"Con tôi đã chết lâu rồi nhưng hình ảnh và tên của cháu cứ liên tục bị kẻ xấu lợi dụng đăng tải với nhiều "kịch bản" khác nhau. Mỗi bài viết là một câu chuyện thấm đẫm nước mắt và lượng người gửi tiền cho kẻ xấu ngày càng nhiều" - chị Nguyễn Hồng Loan (47 tuổi; ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM) bức xúc kể lại câu chuyện đau buồn của gia đình mình.
Táng tận lương tâm
Theo tìm hiểu, những ngày qua trên mạng xã hội liên tục chia sẻ bài viết với tựa đề "Cậu bé bệnh nặng hết tiền đành trốn bệnh viện chờ chết", nội dung mô tả cậu bé Huỳnh Văn Nam (8 tuổi) con của chị Loan đang mắc bệnh ung thư vòm họng, kèm theo hình ảnh chụp cách đây 8 tháng. Tuy nhiên, tên người mẹ lại đổi thành Huỳnh Thị Thơm và số tài khoản chuyển tiền do người này làm chủ sở hữu. Bài viết đã nhận được hàng chục ngàn lượt thích và hàng ngàn lượt chia sẻ. Sau đó, nhiều người đã chuyển khoản tiền rất lớn từ vài trăm ngàn đến hơn 20 triệu đồng. Thống kê cho thấy trên 100 triệu đồng đã gửi đi.
Một tài khoản Facebook thêu dệt câu chuyện để trục lợi từ thiện với số tiền trên 100 triệu đồng khi mượn hình ảnh con chị Nguyễn Hồng Loan
Chị Loan cho hay 2 tháng trước, khi con trai của chị mất cũng là lúc chị từ chối nhận tiền ủng hộ. Thấy hình ảnh con mình đang bị mang ra để trục lợi, chị Loan liền vào tài khoản Facebook Nguyễn Minh Minh để tố cáo cho các nhà hảo tâm biết thì lập tức bị chặn. Một vài người thân biết tin cũng vào tài khoản nói trên lên tiếng cảnh báo thì bị xóa bình luận.
Chưa dừng lại, một số tài khoản khác cũng vẽ ra thêm "kịch bản" khác cho rằng người mẹ nhịn ăn, làm việc cật lực đã mất, giờ đây cậu bé một mình nằm giữa giường bệnh. Câu chuyện lay động nhiều nhà hảo tâm và họ không ngần ngại gửi tiền vào một tài khoản xa lạ.
Tương tự, chị Trần Thị Hoa Phượng (48 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) có con trai tên là Trần Lê Hữu Nghĩa (14 tuổi) đang mắc bệnh suy thận. Suốt 10 năm qua, mẹ con chị ăn ngủ quanh năm tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trong một lần đang nằm ở hành lang, có một người đàn ông xưng là tổ chức từ thiện đề nghị xin thông tin của 2 mẹ con. Người này còn bắt phải hát những bài hát nghèo khổ để thu hình. Ngay sau đó, hình ảnh ấy được đưa lên trên mạng với các nội dung không đúng như hoàn cảnh gia đình. Hơn 10 bài viết và những câu chuyện khác nhau nhưng điểm giống chỉ là hình ảnh hai mẹ con ăn ngủ hành lang bệnh viện.
Câu chuyện về "đoạn trường" cha bỏ, mẹ vất vả mưu sinh ôm con ăn ngủ ở bệnh viện lấy đi nước mắt nhiều người và tiền được huy động rất nhiều. Thế nhưng chờ mãi hơn nửa năm nay, chẳng ai liên lạc với gia đình chị Phượng để trao tiền. "Người ta chuyển khoản nhiều lắm nhưng tôi chưa nhận được đồng nào" - chị Phượng bức xúc nói.
Cần mạnh dạn tố cáo
Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều người bị kẻ xấu "mượn hình ảnh" nhưng vì ngại phiền phức đã không đứng ra tố cáo. Chị Loan cho hay dù vụ việc gây bức xúc cho bản thân nhưng cũng không muốn tốn thêm thời gian để tố cáo kẻ xấu. Sau khi nghe chúng tôi phân tích thì chị Loan đã tìm đến Công an huyện Bình Chánh để gửi đơn tố cáo nhằm ngăn chặn hành động bất lương của kẻ xấu. Công an huyện Bình Chánh cho biết sẽ điều tra theo quy trình đơn tố cáo, trước mắt xác định ai là chủ tài khoản ngân hàng và từ đó làm rõ mối quan hệ người này đối với chủ tài khoản mạng xã hội.
Chị Nguyễn Hồng Loan bức xúc khi con trai đã mất nhưng nhiều người vẫn kêu gọi từ thiện để trục lợi
Luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết pháp luật không can thiệp chuyện làm từ thiện và kêu gọi từ thiện. Tuy nhiên, qua những câu chuyện cụ thể trên, để xử lý được các đối tượng mạo danh cần phải có đơn tố cáo của người bị hại. Từ đó có cơ sở chắc chắn để cơ quan công an vào cuộc làm rõ. Hành vi nhận tiền từ thiện nhưng không giúp đỡ và thêu dệt câu chuyện không đúng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. "Cơ quan công an dễ xử lý khi chỉ cần sao kê giao dịch của tài khoản ngân hàng. Người sở hữu dùng tiền vào mục đích không đúng là đủ căn cứ xử lý. Người vi phạm có thể đối mặt mức án tù 16 năm" - luật sư Minh phân tích.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Thành, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết hiện tượng trục lợi từ thiện ngày càng phổ biến. Nhiều người hảo tâm chỉ cần thấy hoàn cảnh khó khăn là nhanh tay chia sẻ và chuyển tiền lập tức. Đôi khi có những trường hợp nhân vật đã từ chối nhận tiền nhưng người trung gian vẫn tiếp tục lấy đó làm cơ hội trục lợi. "Cách tốt nhất nên dừng lại vài phút để gọi điện thoại trực tiếp nhằm thẩm định nội dung. Dành thêm ít thời gian kiểm chứng tài khoản Facebook, đọc những bình luận bởi đâu đó có sự lên tiếng từ người trong cuộc" - thạc sĩ Lê Minh Thành khuyến cáo.
"Ngoài cẩn thận trước khi chuyển tiền, các mạnh thường quân cần ưu tiên giải pháp giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn về công ăn việc làm, bởi có công việc, người được giúp đỡ mới trân trọng cái tình và hơn cả là không ỷ lại vào sự thương xót của nhiều người".
Thạc sĩ tâm lý LÊ MINH THÀNH
Bình luận (0)