Theo dự kiến, ngày mai (8-5), TAND TP HCM sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử đại gia Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín – TrustBank) và 27 đồng phạm về 2 tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập gần 180 người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan cùng người làm chứng. Trong đó, ông Phạm Công Danh đại diện cho toàn bộ cổ đông nhóm Thiên Thanh và khoảng 16 ngân hàng liên quan các giao dịch chuyển tiền của bà Phấn cùng đồng phạm.
Phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 31-5, do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) làm chủ tọa.Trong giai đoạn xét xử này, bà Phấn và đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 6.340 tỉ đồng, với 2 hành vi: Nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và hạch toán thu chi khống.
Riêng khoản tiền hơn 5.600 tỉ đồng thiệt hại qua 3 hành vi khác của bị can Phấn được cơ quan tố tụng tách ra điều tra tại giai đoạn 2 của vụ án.
Đại gia Hứa Thị Phấn trong 1 lần ra tòa.
Theo cáo trạng, tháng 6-2010, vốn điều lệ của TrustBank là 3.000 tỉ đồng. Đầu năm 2007, bà Phấn thông qua nhóm Phú Mỹ và 14 người trong gia đình, họ hàng mua gần 255 triệu cổ phần của TrustBank (hơn 2.500 tỉ đồng, tương đương 85% vốn điều lệ).
Lợi dụng điều này, bà Phấn điều hành mọi hoạt động của ngân hàng, thâu tóm toàn bộ HĐQT, ban điều hành, cán bộ, nhân viên của 2 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang.
Bà Phấn bị cáo buộc thông qua các bị can khác chỉ đạo Công ty TrustAsset của TrustBank thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (bà Phấn sở hữu) lên đến 1.268 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định số tiền này cao gấp 8 lần giá trị thị trường của căn nhà. Bà Phấn còn chỉ đạo việc mua bán lòng vòng căn nhà, sau đó bán cho TrustBank, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng.
Ngoài ra, bà Phấn còn bị cáo buộc thông qua Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ) chỉ đạo cán bộ, nhân viên TrustBank lập chứng từ giúp mình thu khống hơn 5.256 tỉ đồng của ngân hàng. Sau đó, bà này yêu cầu cán bộ TrustBank lập chứng từ chi khống đẩy nợ cho Công ty CP Đầu tư Phương Trang (Công ty Phương Trang).
Cụ thể, từ tháng 5-2010 đến tháng 2-2012, TrustBank đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 83 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu với số tiền trên sổ sách là gần 16.500 tỉ đồng.
Bà Phấn và đồng phạm đã lợi dụng vào nhu cầu vay vốn của Công ty Phương Trang buộc doanh nghiệp này ký trước hồ sơ, chứng từ để đẩy dư nợ khống thông qua các khoản vay.
Số tiền Công ty Phương Trang vay của TrustBank thể hiện trên hồ sơ ký trước - giải ngân sau là 9.402 tỉ đồng. Tuy nhiên, TrustBank chỉ giải ngân cho bên vay gần 3.937 tỉ đồng. Hơn 5.250 tỉ đồng được bà Phấn lấy sử dụng mà không hề giải ngân cho Công ty Phương Trang.
Cơ quan điều tra xác định bà Phấn đã chỉ đạo cán bộ ngân hàng lập chứng từ thu khống, hạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó đẩy dư nợ khống cho Phương Trang để cấn trừ vào số tiền đã chiếm đoạt.
Để che giấu hành vi phạm tội, Bà Phấn chỉ đạo nhiều cán bộ, nhân viên lập các chứng từ chi khống cấn trừ với các chứng từ thu khống, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục.
Bà Hứa Thị Phấn chỉ còn 7% sức khỏe?
Trước khi bị khởi tố, ngày 22-3-2017, bà Hứa Thị Phấn nhập viện cấp cứu do "tăng huyết áp độ ba và tiểu đường type II, thoát vị đĩa đệm, khô khớp...".
Cơ quan Điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao nhiều lần đến bệnh viện để lấy lời khai, hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời".
Trong phiên xử Phạm Công Danh và đồng phạm trước Tết nguyên đán 2018, toà triệu tập bà Phấn với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Tuy nhiên, bà này không đến và cung cấp giấy tờ của bệnh viện xác nhận bản thân mất 93% sức khỏe.
Tuy nhiên, bà Phấn vẫn ký đơn kháng cáo trong vụ án OceanBank và có nhiều đơn tố cáo, kiến nghị khác.
Bình luận (0)