Tối 15-12, phiên tòa xét xử vụ sai phạm ở Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (viết tắt: SAGRI) tạm dừng tranh tụng. Trong ngày, đại diện VKSND TP HCM tiến hành đối đáp với luật sư và bị cáo.
Về đề nghị xem xét lại tội danh "Tham ô tài sản", người thừa hành quyền công tố bảo lưu quan điểm luận tội.
Trước đó, luật sư thấy rằng cơ quan công tố chưa xem xét nguyên nhân phạm tội. Người bào chữa cùng một số bị cáo lập luận bị cáo không có động cơ vụ lợi. Hành vi phạm tội xuất phát từ mong muốn quan tâm người lao động, nguyện vọng đưa cán bộ - nhân viên đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm.
Những bị cáo bị cáo buộc hành vi tham ô có khắc phục hậu quả. Luật sư cho rằng cách cơ quan công tố nhìn nhận, tiếp cận vụ án dễ gây oan sai.
Nhiều bị cáo cho rằng bản thân không tư lợi cá nhân trong quá trình phạm tội
Phản bác ý kiến trên, người thừa hành quyền công tố chỉ rõ bị cáo Lê Tấn Hùng (cựu Tổng Giám đốc SAGRI) cùng đồng phạm ký khống 10 hợp đồng, từ đó tất toán 13,4 tỉ đồng rồi rút ra sử dụng riêng. Thực tế, không hề có việc SAGRI tổ chức đi nước ngoài tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Đại diện VKSND TP HCM khẳng định cơ quan pháp luật thu thập thư điện tử trao đổi giữa một số bị cáo thể hiện nội dung hợp đồng du lịch chỉ nhằm hợp thức hóa khoản tiền rút ra khỏi ngân quỹ SAGRI.
Đối với lập luận hành vi tham ô không gây ra hậu quả vì các bị cáo nộp lại số tiền chiếm dụng, đại diện cơ quan công tố chỉ rõ nhà nước đã thiệt hại 13,4 tỉ đồng. Như vậy, hậu quả vụ án rõ ràng đã xảy ra.
Sau khi cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, bị cáo Lê Tấn Hùng cùng đồng phạm mới khắc phục hậu quả.
Người thừa hành quyền công tố cho biết quá trình điều tra, cơ quan chức năng thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ thể hiện hành vi tham ô tài sản. Từ đó, đại diện VKSND TP bác bỏ luận cứ do luật sư đưa ra ở tòa.
"Theo quy định pháp luật, các bị cáo có thể đối mặt mức án tử hình. Dù vậy, chúng tôi đề nghị khung hình phạt thấp hơn. Điều đó chứng tỏ chúng tôi có cân nhắc đến hoàn cảnh phạm tội khi luận tội" - người thừa hành quyền công tố nhấn mạnh.
Theo đại diện cơ quan công tố, bị cáo Trần Văn Trường (cựu Giám đốc Công ty Du lịch Thanh niên xung phong) dũng cảm nhận sai khi ra tòa. Không chỉ vậy, bị cáo còn xin giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo khác.
Đại diện VKSND TP đánh giá: "Điều này khiến những bị cáo từng có chức vụ phải suy nghĩ; dám làm thì phải dám chịu. Nếu thành khẩn khai báo thì bị cáo sẽ hưởng tình tiết khoan hồng. Bị cáo tiếp tục quanh co, đổ lỗi cấp dưới thì HĐXX khó xem xét giảm nhẹ hình phạt".
Tự bào chữa, bị cáo Trần Văn Trường khẳng định bị cáo không tham ô. Bị cáo này lý giải mình chịu trách nhiệm về những văn bản, giấy tờ do bản thân ký duyệt. Tuy nhiên, bị cáo làm mọi việc không vì mục đích tham ô.
Khi thanh tra làm việc, bị cáo không đối phó bằng cách hợp thức hóa giấy tờ như cơ quan công tố quy kết. Bị cáo gây ra sai sót vì quá bất cẩn, chứ không cố tình.
Ngày mai (16-12), các bên tiếp tục tranh tụng.
Năm 2016, bị cáo Lê Tấn Hùng (Tổng Giám đốc SAGRI) chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục ký 10 hợp đồng du lịch khống với một số doanh nghiệp đối tác. Từ đó, bị cáo Hùng và đồng phạm rút khỏi ngân quỹ 13,4 tỉ đồng.
Đơn cử, bị cáo Hùng hẹn gặp bị cáo Trần Văn Trường (giữ chức Giám đốc Công ty Du lịch Thanh niên xung phong thời kỳ này) cùng cấp dưới bàn bạc lên chương trình du lịch, ký hợp đồng khống thể hiện nội dung đưa cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Các bị cáo lập 6 hợp đồng khống có tổng trị giá khoảng 5 tỉ đồng. Hoàn tất ký kết - chuyển tiền theo hợp đồng, bị cáo Lê Tấn Hùng chỉ đạo cấp dưới liên hệ Công ty Du lịch Thanh niên xung phong lấy lại số tiền trên về gửi tiết kiệm.
Đại diện VKSND TP đề nghị cơ quan xét xử cùng cấp xử phạt bị cáo Lê Tấn Hùng từ 26-30 năm tù về hai tội danh: "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Riêng tội "Tham ô tài sản", đại diện cơ quan công tố đưa ra khung hình phạt từ 14 - 16 năm tù.
Tương tự, bị cáo Trần Văn Trường bị đề nghị từ 7 - 8 năm tù về tội "Tham ô tài sản".
Bình luận (0)