“Chú ơi, cứu con!”. Tiếng bé Hội thét lên đau đớn. Tôi cố kéo đôi chân của Hội đang bị đè bởi sức nặng của một xe container chứa đầy hàng hóa, mà không được. “Con buông tay chú ra để chú kêu tài xế lùi xe lại cứu con”. Tôi vừa nói vừa gỡ tay Hội, chạy lên đầu xe khản giọng gọi tài xế. Nhưng...”.
Từng lời, từng lời của anh Lê Phước Tươi tại tòa như đoạn phim quay chậm lại làm người nghe hình dung rõ hơn giây phút cuối cùng đầy đau đớn, kinh hoàng trước cái chết lẽ ra không đáng có của cô Nguyễn Thị Hội (SN 1993). Để rồi rùng mình. Để rồi kinh hãi và phẫn nộ.
Đặng Hữu Anh Tuấn trong giờ nghị án. Ảnh: P. DŨNG
Ba lần cán người
Hành động dại dột Ngồi sau lưng tôi, dì ruột của Tuấn từ Bình Thuận vào tham dự phiên tòa thở dài: “Tại sao nó lại hành động dại dột vậy không biết? Nhiều lần đi thăm nuôi, tôi hỏi, nó cũng chỉ lắc đầu. Từ nhỏ, nó đã khổ vì thiếu tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ. Đến khi cưới vợ, tôi cũng phải vay mượn để có tiền lo cho nó. Thường ngày, nó hiền lắm, thương gia đình, chịu khó làm lụng vất vả để nuôi vợ con. Có thể mới lái xe chưa bao lâu, không có kinh nghiệm nhiều, gặp tai nạn, nó cuống... Bây giờ, chỉ thương cho con gái của nó, hơn một tuổi nhưng chưa một lần được biết mặt cha...”.
Tai nạn giao thông xảy ra vào lúc 22 giờ 5 phút ngày 14-5-2009, trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú - TPHCM). Nguyễn Thị Hội trên đường dự tiệc về đã ngã vào trục bánh sau bên phải xe container (do Đặng Hữu Anh Tuấn, SN 1985, điều khiển, Nguyễn Văn Quyền làm phụ xe), bị bánh xe thứ tư cán qua phần đùi. Sau khi kéo Hội ra khỏi bánh xe không được, anh Tươi liền cho xe máy chạy lên phía trước đầu xe container chặn ngang và yêu cầu Tuấn lùi xe để cứu người.
Phía dãy ghế đối diện, cha và bà ngoại của Hội lấy khăn chậm nước mắt. Tai nạn xảy ra, họ không chỉ đau vì mất con, mất cháu mà hằng ngày phải đỏ mắt kiếm tiền để góp đủ cả vốn lẫn lời tiền vay nóng lo ma chay cho Hội.
Nhưng Tuấn và Quyền không xuống, cũng không lùi xe lại mà cho xe chạy lên phía trước khoảng 2 m, đụng vào xe máy của anh Tươi làm bánh xe container cán lên người Hội. Tiếp đó, mặc cho nhiều người chạy đến kêu la, Tuấn cho xe lùi lại khoảng 3 m cán Hội lần thứ hai; đánh tay lái sang trái để tránh xe máy anh Tươi rồi cho xe bỏ chạy về phía trước làm bánh xe cán lên người Hội lần thứ ba.
Quyết không để Tuấn chạy thoát, anh Tươi dựng xe máy lên cùng nhiều người đuổi theo. Được khoảng 400 m, anh Tươi vượt lên trước, dùng xe máy chặn đầu xe container. Bất chấp, Tuấn điên cuồng tông thẳng và kéo lê xe máy anh Tươi một đoạn khoảng 3-4 m mới dừng lại.
Đó là toàn bộ nội dung vụ án mà vị đại diện VKSND TPHCM công bố trước tòa. Tuấn co rúm người lại trước vành móng ngựa, cúi gằm mặt lắng nghe. Nhìn Tuấn bây giờ không ai có thể hình dung được đó chính là “hung thần” đã nhẫn tâm gây nên cái chết đau đớn của một cô gái trẻ.
Trước những câu hỏi của HĐXX, Tuấn tỏ ra mất bình tĩnh, trả lời lí nhí, kiệm lời, đôi lúc im bặt. “Bị cáo có hiểu người ta kêu lùi xe lại để làm gì không?”- “Dạ, cứu người”. “Tại sao ban đầu bị cáo đã dừng xe, về sau lại không lùi xe mà tiếp tục cán người đến 3 lần?”- “Bị cáo rối... Hoảng...”. “ Lúc đó bị cáo suy nghĩ gì?”- “Thực sự trước mắt bị cáo lúc đó chỉ toàn một màu đen. Bị cáo không nghĩ gì cả... Không biết ra làm sao...”. “Vậy bị cáo tiếp tục làm gì?”- (Im lặng. Đến lần hỏi thứ ba thì ngập ngừng)- “Sợ người nhà nạn nhân đánh nên bị cáo đóng cửa xe... rồi chạy”. “Tại sao tông thẳng vào xe anh Tươi? Muốn giết thêm một người nữa sao?”- (Lại im lặng).
Được mời lên, anh Tươi phẫn nộ nói: “Hành động của Tuấn không chỉ vi phạm đạo đức của người lái xe mà còn mất nhân tính. Bị cáo đã dừng xe, đã biết có người đang mắc dưới gầm nhưng vẫn bất chấp, điên cuồng cho xe chạy tới. Nếu bị cáo chịu lùi xe, bé Hội có thể đã không chết tức tưởi như thế. Đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi tiếng xương gãy dưới sức nặng của cả chiếc xe khổng lồ, hình ảnh bé Hội đưa tay cầu cứu tôi trong đớn đau, tuyệt vọng và vẻ mặt lạnh lùng, vô tri vô giác của Tuấn...”.
Khó tha thứ, cảm thông
Theo hồ sơ vụ án, Tuấn lưu thông đúng phần đường, Hội có phần lỗi khi điều khiển xe phân khối lớn mà chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe... Điều này chỉ có ý nghĩa khi đó là một vụ vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trong vụ án này, sau sự cố vô tình dẫn đến tai nạn giao thông, diễn biến tiếp theo sau đó dù lý giải thế nào về tâm lý của bị cáo, như hoảng loạn vì bất ngờ gây tai nạn, sợ bị đám đông đánh, xử lý tình huống kém..., cũng là sự cố tình.
Cố tình không cứu giúp người bị nạn, cố tình thực hiện hành vi cán lên người nạn nhân nhiều lần, cố tình trốn tránh trách nhiệm. Đó là hành vi cố ý giết người. Và đó đích thực là tội ác. Có lẽ vì thế, dù rất cố gắng bào chữa cho bị cáo, luật sư cũng đã tỏ ra lúng túng khi phân tích động cơ phạm tội cũng như tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Bản thân Tuấn, dù có một hoàn cảnh gia đình đáng thương, dù đã bật khóc trước tòa vì ăn năn, hối hận, cũng khó nhận được sự tha thứ, cảm thông.
Với nhận định bị cáo nhận thức rõ nạn nhân nằm dưới bánh xe, nếu nhấn ga chạy tới sẽ dẫn đến chết người nhưng vẫn thực hiện hành vi, mặc hậu quả xảy ra. Hành vi của bị cáo là rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, cướp đi sinh mạng một người... Tuy nhiên, bị cáo khai báo thành khẩn, chưa tiền án tiền sự, đã bồi thường một phần chi phí mai táng.... TAND TPHCM đã tuyên phạt Đặng Hữu Anh Tuấn 8 năm tù về tội giết người. Án đã tuyên, nhưng câu hỏi: “Tại sao bị cáo đã dừng xe, về sau lại không lùi xe mà tiếp tục cán người đến 3 lần?” chưa có được câu trả lời.
Để rồi động cơ phạm tội thực sự của bị cáo vẫn chưa được phân tích đến nơi đến chốn. Án đã tuyên, thấp hơn đề nghị của VKSND TPHCM (từ 11- 12 năm tù) nhưng vẫn nằm trong khung hình phạt ở khoản 2 điều 93 BLHS mà VKSND TPHCM truy tố. Nhưng nếu so sánh với cuộc đời còn rất dài của một cô gái trẻ đã bị tước đoạt một cách tàn nhẫn, hành vi lạnh lùng cán người đến 3 lần của bị cáo liệu có đáng giảm nhẹ hình phạt?
Chưa kể, mức án này có thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe các “hung thần” đường phố- những người điều khiển phương tiện nguy hiểm cao độ nhưng lại xem thường pháp luật và sinh mạng người khác? Vẫn còn rất nhiều câu hỏi mà chưa thể có lời đáp hôm nay. Nhưng chắc chắn hình ảnh bé Hội cố níu tay anh Tươi, kêu cứu trong tuyệt vọng là nỗi ám ảnh triền miên, đối với những ai còn có lương tri và tình người.
Dư luận phẫn nộ
|
Bình luận (0)