Vừa qua, nhiều nhân vật trên mạng xã hội nổi lên thành hiện tượng thông qua những màn livestream, phát trực tuyến lập kỷ lục tới hàng trăm ngàn lượt xem cùng lúc trên nhiều nền tảng. Nội dung livestream là những màn đấu tố nhằm vào một số nghệ sĩ nổi tiếng.
Một số nhân vật được một bộ phận khán giả tôn vinh như đại diện của công lý, người hùng chống tiêu cực trên mặt trận văn hóa giải trí.
Việc lợi dụng phát trực tuyến trên mạng xã hội công khai đả kích, xúc phạm, thách thức một số cá nhân khác có phải là hành động hợp pháp? Cần chế tài ra sao trước tình trạng dùng mạng xã hội phát tán các nội dung lệch chuẩn gây mất trật tự xã hội?
Ngày nay việc livestream trên các nền tảng mạng xã hội rất dễ dàng
Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 thì: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".
Nói cách khác, hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm sẽ có bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…. . có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Nếu tiết lộ thông tin bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác (mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) thì bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng.
Hành vi đưa các thông tin mang tính xúc phạm cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101, đồng thời gỡ bỏ thông tin vi phạm theo Nghị định 15/2020/ND-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Nếu một website thông thường đưa các thông tin mang tính xúc phạm tới danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng và nếu website đó là mạng xã hội thì chủ sở hữu mạng xã hội nếu không có biện pháp xử lý, kiểm soát sẽ bị phạt lên đến 70 triệu đồng theo Điều 99 và Điều 100 Nghị định 15/2020/ND-CP.
Pháp luật hình sự quy định hành vi lăng mạ, đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác đến mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, đời sống, sức khỏe của nạn nhân, gây ra dư luận xấu trong xã hội thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, khi đó sẽ không xử phạt hành chính theo các văn bản pháp luật nêu trên mà sẽ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.
Theo các chuyên gia pháp luật, người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo Điều 155 BLHS với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.
Đồng thời, cá nhân, tổ chức bị xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm có thể khởi kiện dân sự đòi xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại hoặc tố cáo hành vi phạm tội với cơ quan cảnh sát điều tra đối với cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai lệch, xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, uy tín và nhân phẩm của mình tương tự như các trường hợp không diễn ra trên không gian mạng.
Một số cá nhân khi bị xử phạt ở địa phương này đã chuyển sang địa phương khác livestream và không giữ lời hứa ngừng phát trực tiếp đã tuyên bố.
Giả sử những đối tượng bị vu khống không tố cáo và khởi kiện thì cơ quan chức năng, cụ thể là công an và Sở Thông tin-Truyền thông các địa phương vẫn có thể đề nghị xử lý hình sự theo Điều 331 BLHS về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cá nhân, tổ chức".
Một số báo điện tử, trang mạng xã hội coi đây là đề tài và bám theo nó, đẩy lên, khiến cho các cá nhân bị nhầm lẫn, dẫn tới những lần livestream liên tục tăng cấp, với số người được nhắc tên nhiều hơn, kết tội mạnh mẽ hơn và có vẻ như họ đã trượt xa với ranh giới giữa việc thuật lại một sự thật với việc xúc phạm ai đó.
Việc quản lý về truyền thông cũng phải thay đổi khi với những nền tảng mạng xã hội có nguồn gốc từ nước ngoài, người ta không cần phải xin phép, vẫn có thể truyền tải tin tức và tương tác trực tiếp với một lượng công chúng rất lớn. Các cơ quan chức năng cần phải có cách biện pháp để kiểm soát, quản lý việc đưa thông tin đến công chúng để không xâm hại các lợi ích của cá nhân, tổ chức hoặc xã hội.
Các cơ quan chức năng cần theo dõi và nghe lại những buổi livestream này, nếu có dấu hiệu xâm phạm lợi ích cá nhân, tổ chức hoặc xã hội mà được luật hành chính hay luật hình sự tuyên bố bảo vệ thì phải xử lý chứ không thể để cá nhân tiếp tục cho mình quyền được xúc phạm bất kỳ ai trên mạng xã hội.
Bình luận (0)