Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Khuất Văn Nga - Ảnh: M.QUANG |
Trả lời phỏng vấn về tiến trình tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Nhật Bản trong vụ PCI, ông Nga cho biết:
- PCI là một vụ án khá điển hình trong vấn đề thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp. Từ năm 2008, tôi được bộ trưởng tư pháp Nhật chính thức thông báo sẽ có những tài liệu cần thiết về vụ PCI, nhưng do Việt Nam và Nhật chưa có hiệp định tương trợ tư pháp nên tài liệu phải chuyển theo con đường ngoại giao.
Sau đó, phía Nhật gửi 3.050 trang tư liệu về vụ PCI cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bằng tiếng Anh và Nhật. Tài liệu được chuyển đến cơ quan điều tra Bộ Công an và đã được dịch xong. Nguồn tài liệu này là một nguồn chứng cứ quan trọng để chúng ta tiến hành các hoạt động tố tụng.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chứng cứ là những điều có thật nhưng phải được thu thập bởi một cơ quan có thẩm quyền pháp luật của Việt Nam, do đó từ tài liệu của Nhật, chúng ta phải điều tra xác minh các chứng cứ đó trên quan điểm chứng cứ của Việt Nam để tố tụng hóa theo pháp luật Việt Nam. Ngược lại, chúng ta cũng yêu cầu phía Nhật thực hiện tương trợ tư pháp như cung cấp nhân chứng, cung cấp thêm hồ sơ tài liệu để cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam điều tra, truy tố xét xử.
Đây là một vụ rất hay và tôi hi vọng ánh sáng của vụ này sớm được đưa ra. Chúng ta đã khởi tố vụ án về hành vi tham nhũng, chúng ta sử dụng tài liệu đó, tiến hành bằng tố tụng hình sự Việt Nam để làm rõ những gì có thật, chứng minh hành vi phạm tội. Về mặt tương trợ tư pháp, chúng ta đã tiếp nhận một nguồn tài liệu to lớn như vậy, hợp tác với các cơ quan tư pháp của Nhật để làm sáng rõ một loại tội phạm, đó là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
- Ông có thể cho biết phía Nhật đã cung cấp tài liệu ở mức độ cụ thể như thế nào? Vụ án khởi tố đến nay đã gần một năm, việc cá thể hóa hành vi phạm tội của mỗi cá nhân ra sao, có thể khởi tố bị can hay không?
- Phía Nhật đã cung cấp đầy đủ tài liệu cho chúng ta, không giấu giếm điều gì, trong đó nói rõ từng nhân vật là công dân nước Nhật phạm tội. Bạn cung cấp đầy đủ như vậy thì chúng ta mới có điều kiện để xem xét, tiếp tục truy tìm hành vi tội phạm. Tài liệu phía Nhật chuẩn bị rất cẩn thận, việc điều tra được tiến hành rất chi tiết, chặt chẽ. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những cách đánh giá chứng cứ khác nhau, luật cụ thể ở mỗi nước có những điểm khác.
Tôi ví dụ một số nước có luật đóng mở chứng cứ, đến giai đoạn nào đó của cuộc điều tra người ta sẽ đóng chứng cứ lại. Nhưng chúng ta không có đóng mở chứng cứ. Chúng ta phải làm theo pháp luật Việt Nam, xác định chứng cứ để xử lý. Việc của chúng ta là phải thực hiện các biện pháp tố tụng. Vụ án tham nhũng này được khởi tố ngày 8-12-2008 về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ, trước khi phía Nhật chuyển tài liệu cho Việt Nam.
Tuy nhiên, tài liệu do bạn chuyển sang rất ít chứng cứ trực tiếp mà chủ yếu là gián tiếp. Về vấn đề này tôi đã từng trao đổi với bộ trưởng tư pháp Nhật, đối với Việt Nam, để làm rõ hành vi phạm tội phải có chứng cứ trực tiếp; án tham nhũng, án hối lộ phải có chứng cứ trực tiếp mới có thể buộc tội. Tôi cho rằng trong vụ án này, việc khởi tố bị can là khả quan.
- Ngoài vụ PCI, có những vụ việc liên quan đến nước ngoài như Đức, Úc, việc tương trợ tư pháp được tiến hành ra sao và kết quả điều tra, xử lý đến mức nào, thưa ông?
- Với Đức thì có việc chuyển yêu cầu tương trợ tư pháp bằng con đường ngoại giao. Sau khi nhận được hồ sơ do Đức chuyển đến, chúng tôi đã chuyển cho cơ quan điều tra để xem xét (chủ yếu tương trợ tư pháp về công dân Đức phạm tội tại Việt Nam và công dân Việt Nam phạm tội tại Đức - PV). Riêng Mỹ chưa có vụ việc về tương trợ tư pháp nào được chuyển tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Về vụ in tiền ở Úc, đến nay chúng tôi chưa nhận được bất kỳ yêu cầu tương trợ tư pháp nào. Thông tin chỉ do phía báo chí Úc đăng tải. Nhưng quan điểm của tôi, chỉ mong họ cung cấp tư liệu đầy đủ. Chúng ta không cho phép những kẻ lợi dụng cơ chế nhà nước để thực hiện các hành vi phạm tội, làm giàu bất hợp pháp, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật làm nhục quốc thể phải xử lý một cách nghiêm túc.
Chúng tôi được Nhà nước giao nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm này, bất kỳ hành vi tội phạm nào dù diễn ra ở đâu, dù kẻ phạm tội là ai cũng kiên quyết phải làm rõ, xử lý nghiêm, thể hiện công lý. Mặc dù bạn không đề nghị tương trợ tư pháp nhưng các thông tin này đều được thụ lý tin; cơ quan điều tra theo dõi rất sát, nhất là trong thời kỳ đầu, tiền khởi tố. Còn khi nào có yêu cầu tương trợ thì các hoạt động tư pháp mới bắt đầu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải đảm bảo đúng người, đúng tội theo pháp luật Việt Nam Liên quan đến vụ PCI và một số nghi án tương tự, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn Thủ tướng về việc Chính phủ đã chuẩn bị như thế nào về mặt tư pháp cho hội nhập và sắp tới sẽ áp dụng những biện pháp như thế nào để phòng chống loại tội phạm này? |
Bình luận (0)