm hưởng bất hợp pháp.
Bình luận (0)