Bị cáo Nguyễn Trí Liêm, nguyên Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức, trầm ngâm trước vành móng ngựa
8 giờ 45 sáng nay 7-3, Toà án nhân dân (TAND) TP Hà Nội khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội).
Thẩm phán Nguyễn Bích Ngân là chủ tọa phiên tòa. Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 3 người. Tham gia bào chữa cho các bị cáo có 2 vị luật sư.
Tại phiên tòa, những người tố cáo cũng có mặt với vai trò nhân chứng. Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội (VKS) đã miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chị Nguyễn Thị Oanh.
Dù trong thời điểm có đơn tố cáo, chị Nguyễn Thị Oanh có hành vi in khống 18 kết quả xét nghiệm huyết học song do chị Oanh là người tố cáo sai phạm trong việc làm xét nghiệm huyết học để bà Hoàng Thị Nguyệt gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Chị Oanh cũng đã hợp tác, cung cấp thông tin cho người tố cáo. Tại cơ quan điều tra, chị Oanh đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Do vậy, VKS đã quyết định đình chỉ điều tra với chị Oanh về hành vi: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
VKS kiến nghị cơ quan chủ quản xử lý hành chính đối với vi phạm của chị Oanh.
Trong phần xét hỏi, hầu hết cả bị cáo đều đổ lỗi cho cấp trên và bị chỉ đạo. Các bị cáo đều cho rằng, do nhận thức pháp luật hạn chế, lại vì nể nang, bị sự chỉ đạo của cấp trên nên đã làm những việc sai trái.
Theo lời khai của các bị cáo, không có chuyện họ lấy máu của bệnh nhân rồi bỏ đi mà họ chỉ in khống các kết quả xét nghiệm khi được chỉ đạo hoặc được đồng nghiệp nhờ.
Các bị cáo đều cho rằng, việc in khống các kết quả xét nghiệm chỉ là để hoàn tất hồ sơ khám sức khỏe cho những người có nhu cầu.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nhung đổ lỗi chị Oanh hướng dẫn công việc hàng ngày, có trực tiếp làm xét nghiệm. Bị cáo Nguyễn Đông Sơn cho rằng, chỉ làm theo chỉ đạo của kỹ thuật viên trưởng là chị Phan Thị Oanh. Dù biết hành vi sai nhưng do chỉ là nhân viên hợp đồng nên buộc phải làm theo.
Còn bị cáo Nguyễn Thị Xuyên, nguyên kỹ thuật viên, thì giải thích: “Do bị cáo cũng nể nang. Việc này tự bị cáo làm. Lúc bị cáo làm, chỉ có nhân viên của các khoa đến xin chứ bị cáo không biết là ai chỉ đạo”.
Bị cáo Vương Thị Lan - nguyên nhân viên Khoa xét nghiệm, người trực tiếp in hơn 250 kết quả xét nghiệm - cũng khai làm theo chỉ đạo của trưởng khoa xét nghiệm.
Đến lượt “sếp” của các bị cáo, cũng đứng trước vành móng ngựa là bị cáo Nguyễn Trí Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hoài Đức - Hà Nội, khẳng định: "Bị cáo đã làm đúng trách nhiệm, không như cáo trạng truy tố và kết luận điều tra của cơ quan công an. Chúng tôi không biết được, họ làm giấu, không báo cáo".
HĐXX vặn lại: “Việc in khống diễn ra trong 10 tháng mà không biết, trách nhiệm thuộc về ai?". Lúc này, bị cáo Liêm mới thừa nhận: "Nhân viên làm sai, với vai trò giám đốc, bị cáo phải chịu một phần trách nhiệm".
Bác lại lời của “sếp” cũ, khi được chủ tọa hỏi, chị Hoàng Thị Nguyệt cho biết: “Tại các cuộc giao ban, chúng tôi đã có nhiều lần báo cáo về quy trình xét nghiệm nhưng Ban Giám đốc không lắng nghe”. Tòa hỏi lại song bị cáo Liêm vẫn phủ nhận, nói là chưa từng nghe chị Nguyệt báo cáo về vấn đề này.
Để làm rõ hơn, VKS hỏi bị cáo Nhiên, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hoài Đức: “Trong quá trình đi kiểm tra, với chức năng nhiệm vụ của mình, sao chị không phát hiện ra sai phạm?”. Bị cáo Nhiên biện bạch: "Trong quá trình kiểm tra, bị cáo vẫn không phát hiện ra được do có quá nhiều kết quả xét nghiệm trong một ngày".
Đại diện VKS phân tích: "Bị cáo làm không hết trách nhiệm. Nếu các chị sâu sát kiểm tra, không quan liêu thì chắc chắn sẽ nhìn thấy sai phạm".
Kết thúc phần xét hỏi vào quá trưa nay, trước khi bước vào tranh tụng, Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Với tội danh: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", 7 bị cáo bị đề nghị mức án:
Vương Thị Kim Thành (SN 1959), nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm: 15-18 tháng tù giam.
Nguyễn Thị Ngà (1984), Nguyễn Thị Thu Trang (1990), Nguyễn Thị Hồng Nhung (1990), Vương Thị Lan (1988), và Nguyễn Đông Sơn: 12-15 tháng tù treo.
Nguyễn Thị Xuyên (1961), nguyên kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm: 12-15 tháng cải tạo không giam giữ.
Hai bị cáo bị truy tố theo tội danh: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Nguyễn Thị Nhiên (1959), nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức: 15-18 tháng cải tạo không giam giữ; Nguyễn Trí Liêm (1962), nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức: 12-15 tháng cải tạo không giam giữ
Đối với bị cáo Vương Thị Kim Thành, cơ quan công tố được xác định có vai trò cầm đầu trong vụ án nên đề nghị mức án nghiêm khắc đối với bị cáo.
Trong phần tranh tụng, luật sư Lê Văn Thiệp đề nghị HĐXX căn cứ vào tài liệu, hồ sơ vụ án và chứng cứ tại phiên tòa để tuyên bị cáo Liêm không phạm tội. Đồng thời, đề nghị phục hồi điều tra đối với chị Phan Thị Oanh, đề nghị làm rõ động cơ của người tố cáo.
Luật sư Bùi Ngọc Chất, bảo vệ cho bị cáo Vương Thị Kim Thành, nói theo kết quả điều tra, bị cáo Thành đã làm khống 18 phiếu xét nghiệm huyết học, được thanh toán bảo hiểm y tế với tống số tiền là 378.000 đồng. Với số tiền này, quá nhỏ. Nếu có được chia thì hưởng lợi cũng chỉ có giá trị hơn 2.000 đồng/tháng. Việc sai trái của bị cáo Thành ở đây là vì tình, vì nghĩa, vì người thân. Nhận thức của bị cáo về pháp luật vẫn còn mơ hồ. Mong HĐXX lưu tâm là tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Thành và các bị cáo khác trong vụ án.
Theo luật sư Chất, để xác định hậu quả của vụ “nhân bản xét nghiệm”, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh đối với những bệnh nhân đến khám bệnh. Cơ quan điều tra xác định, không người nào bị hậu quả xấu do việc làm khống giấy xét nghiệm gây ra.
Luật sư Thiệp cũng kiến nghị phải khởi tố đối với Phan Thị Oanh vì cũng có vai trò đồng phạm, song đại diện VKS tiếp tục giải thích một lần nữa nguyên nhân miễn trách nhiệm hình sự cho chị này. “Nếu như những người như chị Oanh, Nguyệt, Đông, không tố giác thì vụ việc này sẽ không được phát hiện” - Kiểm sát viên Hà Thị Diễm khẳng định.
16 giờ chiều cùng ngày, trước khi nghỉ nghị án, các bị cáo được nói lời cuối cùng.
Bị cáo Nguyễn Trí Liêm nói: “Chúng ta ngồi ở đây ngày nay, là vì một âm mưu, thủ đoạn. Qua bản cáo trạng, nêu rõ là ai, họ là những nhân viên của bệnh viện. Họ không làm tròn chức trách nhiệm vụ”.
“Về phần bị cáo, theo truy tố của VKS, là quá nặng, đề nghị HĐXX xem xét và minh oan cho bị cáo. Đối với anh chị em có mặt ngày hôm nay, mong HĐXX xem xét toàn diện vụ án thấu tình đạt lý vì nhiều cháu còn rất trẻ. Đối với bị cáo mong muốn được cống hiến cho xã hội, cho gia đình, cho bản thân. Với vai trò lãnh đạo, để đơn vị xảy ra sự việc như thế này, bị cáo rất đau lòng. Qua đây bị cáo mong muốn gửi lời xin xin lỗi nhân dân, lãnh đạo các cấp các ngành, mở lượng khoan hồng để chúng tôi tiếp tục cống hiến"-bị cáo Liêm nói.
Các bị cáo còn lại đều tỏ ra ăn năn, đề nghị tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt trong lời nói sau cùng.
16 giờ 30, tòa bước vào nghị án.
Sau khi nghị án, lúc 17 giờ 35, HĐXX tuyên: Hai nguyên lãnh đạo của bệnh viện đa khoa Hoài Đức bị truy tố tội danh: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Thị Nhiên, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức: 10 tháng cải tạo không giam giữ.
Bị cáo Nguyễn Trí Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức: cảnh cáo
Trong khi các bị cáo khác cúi mặt thì nguyên giám đốc BV Nguyễn Trí Liêm ngửng mặt nghe tòa tuyên án
Các bị cáo bị truy tố tội danh: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: Vương Thị Kim Thành, nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm: 12 tháng tù giam; Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đông Sơn cùng bị 6 tháng tù treo; 2 bị cáo: Vương Thị Lan và Nguyễn Thị Xuyên bị tuyên 8 tháng tù treo.
Nguyên giám đốc Nguyễn Trí Liêm (đứng hàng đầu bên trái) quanh co chối tội
Trong vụ án này có 9 bị cáo bị truy tố. Các bị cáo gồm: Vương Thị Kim Thành (SN 1959) - nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm BV Hoài Đức; Nguyễn Thị Ngà (SN 1984), Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1990), Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1990), Vương Thị Lan (SN 1988), Nguyễn Đồng Sơn (SN 1989), Nguyễn Thị Xuyên (SN 1961), là kỹ thuật viên, nhân viên khoa Xét nghiệm của BV Hoài Đức.
Các bị cáo này bị truy tố theo khoản 1 Điều 281 Bộ luật Hình sự, tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tội phạm và hình phạt được quy định là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Bị cáo Nguyễn Thị Nhiên (SN 1959), nguyên Phó Giám đốc BV Hoài Đức, và Nguyễn Trí Liêm (SN 1962) nguyên Giám đốc BV Hoài Đức, bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 1 Điều 285 Bộ luật Hình sự. Tội phạm và hình phạt được quy định là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Tất cả 9 bị cáo đều được hưởng tại ngoại.
Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội đã ra cáo trạng vụ án này. Theo đó, 9 bị can bị truy tố với 2 nhóm tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hai bị can nguyên Giám đốc và Phó giám đốc BV là Nguyễn Trí Liêm và Nguyễn Thị Nhiên bị đề nghị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị can Vương Thị Kim Thành cùng 7 bị can khác là kỹ thuật viên trưởng, kỹ thuật viên, nhân viên kỹ thuật hợp đồng, nhân viên xét nghiệm của BV Đa khoa Hoài Đức bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Sự việc bắt đầu từ ngày 5-6-2013, bà Hoàng Thị Nguyệt, nhân viên Khoa Xét nghiệm, cùng một số nhân viên BV Đa khoa Hoài Đức tố cáo ông Liêm để cho bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ rồi tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu khác để trả cho nhiều người.
Tổ chức điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội xác định: Dù quy định của Bộ Y tế, của BV đối với công tác tại Khoa Xét nghiệm rất cụ thể nhưng trong quá trình điều hành, ông Liêm đã chỉ đạo các khoa nghiệp vụ tăng cường các xét nghiệm đối với bệnh nhân cận lâm sàng để tăng thu nhập cho BV (BV hưởng 30% số tiền bảo hiểm y tế).
Số tiền này hằng quý được chia vào khoản hỗ trợ tăng thêm cho cán bộ, nhân viên BV.
Trong thời gian từ ngày 1-7-2012 đến 31-5-2013, Cơ quan CSĐT xác định có 1.544 kết quả xét nghiệm huyết học trùng. Trong đó, 789 kết quả được thống kê vào bảo hiểm y tế và trực tiếp thu của bệnh nhân không có bảo hiểm y tế là 16,569 triệu đồng (21.000 đồng/kết quả).
Bình luận (0)