Thời gian gần đây, người dân sống bên dòng suối Ia Tul liên tục phản ánh việc nước thải từ nhà máy khai thác và chế biến chì - kẽm của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Công ty ĐL-GL) đặt tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai gây ô nhiễm.
Lúc có màu vàng, khi thì trắng đục
Theo anh Rơ Mal Hôn (ngụ làng Plei Pa, xã Chư Mố; làm rẫy gần khu vực suối Ia Tul), trước đây, suối Ia Tul rất sạch, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân. Từ khi nhà máy khai thác chì - kẽm của Công ty ĐL-GL hoạt động thì suối này bị ô nhiễm, lúc có màu vàng, khi thì trắng đục. “Chúng tôi tắm thì bị ngứa khắp người, da lở loét” - anh Hôn bức xúc.
Nhà máy khai thác và chế biến chì - kẽm mang biển của Tập đoàn Đức Long Gia Lai
Hồ chứa bùn thải nằm dưới chân một nhà xưởng
Vừa ngồi canh chòi rẫy vừa đưa tay gãi chiếc đầu gối vì bị ngứa do lở loét, anh Nay Noan cho biết cách đây khoảng một tuần, anh tắm tại suối Ia Tul thì về nhà bị lở loét. “Hôm đó, nước có màu trắng như nước gạo, nghĩ không sao nhưng khi về nhà thì ngứa không chịu nổi” - anh Noan nói và cho biết so với trước đây, các loài cá tại suối Ia Tul đã giảm đáng kể.
Bà Y Lan Yac (ngụ xã Chư Mố) cho biết cứ khoảng 1-2 tuần thì nhà máy khai thác chì - kẽm lại xả nước thải một lần, có màu như xi măng, mùi rất khó chịu. “Có hôm chồng tôi múc nước từ con lạch nơi nhà máy xả thải đựng trong chai để mang đi phun thuốc cỏ, sau đó uống nhầm và thấy tức ngực, khó thở, bị ho...” - bà Yac phản ánh.
Theo sự dẫn đường của anh Nay Noan, chúng tôi đến nơi được cho là cửa xả thải nằm gần mỏ khai thác, không xa nương rẫy của người dân. Nước thải từ khu vực nhà máy sau khi chảy theo con lạch nhỏ thì đổ ra suối Ia Tul. Dưới đáy con lạch này và một số chỗ ghềnh đá vẫn còn đọng lại những chất thải màu trắng, có mùi tanh.
Tại địa điểm khai thác có một số máy móc, còn bên trong khu nhà xưởng thì tiếng máy móc đang hoạt động. Ngoài ra, còn có 2 hồ chứa, trong đó 1 hồ chứa nhiều bùn thải và rất nhiều đá được chất thành đống cao.
Nghi án bán dự án
Trong khi đời sống người dân bên dòng suối Ia Tul đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chính quyền xã khẳng định đã nghe phản ánh, đi kiểm tra và phát hiện dòng nước bị biến đổi màu bất thường thì UBND huyện Ia Pa lại khẳng định chưa nghe thông tin.
Ông Siu Sứ, Chủ tịch UBND xã Ia Tul, cho biết trước việc người dân phản ánh, ông đã trực tiếp ra suối kiểm tra và thấy nước màu đục như nước gạo, có mùi khó chịu. “Tôi cũng đã cùng đoàn liên ngành của huyện vào trong khu nhà máy kiểm tra lưu trú và một số nội dung khác chứ chưa kiểm tra về việc xả thải. Trong mỏ khai thác có hồ chứa nước thải, sau đó toàn bộ sẽ được đổ ra suối Ia Tul” - ông Sứ nói. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Tư, Chánh Văn phòng UBND huyện Ia Pa, khẳng định chưa nghe phản ánh nào từ người dân về việc nhà máy xả thải gây ô nhiễm. Tại nhà máy khai thác chì - kẽm của Công ty ĐL-GL, UBND huyện cũng đã thành lập nhiều đoàn xuống kiểm tra.
Theo một lãnh đạo UBND huyện Ia Pa, hiện tên dự án, nhà máy vẫn là của Công ty ĐL-GL nhưng nhiều khả năng đã nhượng lại cho đơn vị khác khai thác. “Chúng tôi đoán bên ĐL-GL đã bán cho một công ty ở Hà Nội và doanh nghiệp này có vốn của người Trung Quốc đầu tư” - vị này nói và cho biết vào năm 2014, đã có 1 công nhân Trung Quốc tử vong tại hầm mỏ. Một người dân đang canh rẫy gần khu vực đặt nhà máy của Công ty ĐL-Gl cũng khẳng định trước đây thường xuyên có người Trung Quốc ghé vào chòi của ông chơi và uống rượu.
Ngoài ra, một người dân sống tại xã Ia Tul còn nghi ngờ nhà máy không những khai thác chì - kẽm mà còn khai thác vàng. “Nếu khai thác chì - kẽm thì mang xe tải lớn vào chở, đằng này cứ đêm nào cũng chỉ thấy chiếc xe bán tải chạy từ khu nhà máy hướng về thị xã Ayun Pa” - người này đặt vấn đề.
Đang ngừng hoạt động (!?)
Ông Phạm Anh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty ĐL-GL, cho biết đơn vị đang khai thác tại nhà máy là Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Đức Long. “Đây là công ty độc lập nhưng bên anh có cổ phần” - ông Hùng lý giải. Theo ông Hùng, khoảng một năm trở lại đây, nhà máy đã ngưng hoạt động và đang thuê một đơn vị ở Hà Nội làm thiết kế khai thác theo kiểu hầm lò. Đối với vấn đề xả thải gây ô nhiễm suối Ia Tul, ông Hùng nói: “Cái đó là ngày xưa chứ bây giờ đâu có làm gì mà xả”. Ngoài ra, ông Hùng cũng phủ nhận thông tin nhà máy này có khai thác vàng.
Bình luận (0)