Ngày 26-12, VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Chí Phương (SN 1961, cựu Trưởng Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354, khoản 2, điểm c - Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo TTXVN, cáo trạng của VKSND Tối cao nêu rõ Nguyễn Chí Phương là Trưởng Công an TP Thanh Hóa, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa. Đỗ Đức Hiếu là cán bộ Đội Cảnh sát trật tự Công an TP Thanh Hóa. Ngày 18-7-2018, Đỗ Đức Hiếu lấy trộm chiếc xe máy hiệu Airblade BKS 36 B1-007.36 của anh Nguyễn Quang Ngọc để tại nhà xe của cán bộ chiến sĩ Công an TP Thanh Hóa để sử dụng. Ngày 19-7-2018, sau khi làm việc với Nguyễn Chí Phương và Đội điều tra tổng hợp Công an TP Thanh Hóa, Đỗ Đức Hiếu đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đội điều tra tổng hợp đã thu giữ chiếc xe trên.
Nguyễn Chí Phương khi còn đương chức
Nguyễn Chí Phương là người trực tiếp chỉ đạo việc đề nghị xử lý kỷ luật và ký các văn bản tố tụng khi giải quyết vụ việc Đỗ Đức Hiếu có hành vi "Trộm cắp tài sản". Quá trình thực hiện, Nguyễn Chí Phương đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, 3 lần nhận tiền của Đỗ Đức Hiếu với tổng số tiền 260 triệu đồng để giúp Đỗ Đức Hiếu không bị xử lý kỷ luật và không bị xử lý hình sự.
Sau khi nhận tiền, Nguyễn Chí Phương đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới hướng dẫn Đỗ Đức Hiếu làm thủ tục xin xuất ngũ; trao đổi với Lãnh đạo VKSND TP Thanh Hóa không xử lý hình sự và báo cáo Lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa xin xử lý nội bộ đối với Đỗ Đức Hiếu nhưng không được chấp nhận.
Sau đó, Nguyễn Chí Phương đã phải làm thủ tục đề nghị xử lý kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân; khởi tố và đề nghị truy tố đối với Đỗ Đức Hiếu. Thấy mình sắp bị đưa ra xét xử, Hiếu đến nhà Nguyễn Chí Phương để đòi tiền nhưng Phương chỉ trả lại 150 triệu đồng. Không đồng ý, Hiếu không nhận tiền và bỏ về.
Do Nguyễn Chí Phương không trả lại đủ tiền, về nhà, Đỗ Đức Hiếu chuẩn bị sẵn đơn tố cáo Nguyễn Chí Phương và sao chép các file ghi âm ngày 26-7-2018, ngày 18-11-2018 và ngày 19-11-2018 ra nhiều USB. Ngày 22-11-2018, TAND TP Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, xử phạt Đỗ Đức Hiếu 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội "Trộm cắp tài sản". Sau khi Hội đồng xét xử tuyên án, Đỗ Đức Hiếu đã nộp đơn tố cáo tới Chủ tọa phiên tòa đồng thời gửi đơn tố cáo Nguyễn Chí Phương kèm theo file ghi âm đến nhiều cơ quan. Sau khi vụ việc bị phát hiện, Nguyễn Chí Phương đã nộp lại số tiền 260 triệu đồng nhận của Đỗ Đức Hiếu.
VKSND Tối cao kết luận việc phải đề nghị xử lý kỷ luật và đề nghị truy tố Đỗ Đức Hiếu là ngoài mong muốn của Nguyễn Chí Phương. Vì vậy, hành vi Nguyễn Chí Phương đủ yếu tố cấu thành tội "Nhận hối lộ" quy định tại Điều 354, khoản 2, điểm c - Bộ luật hình sự năm 2015.
Trước đó như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào tháng 11-2018, trên mạng xã hội xuất hiện 1 đoạn ghi âm dài hơn 23 phút có tiêu đề: "Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa, nhận tiền chạy án 260 triệu, bị thuộc cấp tố cáo".
Ngày 30-11-2018, Công an tỉnh Thanh Hóa quyết định tạm đình chỉ công tác 1 tháng đối với đại tá Nguyễn Chí Phương bắt đầu từ ngày 3-12 để Thanh tra Bộ Công an xác minh thông tin này. Thanh tra Bộ Công an sau đó kết luận hành vi nhận tiền từ ông Đỗ Đức Hiếu (nguyên cán bộ thuộc Đội Cảnh sát trật tự Công an TP Thanh Hóa) của đại tá Phương là có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ nên Thanh tra Bộ Công an kiến nghị Bộ Công an thi hành kỷ luật với hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân đối với đại tá Phương.
Ngày 25-1-2019, tại trụ sở Công an TP Thanh Hóa, đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc tước danh hiệu Công an nhân dân đối với đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa.
Cũng trong ngày 25-1, Cơ quan điều tra VKSND Tối Cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Chí Phương, nguyên Trưởng Công an TP Thanh Hóa và được VKSND Tối cao phê chuẩn.
Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng ;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Bình luận (0)