Ngày 10-10, Viện KSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 5 bị can về 2 nhóm tội danh Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, 4 bị can bị truy tố về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gồm: Nguyễn Văn Lợi, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thông (Agribank) Bình Chánh (TP HCM); Trần Thị Hoàng Yến, Trần Thị Thanh Nga và Hoàng Như Bích, đều là Phó trưởng phòng kế hoạch kinh doanh của Agribank Bình Chánh.
Đối tượng chính trong vụ án là Dương Thanh Cường (tức Vũ Cường, SN 1966, trú tại quận 6, TP HCM), nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Bình Phát (Công ty Bình Phát) bị truy tố về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Dương Thanh Cường đã lợi dụng mối quan hệ quan biết với ông Lý Văn Chức, Giám đốc Agribank Bình Chánh (ông này đã bị chết vì ung thư ngày 28-1-2012, trước khi khởi tố điều tra vụ án này), qua đó từ 2007 đến năm 2009, Cường sử dụng 2 pháp nhân là Công ty Tân Đại Phát và Công ty Thanh Phát để lập khống các giấy chứng nhận góp vốn, lập khống chứng từ chi trả tiền và nâng khống hợp đồng mua bán đất từ 3 tỉ đồng lên 47 tỉ đồng; lập khống dự án để vay hơn 19 tỉ đồng của Agribank Bình Chánh dẫn đến Cường đã chiếm đoạt 15,25 tỉ đồng.
Đối với 4 bị can là nguyên phó giám đốc, cán bộ của Agribank Bình Chánh, được sự chỉ đạo của ông Lý Văn Chức đã không thực hiện đúng quy trình thẩm định tài sản, thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra… đã ký duyệt cho công ty Tân Đại Phát, Công ty Thanh Phát vay hơn 19 tỉ đồng, gây thiệt hại tính đến khi khởi tố vụ án là hơn 27 tỉ đồng.
Trong vụ án này còn một số người là người thân quen, họ hàng với Cường có hành vi giúp sức để Cường lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng mọi việc làm do sự chỉ đạo của Cường không được hưởng lợi, không được trả công… và không biết Cường lừa đảo tiền chiếm đoạt của Agribank Bình Chánh, do vậy cơ quan điều tra không xử lý hình sự đối với những người này.
Ngoài ra, vào tháng 9 vừa qua, Dương Thanh Cường cũng đã bị VKSND Tối cao truy tố ở vụ án khác với 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cùng 10 đồng phạm khác. Đáng chú ý, trong số này có Hồ Đăng Trung, nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh 6; Hồ Văn Long, nguyên Trưởng phòng tín dụng Agribank Chi nhánh 6 cùng một số nhân viên Agribank chi nhánh 6 cũng bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Theo cáo trạng trên, các cán bộ Agribank chi nhánh 6 đã cho công ty Tấn Phát vay 170 tỉ đồng và công ty Thanh Phát (trong nhóm công ty của Dương Thanh Cường) vay 628 tỉ đồng trong khi biết rõ dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; ký hợp đồng thế chấp 23 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chưa sang tên cho công ty Thanh Phát, không có công chứng hay đăng ký giao dịch bảo đảm...
Đến nay, các công ty này không có khả năng thanh toán nợ cho Agribank Chi nhánh 6, số tiền thiệt hại đến nay được xác định là hơn 966 tỉ đồng gồm cả vốn và lãi.
Điều 179. Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng
1. Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật;
b) Cho vay quá giới hạn quy định;
c) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Bình luận (0)