Trước cổng tòa, cả 2 người nam và nữ đều bước xuống từ 2 ôtô đắt tiền. Họ bước song song nhưng ánh mắt không nhìn cùng một hướng. Cả hai từng đầu ấp tay gối ấy giờ hờ hững, bước vội qua nhau để cùng đến dự phiên xử lần thứ hai. Bản án ly hôn trước đó của cấp sơ thẩm chưa giải quyết hết những khúc mắc trong lòng cặp đôi đã từng là vợ chồng này.
Thương không gặp yêu
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra khá kín đáo. Phòng xử chỉ có 2 người - nguyên đơn (người vợ) và bị đơn (người chồng).
Minh họa: KHỀU
Tại tòa, nguyên đơn cho biết cả hai đều từng có gia đình. Đầu năm 2016, 2 người gặp nhau khi đến dự buổi sinh hoạt tại một câu lạc bộ dành cho người có cuộc sống gia đình không suôn sẻ. Chung cảnh ngộ, chị và anh ngày càng đến gần nhau hơn. Nhưng trắc trở từ hôn nhân lần trước khiến chị luôn nhắc nhở bản thân cần thận trọng. Rồi đến cuối năm 2017, anh chị về "thổi cơm chung". Tuy nhiên, trong thời gian chung sống, chị nhận ra tình cảm giữa 2 người là tình thương chứ không hề có tình yêu.
Nghe vợ nói, người chồng phản bác: "Thưa quý tòa, chúng tôi đều sắp bước qua tuổi 40, đều hiểu biết và có địa vị xã hội nhất định. Vì thế, tôi tin hai bên xác định rõ tình cảm trước khi làm đám cưới. Chẳng qua, cô ấy muốn ly hôn và chia tài sản nên mới nói vậy".
Người vợ đáp trả: "Thưa quý tòa, tôi chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Sau khi kết hôn, sẵn tính ích kỷ nên anh ấy kìm kẹp tôi. Do đặc thù công việc nên tôi thường dự những buổi xã giao, gặp gỡ đối tác. Vậy mà anh ấy không thông cảm còn cằn nhằn. Thậm chí, có khi tôi họp ngoài giờ, anh ấy điện thoại liên tục. Anh ấy nhờ người trong công ty giám sát tôi".
Cuộc tranh luận không có điểm dừng đến khi HĐXX lên tiếng.
Chủ tọa phiên tòa cho rằng bất kỳ ai chứng kiến phong thái, cách ứng xử điềm đạm đều công nhận họ là người có trình độ, hiểu biết. Vì vậy, thay vì đổ lỗi, HĐXX mong hai bên đặt trọng tâm vào vấn đề chính, đó là việc phân chia tài sản. "Dù thương hay yêu thì 2 người cũng đã đồng thuận ly hôn mà" - bà nói.
Nghe vậy, hai bên mới thôi nhắc đến lý do tan vỡ.
Vấp ngã trên đường mòn
Căn hộ cao cấp ngay trung tâm TP HCM - nơi họ sinh sống - là nguyên nhân người vợ kháng cáo bản án sơ thẩm. Nguyên đơn không đồng ý việc cấp sơ thẩm tuyên căn hộ thuộc về bị đơn sau khi ly hôn.
Trước HĐXX, người chồng khẳng định đây là tài sản hình thành trước hôn nhân của mình. Như lần sơ thẩm, bị đơn có đầy đủ giấy tờ chứng minh. Người vợ thừa nhận chị không bỏ tiền ra mua tài sản trên. Tuy nhiên, chị góp 500 triệu đồng sửa sang căn hộ. Do đó, chị đề nghị tòa buộc anh trả chị toàn bộ số tiền này.
Người đàn ông không đồng tình vì người cũ không đưa ra chứng cứ chứng minh việc góp tiền.
Vị đại diện VKS khuyên nhủ: "Anh chị đều có tài sản riêng và có mức sống cao. Tôi nghĩ hai bên nên ngồi lại bàn bạc trên tinh thần hòa giải và nhường nhịn lẫn nhau. Tôi tin 500 triệu đồng không đáng là gì so với số tài sản mỗi người đang sở hữu. Dù không còn tình thì cũng còn nghĩa…".
Chủ tọa phiên tòa đồng tình với ý kiến trên và mong đôi bên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Dù vậy, nỗ lực từ những người đứng giữa chỉ như giọt nước làm tràn ly. Người vợ trình bày chị quyết tâm đòi 500 triệu đồng không vì thiếu tiền mà muốn đòi lại công bằng. Bởi lẽ, đối với chị, sòng phẳng và minh bạch là thước đo, kể cả trong cuộc sống hôn nhân.
Người chồng chán nản: "Chính vì cô ấy coi cuộc sống vợ chồng như công việc và đề cao sự nghiệp hơn gia đình nên tôi không chịu nổi. Thử hỏi, có người chồng nào không bất an khi vợ thường làm việc ngoài giờ với người khác giới?".
Sau khi HĐXX phân giải, anh chấp thuận trả 250 triệu đồng. Theo anh, đây là số tiền thực tế chị bỏ ra mua nội thất. Nguyên đơn xin tòa tạm ngừng ít phút để suy nghĩ.
Phòng xử im ắng. Người vợ ra ngoài điện thoại.
Người chồng ngồi thở dài. Anh chia sẻ cuộc hôn nhân trước của mình thất bại cũng vì vợ chồng bế tắc khi không cân bằng được giữa sự nghiệp và gia đình. Bây giờ, anh lại đi trên chính đường mòn ấy rồi vấp ngã lần thứ hai...
Sau khi cân nhắc kỹ càng, nguyên đơn đồng ý nhận 250 triệu đồng. Tòa án quyết định giữ nguyên nội dung ly hôn cấp sơ thẩm tuyên trước đó. Đồng thời, bị đơn có trách nhiệm trả 250 triệu đồng theo đúng thỏa thuận.
Phiên tòa kết thúc, đánh dấu chấm hết cho một cuộc hôn nhân chóng vánh. Còn tình đã lặng lẽ phân ly với nghĩa tự lúc nào cũng không ai rõ.
Bình luận (0)