Chiều nay 8-7, trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Công an huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo của anh Trần Văn Sáu đề nghị làm rõ những khuất tất trong việc ông Trần Văn Thêm (bố anh Sáu) được TAND Cấp cao Hà Nội bồi thường oan sai trên 6,7 tỉ đồng nhưng chỉ "cầm về nhà" trên 2 tỉ đồng. "Chiều nay (8-7), đơn vị đã mời những người liên quan đến cơ quan công an để làm rõ vụ việc" - vị lãnh đạo Công an huyện Yên Phong nói.
Ông Trần Văn Thêm (áo nâu) - Ảnh: Nguyễn Quyết
Theo đơn tố cáo của anh Trần Văn Sáu (trú thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), tháng 8-2016, các cơ quan tố tụng Trung ương đã công bố quyết định đình chỉ bị can và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm và gia đình. Kết thúc 41 năm oan sai của ông Thêm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận bồi thường cho ông Thêm trên 6,7 tỉ đồng.
"Do bố tôi tuổi cao, trình độ văn hoá thấp, tinh thần và thần kinh căng thẳng nên đã uỷ quyền cho ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Giám đốc Công ty Luật Hoà Lợi, nhận bồi thường do TAND Cấp cao tại Hà Nội trả" - anh Sáu phản ánh.
Theo đơn của anh Sáu, dù được bồi thường oan sai trên 6,7 tỉ đồng nhưng ông Trần Văn Thêm chỉ nhận được 6 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 500 triệu đồng do ông Hoà đưa. Trong đó, ông Hoà giữ giúp 1 sổ trị giá 500 triệu đồng. Trên đường từ nhà ông Hoà (huyện Thạch Thất, Hà Nội) trở về nhà ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh), anh Trần Văn Được (cháu họ ông Thêm) đã xin ông Thêm 1 sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng. Do vậy, khi về đến nhà, ông Thêm chỉ còn 4 sổ tiết kiệm tổng trị giá 2 tỉ đồng và 100 triệu tiền mặt.
"Nhà nước đã trả đủ số tiền đền bù theo yêu cầu người bị oan là 6,7 tỉ đồng nhưng bố tôi mang về đến nhà chỉ còn trên 2 tỉ đồng" - anh Sáu nêu rõ trong đơn.
Theo ông Sáu, khi bố anh bị oan sai đã phải chịu bao nỗi khổ đau, cơ cực. Mẹ anh và các anh em trong gia đình ngày đó bị mọi người xa lánh, rẻ khinh không ai dám cắp sách đến trường. Bây giờ nhà nước bồi thường chút tiền để xoa dịu nỗi đau oan sai thì lại gặp cảnh này, khiến "nỗi đau chồng chất nỗi đau". Chính vì thế, anh Sáu đề nghị Công an huyện Yên Phong làm rõ dấu hiệu chiếm đoạt tiền bồi thường oan sai của bố mình là ông Trần Văn Thêm.
Tuy nhiên, trao đổi trước đó với báo chí, ông Nguyễn Văn Hoà khẳng định đã hoàn trả toàn bộ số tiền trên 6,7 tỉ đồng mà TAND Cấp cao tại Hà Nội bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm. Ông Hòa đưa ra Giấy giao nhận tiền bồi thường được lập ngày 19-3-2018 trước sự chứng kiến của anh Trần Văn Được (cháu họ ông Thêm).
Ông Hoà cũng thừa nhận mình "đang giữ hộ" một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng đứng tên ông Trần Văn Thêm suốt hơn 1 năm qua và việc này "do ông Thêm tự nguyện nhờ".
Anh Trần Văn Được (SN 1974, là cháu cụ Thêm), người trực tiếp đi kêu oan cho cụ Thêm, cho biết sở dĩ cụ được giải oan như ngày hôm nay là được sự giúp đỡ của rất nhiều người thân và các tổ chức, cơ quan... “Tôi là người trực tiếp cùng cụ Thêm đi nhận 6,7 tỉ đồng mang về. Sau đó, cụ gửi 6 sổ tiết kiệm tại ngân hàng, số tiền còn lại mang về. Cụ cho tôi 900 triệu đồng có giấy tờ đầy đủ, còn lại cụ cho ai thì tôi không biết”- anh Được nói.
Theo hồ sơ vụ án, ông Trần Văn Thêm và người em họ cùng quê là ông Nguyễn Khắc Văn thường đi xe đạp thồ từ huyện Yên Phụ (Bắc Ninh) đến huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) để bán thuốc lào và mua quả trám đen.
Đêm 23-7-1970, hai anh em vào ngủ tại một lều cắt tóc thì bị cướp tấn công. Bị hai anh em đánh lại, tên cướp lao xuống sông biến mất. Ông Nguyễn Khắc Văn bị tử vong do bị thương nặng.
Sau đó, ông Thêm đã bị cáo buộc giết em họ để cướp của. Tháng 8-1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm. Tháng 8-1973, cấp phúc thẩm cũng cũng y án sơ thẩm vì HĐXX cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông vì tội Giết người và Cướp tài sản. Suốt quá trình bị bắt cũng như tại toà, ông Thêm liên tục kêu oan.
Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn (trú tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban Thẩm phán Tòa án Tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở quyết định của giám đốc thẩm, cơ quan công an đã tạm tha cho ông Trần Văn Thêm, với giải thích là do có vết thương trên đầu nên Bộ Công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng rồi cho về quê mà không cấp cho bất kỳ giấy tờ nào khác.
Về mặt pháp lý vẫn chưa có quyết định đình chỉ hoặc tiếp tục truy tố đối với ông Trần Văn Thêm. Trở về nhà, ông Thêm cùng gia đình đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng, đề nghị trả lại sự trong sạch cho mình.
Đến năm 2015, TAND Tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan do gia đình ông Thêm cung cấp. Từ đó, các cơ quan tố tụng đã tiến hành xem xét, xác định ông Thêm không thực hiện hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn năm 1970.
.
Bình luận (0)