Bà H.K.H. có 5 người con. Năm 1993, bà chia đều mỗi con một phần tài sản và giữ lại một phần dưỡng già. Bà H. qua đời năm 2012. Cuộc chiến tranh giành tài sản thừa kế giữa các con bà diễn ra gay gắt từ đó. Ngọn nguồn mâu thuẫn bắt đầu từ tờ chúc ngôn chia tài sản dưỡng già bà H. để lại trước khi lìa đời.
Cãi vã không hồi kết
Nhiều năm nay, con trai độc nhất của bà H. (tên N.P.S.) kiện em gái (tên N.P.T.) với mục đích đòi gần 3.000 m2 đất do bà T. đang đứng tên sổ đỏ cùng bộ lư đồng kỷ vật. Tòa sơ thẩm tuyên người anh trai thắng kiện. Lập tức, người em gái đâm đơn kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Tranh chấp di sản thừa kế mở ra. Chỉ hai người ngồi phía dưới (nguyên đơn là anh trai cả, bị đơn là em gái), phòng xử trống trải và tĩnh lặng.
Nguyên đơn trình bày lúc sinh tiền, mẹ ông có gần 3.000 m2. Bà nói đây là tài sản dưỡng già vì bà không muốn phiền đến con cháu. Trên đất có căn nhà nhỏ và nhiều vật dụng. Đặc biệt, mẹ ông rất trân trọng bộ lư đồng tổ tiên truyền từ bao đời và căn dặn ông có trách nhiệm bảo quản, thờ phụng tổ tiên. Năm 2005, mẹ ông làm tờ chúc ngôn, chính thức giao ông thừa hưởng phần tài sản trên. 7 năm sau, anh em ông đưa tiễn mẹ về cõi vĩnh hằng.
"Mộ mẹ chưa xanh cỏ thì nó (bà T. - PV) tự ý dọn hết đồ đạc ra khỏi căn nhà mẹ ở lúc sinh thời. Từ đó, mỗi lần gặp mặt là mỗi lần hai anh em cãi vã. Gia đình chúng tôi không thể tin nó âm thầm sang tên giấy tờ đất. Giờ mẹ không còn, không còn ai đối chứng" – người anh trai vừa nói, vừa chỉ tay và hướng ánh mắt trách móc về phía em gái.
Phản bác anh trai, bà T. quả quyết ông S. mới là người dối trá. Bà gay gắt: "Ông ấy làm giả tờ chúc ngôn hòng chiếm tài sản. Vì thế, tôi yêu cầu tòa án giám định dấu vân tay trên tờ giấy ấy. Mẹ tôi đã bán hơn một nửa số đất ấy trong thời gian bà chữa bệnh, phần còn lại bà sang tên cho tôi".
Minh họa: Khều
Gia đình "tan đàn, xẻ nghé"
Đến trưa, HĐXX phúc thẩm chưa thể nghị án, dù phiên tòa chỉ có hai đương sự tham gia. Những người có quyền và nghĩa vụ liên quan (đa số là người thân trong gia đình) đồng loạt vắng mặt. Họ gửi lời khai đến theo yêu cầu tòa án đưa ra trước đó.
Cụ thể, một người cháu họ cho biết mẹ ông S. lúc sinh tiền có nhờ bà làm tờ chúc ngôn. Bà có viết tay theo nội dung bà H. mong muốn rồi đi đánh máy hoàn chỉnh. Do bà H. không biết chữ nên lăn tay vào tờ chúc ngôn. Một người con gái của bà H. (bà này là em nguyên đơn, chị của bị đơn) trả lời với HĐXX rằng bà có biết chuyện mẹ viết chúc ngôn để lại phần tài sản dưỡng già cho em trai, chính là ông S.
Giờ nghị án, hai anh em suýt nữa lao vào đánh nhau. Thư kí phiên xử cùng bảo vệ tòa án nhanh chóng vào can ngăn. Dù không kịp gây rối trong phòng xử nhưng họ chẳng ngần ngại dành cho nhau những lời đay nghiến, nhiếc móc. Anh trai mắng em gái hỗn hào, bất hiếu. Em gái nói anh giả nhân giả nghĩa.
Dù nhiều nhân chứng ủng hộ nguyên đơn nhưng tòa phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm. Theo HĐXX phúc thẩm, cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, chưa xem xét hết tất cả giấy tờ liên quan đến tài sản tranh chấp. Quan trọng hơn, HĐXX xét thấy yêu cầu giám định vân tay tên tờ chúc thư mà bị đơn đề cập là cần thiết trong quá trình giải quyết vụ án. Song, bản án sơ thẩm đã bỏ qua yếu tố này.
Sau khi chủ tọa tuyên bố kết thúc phiên tòa, ông S. đi thẳng một mạch ra bãi gửi xe trong sân tòa, rồi phóng nhanh xe máy ra khỏi cổng.
Nhìn cảnh ấy, một vị hội thẩm thở dài: "Gần 10 năm cãi cọ, tranh giành thì gia đình chắc chắn không thể ngồi chung mâm trong ngày giỗ mẹ. Nhiều khi, họ không thờ phụng cha mẹ chung một bàn thờ đâu. Tội nghiệp người mẹ đã nằm xuống vẫn không thoát nỗi cay đắng khi con cái trở mặt với nhau vì tranh đến cùng phần tài sản dưỡng già sót lại của người khuất núi".
Quả thật như lời vị hội thẩm dự đoán, bà T có kể rằng từ khi mẹ mất, hai anh em bà chưa một lần ngồi chung mâm cơm. Bà thờ cúng tổ tiên, cha mẹ trên bàn thờ trong nhà chứ không thờ phụng chung với anh trai như những chị em khác.
Bình luận (0)