Ngày 15-2, TAND Hà Nội cho biết cơ quan này đã nhận được kháng cáo của ông Trần Việt Tân (cựu thượng tướng, cựu thứ trưởng Bộ Công an) liên quan đến vụ án Vũ "nhôm" thâu tóm hàng loạt bất động sản, nhà đất công sản ở Đà Nẵng và TP HCM. Trước đó 1 ngày, cơ quan này cũng đã nhận được đơn kháng cáo của cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành.
Hai cựu thứ trưởng Trần Việt Tân (trái) và Bùi Văn Thành - Ảnh: TTXVN
Trong đơn, ông Tân không chấp nhận những phán quyết của tòa sơ thẩm TAND Hà Nội về nội dung cũng như hình phạt 3 năm tù. Qua đó, ông Tân kiến nghị tòa phúc thẩm xem xét giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo theo quy định của pháp luật.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", cựu thượng tá tình báo) cùng 4 bị cáo khác liên quan đến vụ án Vũ "nhôm" thâu tóm hàng loạt bất động sản, nhà đất công sản ở Đà Nẵng và TP HCM vừa diễn ra. Trong đó, ông Bùi Văn Thành và cựu thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 Bộ Luật Hình sự năm 1999.
Theo bản án sơ thẩm, Vũ "nhôm" lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo để đề nghị Bộ Công an, UBND TP Đà Nẵng và TP HCM cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 7 nhà đất công sản, dự án bất động sản ở các vị trí đắc địa không qua đấu giá, áp dụng chính sách ưu đãi trái quy định.
Sau khi được giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 7 nhà đất công sản nêu trên, Vũ "nhôm" đã chuyển quyền sử dụng đất từ công ty sang cho cá nhân bị cáo này hoặc liên kết kinh doanh, chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác nhằm thu lợi bất chính. Một số dự án không triển khai, không có bất cứ hoạt động nghiệp vụ nào phục vụ cho ngành công an.
Theo bản sơ thẩm, giai đoạn 2009-2016, ông Trần Việt Tân là Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo sau đó là thứ trưởng trực tiếp phụ trách Tổng cục Tình báo. Sau khi được các cán bộ dưới quyền tham mưu, đề xuất, ông Trần Việt Tân đã ký 7 văn bản gửi các cơ quan, tổ chức đề nghị cho các công ty bình phong do Vũ "nhôm" được thuê các nhà đất phục vụ công tác nghiệp vụ ngành công an, gồm nhà, đất tại số 16 Bạch Đằng (Đà Nẵng), nhà đất tại số 15 Thi Sách và nhà đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực (TP HCM).
Ông Tân đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo đối với Tổng cục Tình báo, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến việc không kịp thời phát hiện và ngăn chặn được các hành vi vi phạm của Phan Văn Anh Vũ. Từ đó để Vũ "nhôm" lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong và các văn bản của ngành công an để được thuê các nhà, đất công sản theo hình thức chỉ định không qua đấu giá, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân sách nhà nước, số tiền 155 tỉ đồng.
Theo đó, TAND TP Hà Nội tuyên phạt 2 bị cáo là cựu thứ trưởng Bộ Công an: Trần Việt Tân 36 tháng tù (VKS đề nghị từ 36 đến 42 tháng tù), Bùi Văn Thành 30 tháng tù (VKS đề nghị từ 30-36 tháng tù), cùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ra, HĐXX phạt Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù (đề nghị từ 14-15 năm tù); 5 năm tù với Nguyễn Hữu Bách, nguyên đại tá, nguyên phó cục trưởng thuộc Bộ Công an (đề nghị từ 7-8 năm tù; cộng án sơ thẩm trong vụ án khác là 11 năm tù); 5 năm tù với Phan Hữu Tuấn, nguyên trung tướng, nguyên phó tổng cục trưởng thuộc Bộ Công an (đề nghị từ 6-7 năm tù; cộng án sơ thẩm trong vụ án khác là 12 năm tù) cùng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ".
Cùng ngày 15-2, VKSND Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị một phần bản án hình sự trong vụ án liên quan đến Vũ "nhôm" cùng 2 cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân và 2 cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo.
Theo kháng nghị, VKS kết luận tòa sơ thẩm đã xác định không đúng bản chất và trái quy định của pháp luật khi tính toán thiệt hại và quyết định áp dụng biện pháp tư pháp trong vụ án.
Cụ thể, đối với thiệt hại của nhà nước tại 7 dự án bất động sản, Phan Văn Anh Vũ cùng đồng phạm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để được nhận các dự án mà không cần đấu giá và được hưởng các ưu đãi khác nhằm hưởng lợi bất chính. Do đó, việc giao các dự án này là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước.
Đến thời điểm bị khởi tố, tại các dự án trên Vũ "nhôm" vẫn là người trực tiếp quản lý, sử dụng và được hưởng lợi. Trong thời gian này, nhà nước đã mất đi quyền quản lý, khai thác sử dụng các tài sản công. Hành vi phạm tội của Vũ "nhôm" cùng đồng phạm không phải là chiếm đoạt mà là gây thiệt hại cho nhà nước.
Như vậy, theo quan điểm của VKS, thiệt hại trong vụ án cần được tính tại thời điểm khởi tố là hơn 1.159 tỉ đồng mới phù hợp với thực tế. Trong khi đó, bản án sơ thẩm chỉ tính thiệt hại ngay tại thời điểm giao đất với số tiền hơn 135 tỉ đồng là chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án, cũng như hậu quả mà các bị cáo đã gây ra cho nhà nước.
Bên cạnh đó, VKS cũng cho rằng TAND TP Hà Nội tuyên thu hồi 7 dự án nhà, đất đã kê biên để nộp vào ngân sách nhà nước là không đúng quy định, bởi các dự án này do UBND TP Đà Nẵng và UBND TP HCM giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá trái các quy định, nên cần phải áp dụng pháp luật chuyên ngành là Luật Đất đai năm 2013 làm căn cứ để giải quyết...
Theo quan điểm của cơ quan công tố, đối chiếu các quy định tại Điều 64, Điều 66 Luật Đất đai năm 2013 thì thẩm quyền thu hồi đất thuộc UBND cấp tỉnh. Do đó, việc xử lý 7 dự án nhà đất công sản trên cần phải tuyên theo hướng hủy các quyết định giao đất trái pháp luật của UBND TP Đà Nẵng và UBND TP HCM. Cùng với đó, giao cho UBND hai TP trên thu hồi, quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)