xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tài sản tranh chấp bị “xẻ thịt”

Bài và ảnh: Tuấn Minh

Ai cũng cho rằng đó là nghé của nhà mình nên định phải trông vào phán quyết của tòa án. Trong lúc cơ quan chức năng đang tìm căn cứ quyết định của vụ án thì người tạm giữ tang vật tự tiện bán “chứng cứ quan trọng của vụ án” cho… lò mổ

Vụ án tranh chấp “quyền sở hữu tài sản” là một con nghé từng gây xôn xao dư luận ở huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hiệp (SN 1958) gửi đơn kiện bà Hoàng Thị Thiệp (SN 1961, người bà con họ hàng, cùng ngụ thôn 2, xã Phúc Đường, huyện Như Thanh) vì cho rằng gia đình bà Thiệp đã bắt con nghé của gia đình ông.
img
Ông Nguyễn Văn Hiệp kể lại việc khởi kiện để đòi con nghé
 

Chính quyền cũng chịu

Vụ tranh chấp nảy sinh ngày 20-3-2010 khi gia đình bà Thiệp vào rừng bắt một con nghé về để bán. Ông Hiệp biết chuyện, cho rằng con nghé đó là của gia đình ông chứ không phải của nhà bà Thiệp nên xin chuộc. Gia đình bà Thiệp khăng khăng cho rằng đó là nghé của mình nên không chấp nhận.

Sau nhiều lần thương lượng không được, ông Hiệp báo cáo sự việc với chính quyền địa phương. UBND xã Phúc Đường mời đại diện 2 gia đình đến hòa giải nhiều lần nhưng bất thành vì ai cũng khẳng định đó là nghé của nhà mình và đều đưa ra hàng loạt bằng chứng để chứng minh. Chính quyền chịu thua, không biết ai đúng, ai sai.

Quá bức xúc, gia đình ông Hiệp gửi đơn khởi kiện lên TAND huyện Như Thanh. Tòa án yêu cầu cả 2 gia đình vào rừng tìm con trâu mẹ đem về để có cơ sở giải quyết. Bởi theo tập tính của loài trâu, nghé con luôn theo mẹ nên nếu cả 2 gia đình dắt trâu mẹ về, chắc chắn chú nghé phải đi theo một trong 2 trâu mẹ. Nghé đi theo trâu mẹ của nhà nào thì nhà ấy thắng kiện.

Tuy nhiên, việc đưa trâu mẹ về tưởng rất đơn giản hóa ra lại không thực hiện được vì địa phương có tập quán thả trâu vào rừng, 1 năm vào thăm vài lần, khi nào trâu đẻ thì đưa về nhà chăm sóc, nghé đến lúc cứng cáp sẽ được thả vào rừng. Trâu thả vào rừng lâu ngày không khác gì trâu hoang, không dễ gì bắt được cùng lúc cả 2 trâu mẹ. Hết lần này đến lần khác chờ đợi, rốt cuộc, TAND huyện Như Thanh quyết định giải quyết bằng cách bỏ phương án dắt trâu mẹ về dụ trâu con, chuyển sang hướng yêu cầu 2 gia đình mô tả đặc điểm của nghé nhà mình.

Tại phiên xét xử ngày 15-12-2010, ông Hiệp mô tả chính xác đặc điểm của con nghé đang tranh chấp, còn bà Thiệp thì tả sai nhiều chi tiết. Căn cứ vào việc mô tả, TAND huyện Như Thanh tuyên phần thắng thuộc về gia đình ông Hiệp.

Mặc dù tòa án xét xử công khai, được người dân địa phương đồng tình ủng hộ nhưng bà Thiệp vẫn kháng cáo.

Tại phiên xử phúc thẩm ngày 22-6-2012 của TAND tỉnh Thanh Hóa, nguyên đơn và bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung cũng như yêu cầu kháng cáo và không đưa ra được thêm bằng chứng nào. Tuy nhiên, phương án dắt trâu mẹ về cho tiếp xúc với nghé lần nữa lại được tòa án đặt ra nhằm minh bạch hơn các chứng cứ. Tình tiết bất ngờ xảy ra khi tòa án đang chờ cả 2 gia đình tìm dắt trâu mẹ về thì gia đình bà Thiệp bán con nghé cho lò mổ, thu 15 triệu đồng. Vụ việc đâm ra rắc rối hơn.

Xét thấy việc bà Thiệp là người kháng cáo nhưng bán con nghé đang tranh chấp là hành vi cố ý thủ tiêu chứng cứ quan trọng của vụ án, TAND tỉnh Thanh Hóa không còn căn cứ để xem xét nên tuyên bác kháng cáo của bà Thiệp và giữ nguyên phán quyết sơ thẩm của TAND huyện Như Thanh. Thế nhưng, vì vật chứng là tài sản của vụ án đã không còn nên để thi hành án, tòa án buộc phải tuyên chuyển hình thức giao hiện vật sang tiền. Giá trị con nghé tranh chấp được một hội đồng định giá 6 triệu đồng. Trừ đi công chăn dắt, tòa án yêu cầu gia đình bà Thiệp phải hoàn trả cho gia đình ông Hiệp hơn 5 triệu đồng, nếu không thực hiện thì sẽ còn phải chịu thêm tiền lãi.

Khó phân định đúng, sai

Vụ việc đến đấy vẫn chưa chấm dứt vì phía gia đình bà Thiệp sau đó không chịu trả tiền nên gia đình ông Hiệp phải nhiều lần nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Mãi đến giữa năm 2013, gia đình bà Thiệp mới chịu trả hết tiền.

Nói về vụ tranh chấp này, nhiều người dân địa phương lập luận: Sở dĩ gia đình bà Thiệp không chịu nhận sai vì chồng bà Thiệp làm cán bộ xã, thua kiện thì xấu hổ lắm. Nhưng dù thắng kiện, ông Hiệp cũng bảo là chẳng thấy vui vẻ gì bởi theo ông, từ đây tình làng nghĩa xóm, tình anh em họ hàng xem như không còn như trước, mất mát ấy còn lớn hơn nhiều lần giá trị con nghé.

Ông Lê Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Đường, cho biết: “Đây là vụ việc hy hữu của địa phương từ trước đến nay. Chúng tôi đã kiên trì hàng chục lần mời 2 gia đình lên hòa giải nhằm xử lý êm đẹp theo truyền thống của địa phương nhưng người sai chẳng chịu nhận sai nên địa phương đành chịu. Khi xảy ra tranh chấp, cả 2 gia đình không đem được trâu mẹ về để cho nghé nhận mẹ khiến chúng tôi không biết rõ đó là nghé của nhà ai nên rất khó phân định đúng, sai”. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-12

Kỳ tới: Căng thẳng vì vú heo

Lẽ ra phải “niêm phong” tài sản tranh chấp

Luật sư Vi Văn A, Trưởng Văn phòng Luật sư số 7 (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết trong vụ kiện này, con nghé là tài sản tranh chấp, đồng thời là chứng cứ quan trọng của vụ án. Bà Hoàng Thị Thiệp là người kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng bán con nghé cho người khác làm thịt, tức là đã thủ tiêu tài sản tranh chấp. Đây là hành động cố tình tẩu tán tài sản, có chủ định nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản không phải của mình. Về xử lý, TAND tỉnh Thanh Hóa đã hủy kháng cáo, yêu cầu bà Thiệp phải hoàn trả số tiền (con nghé đã được định giá trước đó) cho ông Hiệp là hoàn toàn chính xác.

Đây là hình vi trộm cắp tài sản, chiếm giữ tài sản trái phép. Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp làm đơn khởi kiện là đúng vì ông chứng minh được đó là con nghé của mình. Nếu bà Thiệp kháng cáo thì tài sản tranh chấp lẽ ra phải được “niêm phong” trong quá trình chờ phúc thẩm. Tuy nhiên, tài sản tranh chấp vẫn được giao cho bị đơn quản lý nên đã dẫn đến việc cố tình tẩu tán tài sản nhằm trục lợi. Con nghé là tài sản sinh lời, lúc định giá vào năm 2010 là 6 triệu đồng, đến năm 2012 giá trị đã cao hơn rất nhiều, bằng chứng là gia đình bà Thiệp bán con nghé cho lò mổ được 15 triệu đồng nhưng chỉ phải bồi thường cho gia đình ông Hiệp hơn 5 triệu đồng. Điều này rất cần lưu ý.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo