Agribank chi nhánh Bến Thành (TP HCM) đã bị "rút ruột" hơn 200 tỉ đồng - Ảnh minh họa
Nguồn tin ngày 31-3 cho hay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất điều tra, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Hoàng Oanh, nguyên Giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bến Thành (TP HCM), cùng 6 thuộc cấp về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 5 bị can khác bị đề nghị truy tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, từ năm 2008 đến năm 2010, Nguyễn Thị Hoàng Oanh và Lê Văn Tính (Giám đốc Công ty TNHH Kim Gia Thảo) chủ mưu, với sự giúp sức tích cực của bị can Trương Thế Thanh, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - kinh doanh của Agribank Bến Thành và một số đối tượng khác là cán bộ tín dụng, thủ quỹ và người thân, quen của các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, làm thiệt hại hơn 200 tỉ đồng của Agribank Bến Thành.
Năm 2008, Nguyễn Thị Hoàng Oanh biết quy định về cho vay của ngân hàng Agribank là giám đốc không được ký duyệt cho vay đối với bản thân mình nên đã sử dụng tên 7 người quen, thân, mặc dù không có hồ sơ tín dụng nhưng vẫn ký duyệt cho vay với số vốn là 23.600 chỉ vàng SJC. Sau đó, Oanh sử dụng số vàng đó để mua nhà 225 B-C Trần Quang Khải, rồi lại ký hợp đồng cho chính chi nhánh ngân hàng mình quản lý thuê lại nhà đó để chiếm hưởng số tiền cho thuê nhà là 5,6 tỉ đồng.
Đến năm 2009, Oanh lại sử dụng pháp nhân công ty cổ phần vận tải Liên lục địa (công ty của em gái và con rể mình) để vay 22.314 chỉ vàng SJC của ngân hàng và lấy tên em trai là Nguyễn Minh Được vay 2.494 chỉ vàng SJC để trả nợ cho các khoản vay của bản thân năm 2008. Cho đến nay, Oanh còn dư nợ quá hạn tại ngân hàng là 31 tỉ đồng không có khả năng thanh toán.
Đồng thời năm 2009, khi Lê Văn Tính có nhu cầu vay vốn, Oanh đã ép Tính phải nhận nợ với ngân hàng là vàng, nhưng thực tế Tính chỉ được nhận tiền VNĐ để chiếm hưởng 22,4 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá.
Để có tiền mua lại vàng của Tính, Oanh dùng pháp nhân các công ty khác nhau, duyệt cho vay và giải ngân dù công ty đó không có hợp đồng tín dụng. Cứ đến hạn trả tiền, Oanh lại tiếp tục duyệt cho công ty mới vay để trả ngân hàng cho công ty cũ.
Ngoài ra, năm 2010, các khoản vay của Lê Văn Tính đến hạn trả nợ nhưng Tính không có tiền trả nợ nên Nguyễn Thị Hoàng Oanh đã thống nhất với Trương Thế Thanh và một số cán bộ làm hồ sơ cho Tính vay tiếp để đảo nợ nhiều tỉ đồng khác. Hậu quả đến nay Lê Văn Tính còn dư nợ hơn 38 tỉ đồng và 56.000 chỉ vàng SJC mà không có khả năng trả nợ.
Bình luận (0)