Ngày 19-7, TAND TP HCM đã xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần" theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là nhóm 3 cổ đông thuộc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng An Thịnh (trụ sở quận Bình Thạnh, TP HCM).
Bị đơn là ông Nguyễn Đình Trung (chủ tịch HĐQT Công ty An Thịnh). Công ty An Thịnh và bà Trần Thị Kim Phượng (vợ ông Trung) được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Mua bán cổ phiếu bất thường?
Theo đơn khởi kiện, các cổ đông Trần Quang Vinh, Trần Đức Phú và Nguyễn Thanh Hiền (nguyên đơn) là đại diện nhóm cổ đông chiếm tỉ lệ 51% vốn điều lệ của Công ty An Thịnh.
Từ sau đại hội cổ đông năm 2012 đến tháng 7-2017, ông Nguyễn Đình Trung điều hành công ty có nhiều sai phạm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Đỉnh điểm là ông Trung đã tự ý bán 251.000 cổ phiếu Công ty An Thịnh cho vợ là bà Trần Thị Kim Phượng bằng cách cấn trừ công nợ nhằm mục đích tăng sở hữu vốn tại công ty lên 51%. Nguyên đơn cho rằng mục đích là để chiếm quyền điều hành công ty.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử
Sau khi TAND TP HCM thụ lý đơn kiện, nhóm cổ đông tiếp tục gửi đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu xem xét tuyên vô hiệu giao dịch mua bán 103.000 cổ phiếu của ông Trung và Công ty An Thịnh vì vào thời điểm mua số cổ phiếu này ông Trung là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty An Thịnh. Ông Trung đã tự tay ký mua 103.000 cổ phiếu bằng cách ký trừ công nợ nên vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Đại diện nguyên đơn, luật sư trình bày nguyên đơn có yêu cầu tuyên hủy giao dịch 251.000 cổ phiếu của bà Phượng tại Công ty An Thịnh và tuyên vô hiệu giao dịch này. Tương tự, yêu cầu tuyên vô hiệu giao dịch 103.000 cổ phiếu giữa ông Trung với Công ty An Thịnh.
Đại diện nguyên đơn bổ sung thêm việc bà Phượng mua 251.000 cổ phiếu có nguồn gốc nội dung vay mượn tiền trước đó của công ty. Đến năm 2016, bà Phượng chuyển sang giao dịch mua cổ phiếu. Tuy nhiên, bà Phượng là vợ ông Trung, đương kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty An Thịnh. Theo nguyên đơn, nguyên tắc bà Phượng muốn mua cổ phiếu công ty thì phải thông qua HĐQT.
Đại diện bị đơn, bà Phượng nói rằng yêu cầu của nguyên đơn là không hợp lý vì không chứng minh được giao dịch này gây thiệt hại cho công ty trong khi công ty đang cần người rót vốn.
Vì sao yêu cầu tuyên vô hiệu?
Đại diện nguyên đơn lý giải rằng việc giao dịch như vậy sẽ khiến cổ phần công ty thay đổi, nếu tăng vốn như vậy có thể xảy ra chuyện thao túng quyền lực trong công ty.
Một nhóm cổ đông từng xảy ra mâu thuẫn với Công ty An Thịnh
"Nếu tăng vốn thì số vốn gia đình ông Trung sẽ trên 50%, như vậy quyền lợi của cổ đông sẽ như thế nào? Nếu có giao dịch thì phải thông qua đại hội hội đồng cổ đông hoặc HĐQT. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thì việc mua cổ phần phải được mua bằng tiền chứ không thể cấn trừ nợ"- nguyên đơn trình bày.
Về phía mình, khi tranh luận bà Phượng nói rằng việc giao dịch mua bán cổ phiếu này nhằm tăng vốn điều lệ công ty từ 15 tỉ lên 40 tỉ đồng.
"Do công ty quá khó khăn nên tôi mới thế chấp nhà riêng vay tiền cho công ty mượn. Thay vì trả bằng tiền thì tôi đề nghị chuyển tiền nợ bằng việc mua cổ phần. Việc này là bình thường và không vi phạm pháp luật"- bà Phượng biện minh.
Tuy nhiên, HĐXX dẫn chứng trong văn bản số 05 ngày 5-4-2011, HĐQT đã thông qua biên bản và ủy quyền cho ông Phạm Viết V. (Phó Tổng Giám đốc Công ty An Thịnh) thay mặt cho ban tổng giám đốc xử lý mọi giao dịch huy động vốn. Nhưng trong trường hợp này bà Phượng và ông Trung mua bán cổ phần không thông qua ông V.
Ngày 25-7, tòa sẽ tuyên án.
Cổ đông từng xô xát
Sáng 29-8-2017, Công ty An Thịnh tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2017. Nội dung của đại hội có nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý nhất là việc bầu chọn HĐQT, nhiệm kỳ 2017-2022. Tuy nhiên, nhiều cổ đông khi đến dự đại hội đã không được cho vào công ty mặc dù có thư mời. Sự việc dẫn đến xô xát giữa các cổ đông và bảo vệ, phải cần đến sự can thiệp của công an.
Bình luận (0)