Giờ nghị án, giữa sân tòa có người phụ nữ đứng tuổi, dáng lam lũ len lỏi giữa đám đông, tiến vào phòng xử. Sau một hồi nài nỉ cán bộ công an chuyển cho L.T.P (SN 1987, ngụ TP HCM) ly nước uống nhưng bị từ chối, bà lủi thủi lui ra một góc sân, mắt đăm đăm nhìn về bóng lưng khoác chiếc áo sơ-mi sờn cũ. Đó là L.T.P, một trong 3 bị cáo đang bị xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Vết trượt bao giờ dừng?
Đối với nhiều người, thanh xuân là ước mơ, là hoài bão, là những kỷ niệm đáng nâng niu. Nhưng với P., thanh xuân chỉ quanh quẩn ra - vào tù. P. bỏ học từ năm lên 10 tuổi, năm 18 tuổi, P. vào tù vì tội trộm cắp tài sản. 12 tháng tù là bước khởi đầu cho những năm tháng trượt dài tiếp theo. Năm 23 tuổi, "ngựa quen đường cũ", P. vào tù lần 2 với mức án 30 tháng tù giam cũng về tội trộm cắp tài sản. Ra tù, P. tiếp tục giao du với những thành phần bất hảo. Để có tiền ăn chơi, tiêu xài, P. bắt đầu mua bán ma túy, tiếp tục bị TAND quận Bình Tân tuyên phạt 10 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Vừa mãn hạn tù trước thời hạn, ngày 14-1-2018, P. lại bị Cơ quan CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận 8 bắt quả tang đang cất giữ 1,1876 g ma túy (dạng tinh thể) và 910 viên ma túy các loại để bán.
Các bị cáo sau phiên tòa bị hoãn
Nước mắt người thân
Thời gian P. bị bắt, "vợ" P. bồng theo đứa con nhỏ vài tháng tuổi đến trại tạm giam thăm nuôi nhưng vì không chính danh, không có giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân nên chị không được gặp mặt "chồng". Đến khi đứa trẻ bi bô những tiếng đầu tiên, P. vẫn đi biền biệt. Người mẹ trẻ giấu nước mắt, một mình chăm con trong căn phòng trọ "chồng" thuê trước đó. Ngày P. ra tòa, con ốm nặng, "vợ" P. không thể đến dự.
Trong vụ buôn bán ma túy này còn có 2 bị cáo khác là T.V.T (SN 1981) và T.V.Th (SN 1984). Hôm đó, người nhà các bị cáo ngồi chật kín. Họ là cha mẹ, anh em, người thân của T. và Th. Chỉ có P. không có người thân, thay vào đó là người phụ nữ đứng tuổi, sống gần nhà. Bà đến dự vì xót xa trước cảnh tù tội của kẻ mồ côi, không cha mẹ, không người quan tâm dạy dỗ nên sa ngã hết lần này đến lần khác; xót xa cho đứa con của P. từ lúc sinh ra đã không biết mặt cha. "Tôi mong nói với P. vài câu để thức tỉnh nó sau này ra tù, đừng phạm tội nữa. Tôi nói với nó: "Con đã biết gọi ba, sao mày vẫn chưa về?". Mong nó vì tình thương con mà cải tạo thành người tốt để nuôi dạy con nó nên người, đừng đi theo vết xe đổ của nó" - bà chia sẻ khi chúng tôi hỏi thăm.
Hình ảnh những đứa trẻ sinh ra đã là con của kẻ tù tội như gieo thêm nỗi đau vào lòng những người ở lại. Người đàn ông hơn 70 tuổi là cha của bị cáo T.V.T nghẹn ngào: "Giá như nó biết nghe lời cha mẹ, tu chí làm ăn thì nay cửa nhà đã yên ấm. Chúng tôi già rồi, con mãn hạn tù, biết có còn được gặp mặt?".
Tòa nghị án khá lâu, người nhà bị cáo hết đi ra lại đi vào trông ngóng kết quả cuối cùng từ phía HĐXX. Tuy nhiên, HĐXX đã thông báo hoãn phiên tòa để làm rõ thêm một số tình tiết. Chiếc xe tù khuất bóng từ lâu nhưng cha mẹ, người thân của các bị cáo vẫn đứng chụm vào nhau dưới cái nắng trưa bỏng rát bàn về vụ án, về thời gian thăm nuôi và chuẩn bị đồ thăm nuôi... Dẫu cho chúng là nghịch tử, suốt một đời làm khổ mẹ cha thì chúng vẫn là khúc ruột của họ. Tiếc là, ngồi trên chiếc xe bít bùng, không biết các bị cáo có thấu hiểu hết nỗi nhọc nhằn, sự mất mát mà họ đã đem lại cho người thân, để dừng lại, không đi trên con đường tội lỗi?
Bình luận (0)