Ngày 11-4, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk cho biết Công an tỉnh đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án phá rừng quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Đắk Lắk.
Tiếng cưa máy ầm ĩ suốt nửa tháng
Tại hiện trường vụ phá rừng này (ở 2 tiểu khu 205 và 222, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, Đắk Lắk), chúng tôi ghi nhận lực lượng chức năng đang có mặt bảo vệ tang vật. Nơi đây, gần 400 ha rừng tự nhiên bị phá trắng, cây rừng bị cưa sát gốc nằm ngổn ngang với nhiều thân vẫn còn ứa nhựa.
Ông N.V.L, nhà ở gần khu vực, kể lâm tặc phá rừng trong khoảng 15 ngày. "Cứ mỗi tối, các nhóm người lại vào cắt hạ cây. Họ sử dụng nhiều cưa máy, tôi ngồi ở nhà nghe rất rõ tiếng cưa mà không dám báo vì sợ trả thù. Suốt thời gian dài, tôi không thấy lực lượng nào vào xử lý vụ việc" - ông L. nói.
Gần 400 ha rừng tự nhiên bị tàn phá suốt nửa tháng nhưng lực lượng chức năng không biết!?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hoàng Em, Giám đốc Công ty TNHH Đất Vàng Ban Mê, cho biết công ty khảo sát để thực hiện dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và trồng cây ăn trái, cây nông nghiệp gần 4 năm nay. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý chủ trương nhưng do công ty chưa được giao đất nên chỉ hỗ trợ chủ rừng là UBND xã Ya Tờ Mốt chứ không có quyền xử lý.
Ông Hoàng Em kể trong quá trình khảo sát, gần đây cứ vào ban đêm thì người của công ty nghe tiếng cưa máy ầm ĩ với số lượng lên đến hàng chục cưa cắt gỗ. Những lần ấy, ông đều báo lại cho lãnh đạo UBND xã Ya Tờ Mốt. Có một số lần báo tin, lực lượng chức năng vào hiện trường nhưng khi vào đến nơi thì những đối tượng phá rừng đã bỏ đi.
Không thấy cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, ngày 25-3, ông Hoàng Em đã gửi văn bản báo cáo lên Chi cục Kiểm lâm và Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk.
Phá hoại có tổ chức
Đến ngày 30-3, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp phối hợp với cơ quan chức năng vào kiểm tra hiện trường.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, đây là vụ vi phạm có mức độ nghiêm trọng, diện tích rừng bị thiệt hại lớn nên sở đã có văn bản báo cáo và đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng.
Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đồng thời muốn làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra phá rừng trái pháp luật mà không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Trong đó, có hay không việc xúi giục, tiếp tay, bao che cho đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.
"Công an tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương xác minh để khởi tố vụ án. Chúng tôi nhận thấy đây là vụ phá hoại có tổ chức. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 lực lượng chức năng của xã đi tuần tra thì chưa thấy rừng bị phá nhưng chỉ trong khoảng nửa tháng sau, gần 400 ha rừng đã bị hạ. Theo những thông tin ban đầu mà lực lượng kiểm lâm nắm được từ người dân thì các đối tượng đã đánh cả ôtô chở người, máy móc với quy mô lớn vào phá rừng" - giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk thông tin.
Theo tìm hiểu, trước đây, khu vực rừng này được UBND huyện Ea Súp giao cho các nhóm hộ ở xã trông coi. Đến năm 2020, nhận thấy các nhóm hộ quản lý không hiệu quả, UBND huyện thu hồi đưa về UBND xã quản lý. Tiếp đó, Công ty TNHH Đất Vàng Ban Mê xin khảo sát nghiên cứu thuê đất để triển khai dự án nhưng trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng quy mô lớn vẫn thuộc về UBND xã Ya Tờ Mốt.
Kiểm lâm đặc nhiệm vào cuộc
Ngày 11-4, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm vùng IV cho biết Cục Kiểm lâm đã có văn bản chỉ đạo liên quan đến vụ việc.
Theo đó, Cục Kiểm lâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng IV tổ chức kiểm tra, làm rõ vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. "Cục Kiểm lâm cử cán bộ của Đội Kiểm lâm đặc nhiệm phối hợp với các đơn vị điều tra vụ phá rừng" - vị này cho biết thêm.
Bình luận (0)