Theo Công an TP HCM, nhiều người sau khi bị lừa đã không đến trình báo cơ quan chức năng vì số tiền không lớn và sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự.
Tham nên mất của
Sau khi nhập cảnh Việt Nam, Samson (quốc tịch Nigeria) cùng một số đồng hương đã cấu kết với một số người Việt Nam lên kế hoạch lừa đảo những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, ham quà tặng. Samson lên các trang mạng xã hội như Facebook, Viber kết thân, tâm sự với phụ nữ độc thân muốn kết hôn với người nước ngoài hoặc muốn có cuộc sống nhàn nhã ở nước ngoài.
Khi các “con mồi” bắt đầu xiêu lòng, Samson nói rằng sắp sang Việt Nam mua nhà hoặc hứa hẹn sẽ đón người tình sang nước mình sinh sống. Samson còn nói sẽ gửi một ít quà hoặc tiền mặt làm tin để người tình lo các thủ tục trước khi hắn đến Việt Nam.
Sau một thời gian tâm sự với chị P.T.T (SN 1972, ngụ tỉnh Sơn La), Samson nói sẽ chuyển tặng T. một số quà. Sau đó, đồng bọn của Samson gọi điện thoại cho T., xác nhận tên tuổi và nói tiền, quà sắp đến, đồng thời yêu cầu chị chuyển phí. Ngày 26-1-2015, chị T. đã chuyển gần 214 triệu đồng nhưng rồi không liên lạc được với Samson. Biết bị lừa, chị T. ấm ức đến công an nhờ can thiệp.
Tương tự, chị T.T.T.L cũng đã chuyển 181 triệu đồng cho băng nhóm trên nhưng không nhận được hồi âm…
Bằng những chiêu thức này, Samson cùng đồng bọn đã lừa hàng chục quý bà ở khắp mọi miền đất nước (những bị hại đã trình báo) với tổng số tiền gần 740 triệu đồng.
Trong một vụ án lừa đảo khác, Công an TP HCM đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Lê Thị Thu Trang (SN 1979; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM). Trang là một mắt xích quan trọng giúp sức cho các “trai Tây” lừa đảo những phụ nữ Việt Nam muốn có cuộc sống giàu sang ở nước ngoài. Sau khi đồng bọn cung cấp địa chỉ, Trang sẽ gọi cho các “quý bà” yêu cầu chuyển khoản để nhận tiền, quà đang “mắc kẹt” ở hải quan. Theo kết luận, Trang đã lừa đảo 4 phụ nữ tổng cộng 460 triệu đồng.
Cũng đánh vào lòng tham của nhiều người, băng nhóm do Lê Văn Pháp (SN 1990, quê Quảng Nam) cùng đồng bọn đã từng bước dẫn dụ, đưa các “con mồi” vào tròng. Pháp đã gửi tin nhắn với nội dung giả thông báo trúng thưởng đến các thuê bao, tài khoản sử dụng các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber, Beetalk… trên điện thoại di động để lừa đảo. Muốn nhận được quà tặng, người dùng phải chuyển một khoản phí. Với thủ đoạn này, băng nhóm của Pháp đã lừa hàng trăm người với số tiền gần 2 tỉ đồng.
Đánh đập con nợ
Ngày 1-7, Công an quận 10, TP HCM đã tạm giam Lê Ngọc Châu (SN 1983), Nguyễn Hồng Giang (SN 1984) và Hồ Đức Khánh (SN 1985, cùng ngụ TP Hải Phòng) để điều tra về hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật”.
Trước đó, anh Nguyễn Minh Phục (SN 1990; ngụ quận 8, TP HCM) biết Công ty Nam Minh (quận 10, do Lê Ngọc Châu điều hành) cho vay tiền qua tờ rơi. Do cần tiền trang trải nên anh Phục mang CMND và sổ hộ khẩu đến Công ty Nam Minh làm thủ tục vay tiền. Nhận hồ sơ, Châu ra lệnh cho đàn em đi xác minh lai lịch và nhà cửa của anh Phục.
Từ tháng 3-2016, anh Phục đã nhiều lần vay 3-5 triệu đồng, lần cuối vay 15 triệu đồng và trả 450.000 đồng trong vòng 40 ngày (trả thành 18 triệu đồng). Tuy nhiên, mới được 10 ngày, anh Phục hết tiền, không có khả năng trả nợ.
Trưa 28-6, anh Phục đang làm nhiệm vụ bảo vệ ở khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh) thì bất ngờ bị Châu và 2 thanh niên khác đến khống chế, bắt về trụ sở Công ty Nam Minh tra khảo. Tại đây, các đối tượng thay nhau đánh anh Phục dã man. Nghe tiếng kêu cứu, người dân đã gọi điện trình báo công an.
Tại Công an quận 10, Châu thừa nhận Công ty Nam Minh cho vay nặng lãi núp bóng cho thuê xe máy. Khi nhận tiền, các nạn nhân phải ký giấy thuê xe máy chứ không phải vay nợ. Mặc dù biết sẽ bị đánh đập nếu không trả nợ đúng hẹn nhưng nhiều người vì cần tiền nên bất chấp, không ít nạn nhân rơi vào cảnh bần cùng.
Trước đó, biết tiệm cầm đồ Đại Phát cho vay nặng lãi núp bóng cầm đồ nên anh Phan Mạnh Trường đến mượn 2 triệu đồng. Khi trả được 400.000 đồng thì anh Trường không còn khả năng trả nợ tiếp. Sáng 7-5, anh Trường đang ngồi chơi trên đường Đình Hòa (quận 8) thì bị nhóm người của tiệm cầm đồ Đại Phát dùng mã tấu tấn công gây thương tích.
Trung tá Lê Hữu Phước - Đội trưởng hình sự, Công an quận 8 - cho biết đang rà soát, phát hiện và dẹp tất cả các tiệm cầm đồ, công ty chuyên cho vay nặng lãi trá hình. “Các đối tượng cho vay nặng lãi chuyên hoạt động ở những địa bàn đông dân cư lao động, buôn bán. Hình thức cho vay đơn giản, chỉ cần xác minh chỗ ở, nghề nghiệp, thế nên người vay rất dễ trở thành miếng mồi ngon cho bọn tội phạm” - ông Phước nói.
Luôn tìm đến công an
Nhiều người khi nhặt được CMND, thay vì mang đến cơ quan công an thì mang bán cho những đối tượng lừa đảo.
Cụ thể, Lê Bảo Sơn (SN 1989) và Trần Công Thuận Hiếu (SN 1984) đã đến các bến xe và chợ ở địa bàn quận 8 tìm mua CMND của những người bị mất với giá 500.000 đồng/cái. Sau đó, Hiếu cùng đồng bọn dán hình, mở thẻ ATM để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt gần 1,4 tỉ đồng.
Trong một vụ án khác, Phạm Tiến Mạnh (SN 1984) và Hạp Đức Bắc (SN 1970) đã đến các tiệm cầm đồ mua lại CMND với giá 300.000 đồng/cái rồi đem ra ngân hàng làm thẻ ATM sử dụng cho việc rao bán xe máy giá rẻ trên mạng và lừa đảo rất nhiều người.
Thiếu tá Trần Ngọc Đoàn - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Bình Thạnh - khuyến cáo: “Khi bị mất CMND, người dân cần đến công an trình báo để được hướng dẫn. Bên cạnh đó, nhiều người vì muốn mua xe, mua hàng giá rẻ hơn thị trường nhưng không tìm hiểu kỹ nên đã bị các đối tượng lừa đảo giăng bẫy. Khi gặp trường hợp này, nạn nhân cần đến công an trình báo, hợp tác điều tra”.
Bình luận (0)