Mới đây, khi trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum liên quan đến việc xử lý gỗ tang vật tại các vụ án, Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum cho biết từ năm 2015 đến nay, cơ quan điều tra các cấp thụ lý, điều tra 132 vụ án liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp.
Về tang vật, đã thu gom, bán đấu giá trên 3.169 m3, còn 3.567 m3 chưa được xử lý, bán đấu giá. Trong đó, có 1.571 m3 gỗ tang vật có giá hàng chục tỉ đồng vẫn nằm tại hiện trường, không thể đưa ra khỏi rừng.
Điển hình, tháng 2-2020, tại khoảnh 3, Tiểu khu 227, lâm phần của Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Đăk Tô xảy ra vụ phá rừng làm thiệt hại trên 26 m3 gỗ.
Sau khi vụ án được xét xử, số gỗ đang ở hiện trường được yêu cầu chuyển giao cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Tô xử lý. Từ tháng 1-2021, UBND tỉnh Kon Tum giao Công an tỉnh tổ chức thu gom, vận chuyển chúng về để bàn giao cho cơ quan thi hành án.
Tuy nhiên, để đưa gỗ ra khỏi rừng thì chi phí thu gom rất cao, thậm chí cao hơn giá trị số gỗ nên chưa có phương án khả thi.
Hàng chục m3 gỗ lớn nằm phơi sương tại Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Đăk Tô
Ngoài số gỗ tang vật của các vụ án đã được xét xử, kết thúc điều tra thì hàng ngàn m3 gỗ tang vật đang trong giai đoạn điều tra, tạm đình chỉ vụ án cũng không thể xử lý do vướng quy định.
Theo đại diện Công an tỉnh Kon Tum, Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định vật chứng trong các vụ án đang được điều tra, tạm đình chỉ thì chỉ được bán khi có căn cứ xác định chúng mau hỏng, khó bảo quản. Sau khi bán, số tiền thu được phải nộp toàn bộ vào tài khoản tạm giữ, không được trừ các chi phí hợp lý như kéo gom, trông coi, bảo quản và thuê thẩm định giá...
Thực tế số tiền phải chi trả cho các hoạt động xử lý vật chứng là rất lớn, cơ quan điều tra không có kinh phí để thực hiện.
Trong khi đó, hướng dẫn của Bộ Tài chính nêu rõ: "Pháp luật về tố tụng chỉ quy định việc xử lý vật chứng vụ án trong giai đoạn đình chỉ vụ án". Như vậy, hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý để tham mưu xử lý gỗ tang vật trong các vụ án đang điều tra, tạm đình chỉ.
Còn trong vụ án "Thái Tự Lục và đồng bọn sản xuất trái phép chất ma túy tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, Công an tỉnh Kon Tum đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cục THADS tỉnh khẩn trương di dời, xử lý toàn bộ 16 tấn hóa chất và thiết bị máy móc thu giữ.
Số vật chứng đang được lưu giữ tại kho vật chứng của Phòng Cảnh sát cơ động. Do thời thiết nắng nóng, các bình đựng hóa chất rò rỉ, thấm xuống nền nhà gây hư hỏng chân móng, tường của kho vật chứng và kho chứa vũ khí của công an tỉnh.
Hóa chất chảy ra còn bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xung quanh, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể đơn vị. Ngoài ra, có nguy cơ xảy ra cháy nổ, mất an toàn…
Bình luận (0)