Sáng 7-5, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALC II) do Vũ Quốc Hảo (nguyên tổng giám đốc công ty) cùng 7 đồng phạm thực hiện.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2008, Công ty ALC II chuẩn bị cổ phần hóa doanh nghiệp. Vì muốn giảm tỉ lệ nợ xấu, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, Hảo bàn bạc với Nguyễn Văn Tài (nguyên phó tổng giám đốc công ty), Phạm Xuân Nghị (nguyên Trưởng Phòng Cho thuê của Công ty ALC II), Phạm Thị Thúy Bồng (nguyên kế toán trưởng, phó trưởng Phòng phụ trách phòng kế toán) và thỏa thuận với Trần Thị Phương Liên (Giám đốc Công ty TNHH Vận tải biển Thanh Hải) cùng Đào Văn Quảng (Giám đốc Công ty CP Đóng tàu thủy sản Hải Phòng) lập các hồ sơ cho thuê tài chính, hồ sơ quyết toán trái với quy định để giải ngân nợ cũ.
Đồng thời, Hảo chỉ đạo Tài, Nghị, Tôn Quang Việt (nguyên phó Phòng Cho thuê) và Hoàng Thanh Sơn (nguyên cán bộ phòng kinh doanh) lập phụ lục bổ sung hợp đồng cho thuê tài chính trái với quy định của Nhà nước. Nhóm này đã làm thủ tục giải ngân thành công 25 tỉ đồng. Thực chất, để có số tiền trên, các bị cáo đã thực hiện nghiệp vụ cho vay trong khi Công ty ALC II không có chức năng này. Việc làm của các bị cáo gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 21 tỉ đồng.
Các bị cáo sau phiên xử phúc thẩm sáng 7-5
Ngày 30-7-2014, TAND TP HCM đã xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Vũ Quốc Hảo 12 năm tù, Nguyễn Văn Tài 10 năm tù; Phạm Xuân Nghị và Trần Thị Phương Liên cùng 8 năm tù. Bị cáo Phạm Thị Thúy Bồng và Tôn Quang Việt cùng lãnh 4 năm tù. Đào Văn Quảng và Hoàng Thanh Sơn bị phạt mỗi người 3 năm tù giam, đều vì tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo: Trần Thị Phương Liên, Phạm Xuân Nghị, Nguyễn Văn Tài, Đào Văn Quảng, Phạm Thị Thúy Bồng, Hoàng Thanh Sơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Công ty ALC II cũng yêu cầu các bị cáo bồi thường hơn 42 tỉ đồng.
Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Phạm Xuân Nghị thừa nhận có tham gia vào vụ việc nhưng chỉ làm việc theo chỉ đạo của cấp trên là Tài, "do chịu áp lực từ lãnh đạo". Tương tự, Tôn Quang Việt, Hoàng Thanh Sơn cũng khai nhận bản thân bị cấp trên gây sức ép nên phải thực hiện hành vi phạm tội.
Bị cáo Phạm Thị Thúy Bồng một mực khẳng định do giao toàn bộ công việc cho cấp phó nên Bồng không biết quá trình vụ việc diễn ra. Nói cách khác, Bồng chỉ thiếu trách nhiệm trong công việc chứ không có hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước. Trong thời gian này, Bồng đã xin nghỉ việc để chữa bệnh nhưng chưa được lãnh đạo công ty đồng ý. Vũ Quốc Hảo cũng xác nhận thời điểm đó công ty chưa tìm được người thay nên chưa ký quyết định cho Bồng thôi việc.
Riêng bị cáo Trần Thị Phương Liên khai báo thêm cá nhân đang phụng dưỡng 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hứa sẽ khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất.
Luật sư bào chữa đề nghị HĐXX xem xét lại vài trò của các bị cáo. Cụ thể, bị cáo Nghị, Tài giữ vai trò tương đối hạn chế, mờ nhạt khi vụ việc xảy ra. Nếu bị cáo không có mặt để ký giấy tờ thuộc thẩm quyền của mình thì sai phạm vẫn được thực hiện trót lọt. Ngoài ra, trong quá trình công tác, 2 bị cáo có nhiều thành tích, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen... Không chỉ vậy, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vì nôn nóng thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, không dính dáng đến lợi ích cá nhân.
Đại diện VKSND Tối cao cho rằng cấp sơ thẩm đã xem xét tất cả tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Vị đại diện VKSND Tối cao không chấp nhận kháng cáo của 7 bị cáo và Công ty ALC II. Riêng bị cáo Bồng được đề nghị giảm mức án còn từ 9-12 tháng tù giam.
Kết thúc phiên xử, HĐXX chỉ chấp nhận giảm án từ 8 năm xuống còn 6 năm tù cho bị cáo Phạm Xuân Nghị, 3 năm tù giam đối với bị cáo Phạm Thị Thúy Bồng. Các bị cáo còn lại giữ nguyên án sơ thẩm. Ngoài ra, 8 bị cáo phải bồi thường cho Công ty ALC II hơn 4,3 tỉ đồng.
Bình luận (0)