Theo Sở Xây dựng TP HCM, từ năm 2016 đến giữa năm 2018, thanh tra sở kiểm tra hơn 269.000 lượt, phát hiện hơn 7.300 trường hợp vi phạm liên quan đến xây dựng. Cơ quan chức năng thi hành gần 5.200 quyết định xử phạt, thu hơn 70 tỉ đồng; 104 quyết định khắc phục hậu quả với số tiền hơn 46 tỉ đồng. Đáng nói, nhiều dự án bất động sản bị "sờ gáy" với nhiều lỗi sai phạm.
Lợi nhiều hơn mức nộp phạt?
Hiện Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình (chủ đầu tư dự án nhà ở Tân Bình Apartment) nắm giữ kỷ lục mức phạt tiền đối với dự án bất động sản vi phạm tại TP HCM: 1,64 tỉ đồng. Không chỉ vậy, doanh nghiệp này bị đình chỉ kinh doanh 12 tháng và hoạt động xây dựng 6 tháng.
Trước đó, Thanh tra Sở Xây dựng buộc Công ty CP TDS (chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire) nộp phạt 1 tỉ đồng với lỗi xây dựng sai thiết kế 1.127 m2. Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt lại bị phạt hơn 108 triệu đồng vì chào bán dự án New City khi chưa đủ điều kiện; sai phạm nhiều về thủ tục.
Dự án Tân Bình Apartment giữ mức phạt vi phạm kỷ lục với hơn 1,6 tỉ đồng Ảnh: DI LÂM
Nhận xét về quy định xử phạt dự án bất động sản sai phạm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu nhìn nhận quy định mới của Chính phủ trong việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản có tăng mức phạt tiền. Do đó, số tiền phạt hiện nay có cao hơn so với quy định vài năm trước. Song mức phạt trên vẫn chưa tương xứng với hành vi vi phạm ở nhiều dự án. Dự án Tân Bình Apartment là dẫn chứng nổi bật. Dự án này có đến 19 hành vi vi phạm. Dù vậy, chủ đầu tư chỉ phải nộp phạt hơn 1,6 tỉ đồng. Trong khi lợi nhuận chủ đầu tư thu về từ những vi phạm trên có thể lớn hơn số tiền bị phạt rất nhiều.
Bổ sung hình phạt
Nhiều ý kiến cho rằng xử phạt vi phạm hành chính không đủ sức răn đe đối với nhiều chủ đầu tư dự án. Trên thực tế, không ít dự án, đặc biệt là dự án căn hộ, tái phạm nhiều lần với nhiều lỗi cùng lúc. Do đó, nếu muốn triệt tiêu tái phạm thì bên cạnh việc xử phạt hành chính, cơ quan quản lý cần thêm biện pháp răn đe, thậm chí nên cân nhắc xử lý hình sự.
Vừa qua, Công an TP HCM tiếp nhận hồ sơ liên quan đến dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (Công ty CP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư) và Bảy Hiền Tower (DNTN Xây dựng Thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư). Dù thời gian xây dựng kéo dài gần 20 năm nhưng hệ thống hạ tầng khu dân cư Bắc Rạch Chiếc vẫn chưa hoàn chỉnh. Riêng chủ đầu tư dự án Bảy Hiền Tower lại thi công sai thiết kế hơn 722 m2. Hiện cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ hành vi trái pháp luật của chủ đầu tư 2 dự án này.
Luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay đây là trường hợp hiếm hoi cơ quan quản lý chuyển vụ việc qua công an để truy trách nhiệm chủ đầu tư. Luật sư Luân phân tích: "Những vi phạm liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản thuộc trường hợp xử lý vi phạm hành chính. Bởi vậy, chủ đầu tư nộp phạt, khắc phục, rồi tái phạm. Cơ quan chức năng tiếp tục xử lý tái phạm. Đây gần như là kịch bản diễn ra thường xuyên ở không ít dự án. Thiết nghĩ, pháp luật hình sự nên đưa những vi phạm trên ra xử lý. Trách nhiệm hình sự chính là siết chủ đầu tư vào quy củ. Xét trường hợp vi phạm nhẹ, pháp luật có thể chiếu theo quy định xử phạt hành chính, kèm theo quyết định cấm cá nhân, tổ chức sai phạm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản. Vi phạm nặng hơn, pháp luật có thể bổ sung hình phạt tù".
Cũng theo luật sư Lê Ngọc Luân, nếu chủ đầu tư có dấu hiệu gian dối, lừa đảo trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, cơ quan quản lý có thể cân nhắc chuyển sự việc sang cơ quan điều tra để làm rõ sai trái, khởi tố khi có đủ căn cứ.
Thẩm quyền xử phạt
- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở Xây dựng, chánh thanh tra sở có thẩm quyền áp dụng hình thức cảnh cáo; phạt tiền 100 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Xây dựng có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 500 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
- Ngoài cảnh cáo, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng có thể buộc đối tượng vi phạm nộp phạt 1 tỉ đồng.
(Trích Nghị định 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 1-2018)
Bình luận (0)