Chiều 8-1, trong phần tranh luận, đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm đã công bố bản luận tội đối với 4 bị cáo trong vụ án “Hủy hoại tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ở khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng xảy ra vào sáng ngày 5-1-2012.
Theo bản luận tội, bị cáo Nguyễn Văn Khanh (SN 1961), nguyên Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng, có vai trò chủ mưu, còn bị cáo Phạm Xuân Hoa (SN 1955), nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng, Lê Thanh Liêm (SN 1963), nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, Phạm Đăng Hoan (SN 1960), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang là thành phần giúp sức cho Khanh thực hiện việc tháo dỡ làm hư hỏng toàn bộ tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý.
Trong phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hải Phòng đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Văn Khanh 30 tháng tù giam; Phạm Xuân Hoa và Lê Thanh Liêm cùng bị 24 tháng tù cho hưởng án treo; Phạm Đăng Hoan bị 15 tháng tù cho hưởng án treo.
Theo VKSND Tối cao, các bị cáo này cùng tội danh “Hủy hoại tài sản” là đúng người đúng tội nên không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt.
Các bị hại đề nghị hủy án sơ thẩm là không có căn cứ. Tại phiên tòa này, gia đình bị hại đã làm đơn xin giảm án cho bị cáo Nguyễn Văn Khanh.
Các bị cáo phải bồi thường cho người bị hại hơn 295 triệu đồng. Trước đó, bị cáo Hoan, Liêm, Hoa đã tự nguyện nộp mỗi bị cáo 70 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Bị cáo Khanh đã tự nguyện xây nhà cho ông Vươn.
Theo đó, VKSND Tối cao đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Khanh mức án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và giữ nguyên mức án tòa sơ thẩm đã tuyên đối với 3 bị cáo Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan.
Ông Vươn cũng đồng tình với quan điểm của luật sư. Ông Vươn cho rằng việc khấu trừ tài sản của Hội đồng định giá là không đúng. Còn việc gia đình bị hại xin giảm án cho bị cáo Nguyễn Văn Khanh, vì bị cáo Khanh rất tốt đối với gia đình, đã xây dựng lại một căn nhà cho vợ con bị cáo có chỗ sinh hoạt.
Do các bị cáo không mời luật sư bào chữa cho mình nên HĐXX cho phép các bị cáo tự bào chữa cho mình. Các bị cáo Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Lê Thanh Liêm đã nhận thức rõ hành vi của mình gây ra đối với gia đình bị hại và phạm tội trong tình trạng bị kích động trước hành vi chống đối lại đoàn cưỡng chế của gia đình ông Vươn.
Bị cáo Phạm Đăng Hoan đề nghị để lại số tiền còn thừa mà bị cáo đã nộp trước đó để khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại sử dụng, mong HĐXX xem xét tình tiết đó để giảm tội cho bị cáo.
Giữ quyền công tố tại phiên tòa, đại diện VKSND Tối cao đã đối đáp lại những lập luận của luật sư và các bị hại. Việc đề nghị khởi tố thêm các tội, VKS xét thấy không có căn cứ để bổ sung thêm các tội danh mà luật sư và bị hại đưa ra. Việc yêu cầu hủy bản án sơ thẩm của luật sư và bị cáo đưa ra là không có chứng cứ.
Vấn đề luật sư, bị hại yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần và tăng mức bồi thường, theo VKS là không có căn cứ. VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm về mức bồi thường mà tòa sơ thẩm đã tuyên.
Trước khi tòa nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Bị cáo Khanh thừa nhận hành vi của mình gây ra đã để lại hậu quả lớn. Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét đến thân nhân tốt của bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, để bị cáo sớm được tham gia công tác xã hội.
Bị cáo Hoa mong HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Liêm cũng thừa nhận hành vi của mình gây ra, mong muốn HĐXX xem xét để tính cách bồi thường thiệt hại cho bị hại phù hợp. Bản thân bị cáo được sinh ra trong gia đình cách mạng, mong HĐXX xử xem xét để giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Hoan mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo sớm được tham gia công tác xã hội, bản thân bị cáo đã phải chịu hình phạt về hành chính.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên giữ y án cho các bị cáo Phạm Đăng Hoan, Lê Thanh Liêm, Phạm Xuân Hoa. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khanh được chuyển từ 30 tháng tù giam thành 30 tháng tù treo. Về vấn đề bồi thường thiệt hại vẫn y án sơ thẩm.
Bình luận (0)