6 tháng đầu năm 2021, TAND Cấp cao tại TP HCM thụ lý 865 vụ án hành chính phúc thẩm. Cơ quan xét xử giải quyết xong 442 vụ, trong số đó, 99 vụ án bị cấp phúc thẩm tuyên hủy, sửa (chiếm hơn 20%). Kết quả xét xử phúc thẩm cho thấy nhiều dạng vi phạm ở tòa sơ thẩm dẫn đến việc tòa phúc thẩm buộc phải hủy, sửa án. Điển hình là 2 vụ án kéo dài dưới đây.
Áp dụng nghị định hết hiệu lực
TAND Cấp cao tại TP HCM vừa tuyên bố sửa bản án sơ thẩm theo hướng hủy văn bản xử lý vi phạm về thuế trong vụ kiện hành chính giữa Công ty CP Scavi với cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai.
Đâm đơn kiện, phía khởi kiện yêu cầu tòa án hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai ký ban hành; buộc Cục Thuế tỉnh Đồng Nai hoàn trả hơn 47 tỉ đồng (tiền doanh nghiệp nộp phạt), bồi thường tiền lãi hơn 14,5 tỉ đồng.
Theo hồ sơ, năm 2014, dù kết thúc thanh tra thuế đối với Công ty CP Scavi nhưng đoàn thanh tra và doanh nghiệp chưa thể thống nhất số liệu. Vì vậy, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản đề nghị người đại diện theo pháp luật cùng kế toán trưởng doanh nghiệp đến làm việc, ký biên bản thanh tra.
Tại buổi làm việc, đoàn thanh tra công khai dự thảo biên bản thanh tra nhưng đại diện doanh nghiệp không ký tên vào biên bản. Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không ký biên bản thanh tra.
Sau đó, đại diện Công ty CP Scavi có ký biên bản, trình bày ý kiến giải trình. Sau khi xem xét, đoàn thanh tra lập ra phụ lục biên bản thanh tra cùng các biên bản điều chỉnh.
Đến năm 2016, đoàn thanh tra ban hành kết luận thanh tra. Căn cứ văn bản trên, cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền truy thu, xử phạt lên đến hơn 47 tỉ đồng.
Ở cấp sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên doanh nghiệp đã kháng cáo.
Trong khi đó, tòa phúc thẩm đã phát hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai ký ban hành không viện dẫn những căn cứ pháp luật làm cơ sở xác định hành vi vi phạm cũng như hình thức, mức xử phạt vi phạm.
Chưa kể, biên bản thanh tra viện dẫn nghị định xử phạt phạm luật về thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nhưng nghị định này đã hết hiệu lực từ năm 2013, khi đó vụ việc chưa xảy ra.
Xác định sai phạm là hành vi khai sai thuế phải nộp nhưng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai lại xử phạt doanh nghiệp về hành vi chậm nộp thuế. Trong khi, nghị định thay thế không đề cập xử phạt đối với hành vi chậm nộp thuế.
TAND TP HCM tổ chức đối thoại trực tuyến khi giải quyết vụ án hành chính. (Ảnh chỉ có tính minh họa - ảnh do TAND TP HCM cung cấp)
Bồi thường, hỗ trợ sai lệch
Tương tự, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm cũng sửa bản án sơ thẩm vụ kiện hành chính liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất ở quận 9 (nay là TP Thủ Đức, TP HCM). Cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo người dân gửi lên.
Hồ sơ thể hiện năm 1996, ông Trần Thanh Hải được cha ruột tặng hơn 200 m2 đất ở xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức (phường Tân Phú, TP Thủ Đức ngày nay). Đến năm 2014, ông Hải nhận đầy đủ giấy tờ sở hữu tài sản (trừ phần đất 72,7 m2 quy hoạch làm đường).
Cuối năm 2014, UBND quận 9 ban hành văn bản thu hồi 72,7 m2 đất trên mảnh đất gia đình ông Hải đang sử dụng. Sau đó, chính quyền quận 9 ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ gần 11,5 triệu đồng đối với 7,1 m2 đất nông nghiệp ngay mặt đường, đồng hồ nước, đường thoát nước; không bồi thường 65,6 m2 cùng căn nhà xây dựng trên phần đất cần giải tỏa kể trên.
Gần 1 năm sau, UBND quận 9 ra quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung hơn 50 triệu đồng. Theo đó, cơ quan chức năng bồi thường đất ở, hỗ trợ đất nông nghiệp ở mặt đường và điều chỉnh hỗ trợ đất nông nghiệp thuộc địa giới hành chính thành hỗ trợ đất nông nghiệp trên cùng thửa đất có nhà ở.
Nhiều lần khiếu nại nhưng kết quả không như ý nên gia đình ông Hải "gõ cửa" tòa án, đề nghị hủy một số quyết định hành chính liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất và giải quyết khiếu nại; buộc UBND quận 9 bồi thường, hỗ trợ toàn bộ 72,7 m2 theo đơn giá đất ở; bồi thường, hỗ trợ giá trị căn nhà xây trên phần đất này. Xử sơ thẩm, TAND TP HCM bác toàn bộ yêu cầu trên.
Ngay sau đó, không chỉ ông Hải kháng cáo mà VKSND Cấp cao tại TP HCM cũng kháng nghị phúc thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Căn cứ hồ sơ, tòa phúc thẩm kết luận việc UBND quận 9 thu hồi đất nhưng chỉ bồi thường, hỗ trợ 7,1 m2 mà không bồi thường giá trị đất, tài sản trên đất đối với phần đất còn lại là không đúng quy định pháp luật. HĐXX phúc thẩm giải thích gia đình ông Hải sử dụng phần đất 72,7 m2 ổn định, không vi phạm pháp luật.
Theo biên bản kiểm tra hiện trạng, trên đất có một căn nhà. Như vậy, gia đình ông Hải đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đối với phần diện tích đất nêu trên. Cấp sơ thẩm đã sai sót khi đánh giá chứng cứ thiếu chính xác.
Đối thoại trực tuyến
TAND TP HCM đang thí điểm đề án đối thoại trực tuyến trong giải quyết án hành chính và đã tiến hành một số phiên đối thoại giữa cơ quan tiến hành tố tụng với phía khởi kiện, phía bị kiện cùng các bên liên quan bằng hình thức trực tuyến.
TAND TP HCM đánh giá việc thực hiện đề án có ý nghĩa quan trọng giữa thời điểm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thực hiện tố tụng trực tuyến do tình hình dịch Covid-19.
Bình luận (0)