Ngày 9-2, TAND TP Đà Nẵng xử sơ thẩm đã tuyên án 18 tháng tù giam đối với bị cáo Đào Tấn Cường (nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex Chi nhánh Đà Nẵng) về tội "Đe dọa giết người".
Từ lô đất đứng tên thay cho ông Nguyễn Bá Thanh
Theo cáo trạng, ngày 11-7-2017, Đào Tấn Cường sử dụng sim rác, nhắn tin với nội dung: "Đồ mất dạy, nợ máu phải trả bằng máu" gửi vào số điện thoại của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và ông Trần Phước Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hơn 1 giờ sau, Cường tiếp tục nhắn tin qua điện thoại: "Rồi mày cũng phải trả giá thôi…, rồi mày cũng chết bờ chết bụi thôi. Mày còn vợ con nữa đó" cho ông Sơn và ông Thơ.
Bị cáo Đào Tấn Cường tại phiên tòa
Trong quá trình điều tra, ông Thơ và người nhà cho biết trước khi nhận tin nhắn của Cường, gia đình thường bị số điện thoại lạ nhá máy vào đêm khuya. Khi vợ ông Thơ đi làm thì có đối tượng lạ mặt theo dõi. Mẹ ruột ông Thơ ở quê cũng có người lạ đến tặng quà, mời đi ăn.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định Đào Tấn Cường là người thực hiện hành vi nhắn tin đe dọa nên ngày 18-8-2017 đã ra lệnh bắt khẩn cấp ông này để điều tra.
Tại cơ quan điều tra, ông Cường khai nhận nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là năm 2006, vợ ông, bà Lê Thị Ngọc Oanh (SN 1970; trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất L09 tại khu biệt thự Suối Đá thuộc bán đảo Sơn Trà. Đến năm 2015, ông Trần Đình Trung (ngụ quận Sơn Trà) tố cáo lô L09 là của ông Đào Tấn Bằng (em ông Cường - khi đó là Chánh Văn phòng Thành ủy) nhờ bà Oanh đứng tên và đã lấn chiếm lô đất của ông Trung.
Sau khi nhận đơn, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã thanh tra, kiểm tra và kết luận không có sự việc như nội dung tố cáo. Mặc dù đã có kết luận nhưng khi ông Bằng được cân nhắc bổ nhiệm, luân chuyển công tác lại có đơn tố cáo. Ông Cường nghi ngờ chính ông Trần Phước Sơn là người tập hợp đơn thư tố cáo và đề xuất ông Huỳnh Đức Thơ ký văn bản đề nghị thanh tra. Cường đã gặp và trao đổi về lô đất L09 với ông Sơn. Do bức xúc nên ông Cường đã nhắn tin đe dọa ông Thơ và ông Sơn.
Khai trước tòa, Cường tiết lộ lô đất L09 là do cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nhờ gia đình ông ta đứng tên. "Do lúc ấy anh Thanh còn đương chức, việc anh nhờ đứng tên giúp là một hạnh phúc nên tôi và vợ không ngần ngại khi nhận lời" - ông Cường lý giải. Theo ông Cường, thời điểm xảy ra vụ án, gia đình ông đã làm hồ sơ chuyển quyền sử dụng lô đất L09 cho em vợ của ông Nguyễn Bá Thanh.
Xin giảm án cho bị cáo
Được ông Huỳnh Đức Thơ ủy quyền, luật sư Trịnh Thanh Hùng cho rằng từ lúc nhận được tin nhắn, ông Thơ và gia đình rất hoang mang, lo lắng và phải thay đổi lộ trình hằng ngày. Ngoài ra, luật sư Hùng cũng khẳng định ông Thơ không hề biết đến lô L09 và không hề có chỉ đạo kiểm tra hay thanh tra lô đất này. Ông Hùng nói rằng giữa ông Thơ và ông Cường chỉ là mối quan hệ quen biết chứ không thân thiết. Trong khi đó, bị cáo Cường cho rằng từ năm 2006, giữa ông và ông Thơ có quan hệ quen biết nhau, khi ấy ông Thơ đang là Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn.
Dù vậy, cả 3 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo đều cho rằng hành vi nhắn tin như trên chỉ đến mức xử lý hành chính chứ không phải xử lý hình sự. Tuy nhiên, theo đại diện VKS, việc sử dụng lời lẽ nặng nề như: "nợ máu phải trả bằng máu", "còn vợ con mày nữa" khiến cho bị hại rất hoang mang, lo lắng. Cả 2 bị hại và gia đình lo sợ việc tính mạng bị đe dọa. Dù vậy, đại diện hợp pháp cho ông Trần Phước Sơn đã xin HĐXX giảm án cho bị cáo. Vợ ông Huỳnh Đức Thơ cũng bày tỏ mong muốn ông Cường nhận thức được cái sai và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho ông này.
Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Cường gửi lời xin lỗi đến ông Thơ, ông Sơn cùng gia đình 2 người, đồng thời xin HĐXX giảm án để có cơ hội chuộc lỗi.
HĐXX nhận định việc nhắn tin đe dọa lãnh đạo TP Đà Nẵng là có thật, xâm hại đến sức khỏe và tinh thần người bị hại. Chính vì thế, việc truy tố bị cáo với tội danh "Đe dọa giết người" là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật.
Do ông Thơ và ông Sơn đang là người thực thi công vụ nên HĐXX cho rằng cần phải xem xét tới nội dung cản trở người thi hành công vụ. Theo HĐXX, hành vi của bị cáo gây hoang mang, lo lắng, xáo trộn đến cuộc sống người bị hại và gia đình, đồng thời gây ảnh hưởng đến chính trị trên toàn TP. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy bị cáo Cường thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng, phía bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt nên HĐXX quyết định áp dụng 2 biện pháp giảm nhẹ, xử dưới khung hình phạt do VKS đề ra.
Bình luận (0)