Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao ngày 12-3 đã ra cáo trạng và truy tố 28 bị can trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - VNCB).
Bà Hứa Thị Phấn (trái)
Cụ thể, 3 bị can gồm Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) và nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ; Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) và Ngô Kim Huệ (nguyên phó tổng giám đốc TrustBank, giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ) cùng bị truy tố về 2 tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị can Lâm Kim Dũng, nguyên giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang, bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". 24 bị can khác bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, bị can Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, là cổ đông lớn của ngân hàng, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, đồng thời là cố vấn cấp cao của HĐQT, đã thông qua Lâm Kim Dũng, Bùi Thị Kim Loan, Ngô Kim Huệ, chỉ đạo Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín (công ty không có chức năng thẩm định giá) tiến hành thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bị can Phấn lên 1.268 tỉ đồng (cao gấp 8 lần giá trị trường).
Hứa Thị Phấn còn chỉ đạo Lâm Kim Dũng mua bán lòng vòng lấy tiền sử dụng; sau đó, chỉ đạo HĐQT và ban điều hành Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỉ đồng, hạch toán thu chi khống để hợp thức việc mua bán trước đó, chiếm đoạt hơn 1.105 tỉ đồng sử dụng cá nhân.
Ngoài ra, đối với bị can Hứa Xường, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Tín, là người đã ký các giấy tờ quan trọng trong việc mua bất động sản số 5 Phạm Ngọc Thạch đã xuất cảnh từ ngày 16-1-2017, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra quyết định truy nã từ ngày 10-1-2018, khi nào bắt được bị can sẽ xử lý sau.
Cáo trạng nêu rõ, hành vi hạch toán thu chi khống vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 5.256 tỉ đồng. Hứa Thị Phấn đã thâu tóm, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên 2 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang; thông qua Bùi Thị Kim Loan, chỉ đạo lãnh đạo một số công nhân viên của Ngân hàng Đại Tín thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hoạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt, thực hiện giao dịch, hoạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục; dẫn đến hậu quả để bị can Phấn lấy được và sử dụng bất hợp pháp tổng số tiền hơn 5.256 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định, Hứa Thị Phấn là bị can chính, chủ mưu, phạm cả 2 tội danh và phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ số tiền mà Ngân hàng Đại Tín bị thiệt hại do Phấn và đồng phạm gây ra là hơn 6.341 tỉ đồng. VKSND Tối cao cũng đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ kết quả điều tra tại phiên tòa quyết định buộc bị can Hứa Thị Phấn và các đồng phạm bồi thường thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (nay là VNCB) đối với hậu quả do 2 hành vi phạm tội gây ra. Đồng thời, tiếp tục kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thu hồi thiệt hại của vụ án.
Tuy nhiên, ngày 29-9-2017, sau khi bị TAND TP Hà Nội xử 17 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" quy định tại Điều 179 Bộ Luật Hình sự năm 1999; bị can Phấn có kháng cáo và đang trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm nên bản án chưa có hiệu lực pháp luật, thì ngày 6-3-2017, bị can Phấn đã nhập viện tại quận 7, TP HCM.
Từ đó đến nay, tuy Cơ quan CSĐT và VKSND tối cao đã nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng sức khỏe để tiến hành hỏi cung bị can nhưng bị can Phấn luôn ở trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Tuy nhiên, trong thời gian này, bị can Hứa Thị Phấn vẫn ký các đơn tố cáo, đơn kiến nghị và đơn kháng cáo nên VKSND Tối cao đề nghị cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bị can Phấn trong quá trình xét xử để quyết định hình phạt tại giai đoạn 2 của vụ án này.
Đối với bị can Bùi Thị Kim Loan, ngoài việc giúp sức tích cực cho Phấn, Loan không thành khẩn khai báo, không hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của Phấn; còn có hành vi cùng chồng là bị can Nguyễn Kim Thanh ký bán tẩu tán bất động sản đứng tên giúp bị can Phấn tại phường Bình Thọ (quận Thủ Đức, TP HCM) với giá 34,5 tỉ đồng vào ngày 29-3-2017 (sau khi khởi tố bị can 7 ngày), gây cản trở nghiêm trọng việc điều tra và thu hồi tài sản...
Bình luận (0)