Từ năm 2014, bà N.T.M.H là giám đốc một DN ở TP HCM nhưng mọi hoạt động trong công ty đều do ông H.T.K (chồng bà H.) chi phối. Ông K. sử dụng pháp nhân công ty, câu kết với người khác thiết lập đường dây buôn lậu. Mỗi lần làm thủ tục hải quan, ông K. nói vợ ký tên trên giấy tờ hải quan. Đến năm 2015, sự việc vỡ lở, vợ chồng bà H. từ TP HCM về tỉnh Tây Ninh tạm lánh. Cơ quan điều tra đã tác động gia đình vận động ra trình diện, khai báo. Tại cơ quan công an, bà H. trình bày bản thân không biết việc buôn lậu hàng hóa, ông K. cũng xác nhận như vậy.
Chủ một DN khác là ông N.Đ.V cũng lâm cảnh rắc rối bủa vây khi cho đường dây này mượn pháp nhân công ty để làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa trái quy định. Ông V. giải thích người mượn pháp nhân nói rằng lô hàng nhập khẩu là nhựa phế liệu, xuất xứ Nhật Bản và hứa trả 1 triệu đồng/container. Ông giao con dấu công ty và chữ ký số nhưng không biết hàng nhập về dưới danh nghĩa công ty ông quản lý là hàng lậu.
Cơ quan công tố cáo buộc 3 người cầm đầu đường dây buôn lậu, trong đó có ông K., sử dụng pháp nhân DN nhập khẩu hàng điện máy đã qua sử dụng nhưng khai báo hải quan là máy móc sử dụng trong công nghiệp. TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử, chồng bà H. cùng đồng phạm lãnh án. Song song đó, HĐXX kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục làm rõ vai trò của bà H., ông V. trong vụ án. Điều đó đồng nghĩa họ có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu công an tìm ra dấu hiệu phạm pháp.
Trên thực tế, cách đơn giản nhưng hiệu quả mà đối tượng phạm tội buôn lậu thường tận dụng là thuê, mượn pháp nhân DN để làm thủ tục thông quan hàng nhập lậu. Những người đồng ý trao pháp nhân công ty vào tay người khác phần lớn vì đó là người thân, quen biết hoặc vì tiền công… để rồi gặp rắc rối, có thể bị xem là đồng phạm và vướng vòng lao lý. Trong rất nhiều vụ án buôn lậu, đã có nhiều bị cáo rơi vào tình cảnh "tình ngay lý gian" khi tất cả chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được đều chống lại họ.
Bình luận (0)