Ngày 15-9, Ban Chuyên đề Công an TP HCM tổ chức Tọa đàm "Đề án 06 với chuyển đổi số và cải cách hành chính".
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho rằng chuyển đổi số thành công sẽ giúp chúng ta có một kho giữ liệu sạch. Hiện nay, BHXH theo dõi người tham gia trong thời gian dài, cập nhật liên tục dữ liệu của mỗi người tham gia, từ đó tạo cho BHXH kho dữ liệu khổng lồ.
"Đến nay, chúng tôi đã đồng bộ định danh cá nhân, CCCD của hơn 7,2 triệu trên tổng số 7,7 triệu người tham gia, đạt 92,5%, tăng 19% so với cùng kỳ. Có 7 triệu thẻ bảo hiểm y tế đồng bộ với CCCD khi khám chữa bệnh và 385 cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng CCCD. Có gần 5,5 triệu người sử dụng CCCD khi khám chữa bệnh và 4,4 triệu người sử dụng căn cước khám chữa bệnh tra cứu có thông tin", bà Dung thông tin.
TS Trần Thị Mỹ Dung phát biểu tại tọa đàm
Bên cạnh đó, BHXH TP HCM đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp trên cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành 37.000 hồ sơ trên cổng.
TS Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết thêm: "Nếu trước đây người dân tập trung đông tại cơ sở BHXH để giải quyết thì hiện nay thưa hơn nhiều vì người dân đã làm việc trên cổng dịch vụ công. Ngoài ra, việc người dân đặt lịch làm việc trước với cũng giúp giảm tải; đến nay có hơn 59.000 người tham gia đặt lịch làm việc".
Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính Công an TP HCM, cho biết những kết quả đạt được đã chứng minh cho việc người dân được hưởng được rất nhiều lợi ích, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh
"Hiện nay, nhờ chuyển đổi số mà người dân không mất thời gian nhiều khi thực hiện các thủ tục hành chính ở ủy ban, công an. Ban Giám đốc Công an TP HCM cực kỳ quan tâm đến việc người dân gặp sự cố khi chuyển đổi CCCD, những vấn đề về đường truyền, về dữ liệu… Chúng tôi luôn có các số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh sự cố. Đề án 06 đã thực sự đi vào cuộc sống và có những tiện ích căn bản giúp người dân thuận tiện hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính", thượng tá Hồ Thị Lãnh nói.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù Đề án 06 đã thể hiện rất nhiều mặt tích cực, song, đến nay người dân vẫn bức xúc vì dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt và công khai mua bán trên mạng.
Đại tá, PGS - TS Bùi Ngọc Giáp
"Bằng chứng là rất nhiều cuộc gọi lừa đảo, các băng nhóm đã có được dữ liệu của người dân khi họ có tiền gởi ngân hàng, khi mua vé máy bay cũng có người làm phiền hỏi dịch vụ xe trung chuyển dù chuyến bay chưa cất cánh… Cho nên phải giám sát chéo, ngăn chặn nhân viên một số cơ quan lấy dữ liệu của người dân bán ra ngoài tạo điều kiện cho lừa đảo", ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo An ninh mạng Athena, lo ngại.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Đại tá, PGS - TS Bùi Ngọc Giáp, Trưởng Ban Chuyên đề Công an TP HCM, cho rằng các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận về những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm, như an ninh mạng, việc đồng bộ, chia sẻ, kết nối các dữ liệu chuyên ngành vào cơ sở dữ liệu quốc gia; về hạng tầng công nghệ thông tin, đường truyền phục vụ Đề án, chuyển đổi số. Qua đó đề xuất, hiến kế nhiều giải pháp hay, được đánh giá mang tính khả thi cao.
Tính đến ngày 31-5, cả nước có 206,4 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 13,7 triệu hồ sơ trực tuyến. Đến ngày 23-5, có 776.889 tài khoản định danh điện tử đăng nhập trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 2,,57 triệu lượt đăng nhập.
Bộ Công an đã kết nối với 13 bộ, ngành, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương; tiếp nhận 108,7 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao của 3 nhà mạng, có thông tin trùng khớp là 90,27 triệu yêu cầu (83%) tiết kiệm được 133 tỉ đồng.
Tính đến hết ngày 30-5, hệ thống BHXH Việt Nam đã xác thực 84,8 triệuthông tin nhân khẩu (số người đang tham gia và đã tham gia BHYT, BHXH) và 73,3 triệu người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bình luận (0)