Trước đó, ngày 10-8, TAND TPHCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Phạm Minh Hoàng 3 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, ngoài ra còn áp dụng hình phạt quản chế tại địa phương thời gian 3 năm sau khi ông Hoàng chấp hành xong bản án.
Theo bản án sơ thẩm, năm 1973, Phạm Minh Hoàng sang Pháp du học, sau đó ở lại và nhập quốc tịch Pháp. Đến năm 1998 Hoàng được kết nạp vào tổ chức Việt Tân tại Pháp.
Năm 2000, thực hiện chỉ đạo của tổ chức Việt Tân, bị cáo Hoàng đã từ Pháp trở về Việt Nam sinh sống. Sau đó, Phạm Minh Hoàng xin làm giảng viên hợp đồng của Trường Đại học Bách khoa.
Từ tháng 7-2002 đến tháng 5-2010, bị cáo Hoàng sử dụng bút danh Phan Kiến Quốc đã viết nhiều bài, trong đó có 33 bài nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam rồi gởi cho tổ chức phản động Việt Tân để đăng tin và phát tán trên internet với mục đích tuyên truyền, lôi kéo, kích động, tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chế độ, Đảng Cộng sản và chính quyền nhân dân.
Từ ngày 26 đến ngày 29-11-2009, bị cáo Hoàng cùng vợ là Lê Thị Kiều Oanh (SN 1964) và Nguyễn Thanh Hùng bay sang Malaysia học lớp tập huấn đấu tranh “bất bạo động” do Nguyễn Ngọc Đức, Nguyễn Thị Thanh Vân và Nguyễn Quốc Quân (đều là thành viên của tổ chức phản động Việt Tân) giảng dạy. Mục đích là sau khi học xong Hoàng sẽ về nước tập huấn, tuyên truyền cho các đối tượng nòng cốt để thực hiện âm mưu chống phá.
Bị cáo Hoàng cùng vợ đã tổ chức cho 43 thanh niên, sinh viên và nữ tu 2 khóa học, mỗi khóa 2 lớp kỹ năng mềm. Các nhóm này cũng được đặt tên là Cọp lãnh đạo, Hoa hướng dương và Trứng bay.
Ngày 12 và ngày 13-8-2010, cơ quan an ninh đã bắt khẩn cấp Phạm Minh Hoàng và Nguyễn Thanh Hùng. Khi kiểm tra nơi ở của bị cáo Hoàng, cơ quan an ninh đã phát hiện trong máy tính của bị cáo 33 bài viết mang tên Phan Kiến Quốc.
Theo kết luận của Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch TPHCM, hầu hết bài viết phản ánh ý kiến của tác giả, không có ý kiến đóng góp và xây dựng. Chủ yếu là đả phá, tố cáo, lợi dụng những bất cập hoặc những hạn chế, những khiếm khuyết, tồn tại của xã hội Việt Nam dưới chế độ XHCN và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để bôi nhọ hình ảnh đất nước. Không có bất kỳ một sự thừa nhận đúng đắn, nghiêm túc nào đối với những thành tựu của chế độ mới sau hơn 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bình luận (0)