Ngày 8-4, đại tá Nguyễn Ngọc Hồng - Trưởng Công an huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa - cho biết vụ án cướp tài sản đối với bị can Phạm Minh Tiến (23 tuổi; ngụ thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) đã được VKSND huyện Diên Khánh trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
“Con tôi bị đánh nên tức...”
Hai gia đình của bị can Tiến và bị hại Nguyễn Thị Bích Vân (SN 2000; ngụ xã Diên An, huyện Diên Khánh) khá thân nhau, đang bàn đến chuyện hôn nhân cho 2 người thì bất ngờ Tiến bị bắt vì cướp tài sản của Vân. Sau khi Tiến bị tòa sơ thẩm tuyên án 7 năm tù, Vân bỏ nhà đi biệt.
Bà Nguyễn Thị Thừa (mẹ của Vân) nhớ con, bệnh cũ tái phát nên đến ngày 8-4 phải đi TP HCM chữa trị. Điều đáng nói là bà Tô Thị Huệ (mẹ của Tiến) lại là người giúp đỡ tiền nong cho bà Thừa đi lại chữa bệnh mặc dù bà phải tần tảo ngồi vỉa hè sáng bán ốc, tối bán phở gõ kiếm từng đồng.
Theo án sơ thẩm, Tiến và Vân quen biết nhau. Khoảng 8 giờ ngày 5-2-2015, Tiến yêu cầu Vân đưa 800.000 đồng để đi TP HCM. Tiến đánh Vân rồi lục túi lấy một điện thoại di động, yêu cầu Vân đưa 800.000 đồng mới trả điện thoại. Sau đó, Vân đến cơ quan công an trình báo. Vào 13 giờ cùng ngày, khi Tiến nhận 800.000 đồng từ Vân thì bị công an bắt. Tại phiên tòa sơ thẩm, Tiến bị kết án 7 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tiến kháng cáo kêu oan.
Tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa xét thấy thời điểm xảy ra vụ việc, Vân chỉ mới 14 tuổi 1 tháng 12 ngày nhưng trong giai đoạn điều tra, CQĐT không triệu tập bà Thừa để giám hộ khi lấy lời khai, nhất là trong trường hợp Vân không biết chữ.
Vân khai bị Tiến đánh là do ghen tuông khi thấy Vân nghe điện thoại của một thanh niên khác chứ không phải để chiếm đoạt tài sản. Tiến lấy điện thoại để xem ai gọi rồi trả lại cho Vân, sau đó Vân tự nguyện đưa điện thoại cho Tiến để mở lấy sim ra chứ không phải bị Tiến cướp.
Lời khai tại các phiên tòa của bị cáo, người bị hại đều thống nhất với nhau và mâu thuẫn với lời khai tại CQĐT. TAND huyện Diên Khánh đã 2 lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhưng CQĐT không làm rõ… Từ đó, tòa phúc thẩm quyết định hủy án để điều tra, xét xử lại.
Cũng theo bản án phúc thẩm, Tiến cho rằng Vân đi chung xe máy với mình, do xe bị Vân sử dụng hư hỏng nên Tiến bảo Vân đưa 800.000 đồng để sửa. Tiến cũng cho hay là do không biết chữ nên không biết nội dung trong tất cả biên bản lấy lời khai, cán bộ điều tra bảo ký thì phải ký.
Theo bà Thừa, 2 gia đình quan hệ thân thiết với nhau, đôi bên thống nhất chờ Vân đủ tuổi sẽ tổ chức đám cưới. Hằng ngày, bà nấu cơm cho Tiến ăn đi làm, không có chuyện Tiến cướp tài sản của con bà. Vân nhiều lúc không bình thường, do bị Tiến đánh nên tức, báo công an “dọa” Tiến.
“Con tôi nói là có 2 cán bộ Công an huyện Diên Khánh đưa 800.000 đồng, bảo nó đưa cho Tiến rồi bắt Tiến. Ba ngày sau khi tòa xử sơ thẩm, biết con tôi thay đổi lời khai, có 2 cán bộ công an huyện đến nhà đe dọa cháu Vân, nói nếu còn khai báo lung tung sẽ bị bắt đi tù rồi xúi cháu trốn đi. Cháu sợ quá nên đã trốn, hiện gia đình không biết cháu ở đâu” - bà Thừa trình bày.
Bà Huệ cho biết bà nhận điện thoại của Vân nói ra đầu xóm lấy tiền sửa xe. Tiến cầm tô cơm ra lấy tiền rồi bị bắt. “Có ai cướp tiền, điện thoại mà ung dung vậy không? Nó bị đứt lưỡi từ nhỏ nên mặc cảm, không đi học nên không biết chữ. Tại tòa, đại diện VKSND hỏi tại sao khi đang điều tra thì khai khác mà ra tòa lại khai khác, Tiến nói khi cán bộ điều tra hỏi, nó đã khai không cướp điện thoại, không cướp tiền nhưng chú Minh (điều tra viên - PV) ghi như vậy. Chú Minh nói mày khai như thế nào là quyền mày, tao ghi như vậy. Chú Minh nói ký vào mới cho gặp mẹ nên nó ký” - bà Huệ rưng rưng.
Làm đúng pháp luật?
Trả lời câu hỏi về các lời khai có tính chất “gài bẫy” của điều tra viên, tại phiên phúc thẩm, đại tá Hồng cho rằng sau khi rà soát, điều tra viên đã thực hiện theo đúng quy định.
“Không có chuyện trong hồ sơ có như thế mà chúng tôi làm sai lệch. Về số tiền 800.000 đồng mà gia đình bị hại cho rằng bị “gài bẫy”, đơn vị không được phép làm như thế, do đó không tiến hành làm” - đại tá Hồng nói và cho biết ngày 5-3-2015 (sau khi vụ việc xảy ra 1 tháng), Vân đã nhận lại điện thoại và 800.000 đồng, có giấy biên nhận trong hồ sơ vụ án.
Còn việc không có mẹ của Vân làm người giám hộ thì trong luật cho phép trong thời gian lấy lời khai nếu không có bố, mẹ thì có thể mời các tổ chức, đoàn thể chứng kiến. Trong hồ sơ có đầy đủ cơ sở khẳng định khi lấy lời khai của Vân thì không tìm được bà Thừa nên mới mời tổ chức, đoàn thể cử người chứng kiến.
Về quan điểm “gài bẫy” hay không, đại tá Hồng khẳng định: “Chúng tôi không thể thực hiện biện pháp “gài bẫy” vì luật không cho phép. Khi tạm giữ Tiến đã cấu thành hành vi tội phạm, đã được VKSND phê chuẩn khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Chúng tôi sẽ làm rõ vì sao bị hại trốn, không có mặt ở phiên xử phúc thẩm”.
Giải thích vì sao CQĐT không điều tra bổ sung khi tòa sơ thẩm trả hồ sơ cũng như những dấu hiệu vi phạm về tố tụng trong giai đoạn điều tra, đại tá Hồng cho biết đây là lần đầu tiên VKSND huyện trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Hai lần trước đều do VKSND điều tra.
Chưa phải đổi điều tra viên
Đại tá Nguyễn Ngọc Hồng nói: “Khi điều tra, chúng tôi biết Vân và Tiến yêu nhau nhưng Tiến lợi dụng tình cảm, sử dụng vũ lực, dùng mũ bảo hiểm đánh Vân khi em mới 14 tuổi. Ngay hành vi đánh đã đáng lên án. Thông tin khai lại của bị hại, bị cáo xuất phát từ tòa; còn giai đoạn điều tra ban đầu giữa lời khai bị hại, bị cáo khớp nhau. Do biết Tiến không biết chữ nên chúng tôi đã mời người chứng kiến. Hiện nay, chưa thấy cơ sở nào để cần thiết phải thay đổi điều tra viên”.
Bình luận (0)