xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đòi bảo kê, phá vườn tược

Nhóm phóng viên

Các đối tượng côn đồ ép nông dân nộp tiền “bảo vệ” vườn cây hoặc bán nông sản cho chúng với giá thấp. Nếu chống đối, chúng sẽ hành hung hoặc phá hoại cây trồng

“Hơn 100 cây nho sắp thu hoạch trái bị chặt gốc; 1.000 cây nho rũ cành, héo lá. Chỉ trong 1 ngày, tôi đã bị thiệt hại hơn 400 triệu đồng” - ông Trương Tấn Tâm (khu phố 10, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) nói như mếu khi kể lại sự việc.

Phá hoại vườn cây

Trước đó, sáng 16-9, vợ chồng ông Tâm ra chăm sóc vườn nho đang chuẩn bị thu hoạch thì phát hiện 118 cây bị chặt lìa gốc. Cùng ngày, ông Tâm cho phun thuốc dưỡng quả lên gần 1.000 cây nho còn lại trong vườn thì sáng hôm sau cây có dấu hiệu rũ cành, héo lá, trái teo tóp.

Kiểm tra vườn nho, người làm công cho ông Tâm phát hiện một vỏ chai nhựa màu trắng, nhãn hiệu Cantosin 2,4D (thuốc diệt cỏ) nằm tại đường mương dẫn nước trong vườn. Theo ông Tâm, có thể kẻ xấu đã đổ thuốc diệt cỏ vào hồ nước dùng để pha thuốc bảo vệ thực vật, khi ông sử dụng nước để xịt thuốc dưỡng quả, cây nho ngấm thuốc cỏ, chết nhanh.

“Sáng đó, vợ chồng tôi nhìn thấy trên hàng rào nhà có tờ giấy ghi dòng chữ: “Cảnh cáo mua bán lừa đảo”. Trước đó, 3 con chó giữ vườn nho của tôi và của chủ vườn nho bên cạnh đều bị đánh bả chết” - ông Tâm bức xúc.

 


Vườn nho nhà ông Trương Tấn Tâm (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) bị đầu độc đang héo úa, chết dần.

Ảnh: Lê Trường

Vườn nho nhà ông Trương Tấn Tâm (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) bị đầu độc đang héo úa, chết dần.

Ảnh: Lê Trường

 

Dồn hết vốn liếng, công sức chăm sóc vườn tiêu suốt 3 năm, rạng sáng 1-8, hơn 40 trụ tiêu của gia đình ông Mai Xuân Long (ngụ xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã bị kẻ gian cắt sạch phần ngọn, thiệt hại trực tiếp khoảng 20 triệu đồng (tính theo giá trị kinh tế khi thu hoạch vườn tiêu thì lớn hơn nhiều lần). Đây là lần thứ 3 vườn tiêu của ông Long bị phá. “Trước đó ít ngày, gia đình tôi nhận được điện thoại của người lạ khen vườn tiêu đẹp, nói sẽ bảo vệ với giá “hữu nghị” là 10.000 đồng/trụ/năm tiêu chưa cho thu hoạch, 30.000 đồng/trụ/năm tiêu đang cho thu hoạch. Tôi nghĩ vườn nhà đã có người trông coi nên không đồng ý. Ai ngờ…”.

Nhiều vườn tiêu trong xã Đray Bhăng cũng bị phá tan hoang sau khi chủ từ chối người lạ bảo vệ tiêu. Thậm chí, nhiều hộ dù đã “cắn răng” trả tiền cho bọn bảo kê vẫn bị mất trộm. “Anh trai tôi trả 5 triệu đồng để chúng bảo vệ vườn tiêu nhưng vẫn bị cắt mất hơn 40 trụ tiêu sắp cho thu hoạch” - bà L.M.B (ngụ xã Ea Bhăng) kể.

 

Hàng loạt cây dừa ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh bị phá hoạiẢnh: Ca Linh
Hàng loạt cây dừa ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh bị phá hoạiẢnh: Ca Linh

 

Nhiều tháng qua, 8 hộ dân thuộc các ấp An Định Cầu, An Định Giồng và Tân Định, xã Tân Bình, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh bức xúc vì bị kẻ xấu phá hoại 203 cây dừa đang cho trái nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Khai (ngụ ấp An Định Cầu) cho biết: “Nhà tôi trồng gần 100 cây dừa đang cho trái thì vào khoảng đầu tháng 11-2014 thì tự nhiên bị rụng trái, thúi đọt, héo lá. Chừng 10 ngày sau, 16 cây dừa chết luôn. Tôi kiểm tra thì  phát hiện trên 16 cây dừa chết có lỗ khoan, bên trong có lớp đất. Khi cạy đất ra, từ trong thân dừa chảy ra một chất mủ rất hôi”.

Theo lời kể của anh Trần Mưa Sữa (ấp An Định Giồng), tối 17-11-2014, anh phát hiện N.K.V (ấp An Định Giồng) đội đèn khoan dừa, nhét thuốc vào rồi dùng đất trám lại. “Thấy vậy, tôi liền la lên thì V. bỏ về nhà. Vụ việc có sự chứng kiến của 2 người dân gần đó. Tôi gọi điện báo ngay công an xã nhưng họ chỉ lấy lời khai rồi về mà không tiếp xúc với V.” - anh Sữa trình bày. Khoảng 10 ngày sau, 5 cây dừa nhà anh Sữa bị rụng trái, thúi đọt.

Hù dọa thương lái

Cũng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tại các huyện Krông Năng, Krông Pắk, thời gian qua xảy ra tình trạng nông dân bị ép bán sầu riêng với giá thấp hơn giá thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg.

Anh Đ.V.T (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) cho biết: “Hai ngày trước, trong lúc tôi và một thương lái đang thống nhất mua bán sầu riêng thì có 5-6 thanh niên vào gây sự khiến thương lái không dám mua. Gia đình tôi có hơn 100 gốc sầu riêng, thương lái vào thỏa thuận 30.000/kg nhưng các đối tượng này chỉ mua với giá 25.000 đồng/kg. Tính ra năm nay, tôi thiệt gần 100 triệu đồng”.  Cũng theo anh T., có nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự nhưng không dám lên tiếng vì sợ trả thù. Có người phản ánh lên cơ quan chức năng thì mấy hôm sau, vườn  bị phá hoại.

Là nạn nhân của nhóm đối tượng trên, anh Đặng Văn Hùng (một thương lái quê ở Tiền Giang) kể ngày 8-9, anh đang làm hợp đồng đặt cọc mua sầu riêng thì có 2 thanh niên đến hỏi giá, sau đó 1 thanh niên đấm liên tiếp vào mặt, rút dao rạch một đường ở mặt rồi ra kề dao vào cổ anh hăm dọa. “Bọn chúng nói đây là địa bàn chúng quản lý, tôi không được mua. Sau đó, chúng còn gọi điện yêu cầu nhường 2 hợp đồng mới mua lúc chiều nên tôi đành chấp nhận sang lại hợp đồng” - anh Hùng bức xúc.

Nghiêm trọng hơn, rạng sáng 12-9, hàng chục công nhân của doanh nghiệp thu mua sầu riêng Minh Tâm (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) đang ngủ tại nhà tập thể thì bị một số đối tượng ném bom xăng vào. Ông Lê Minh Tâm (chủ doanh nghiệp) cho biết doanh nghiệp ông từ Tiền Giang mới chuyển lên Đắk Lắk 2 tháng nay để thu mua sầu riêng. Trong suốt thời gian qua, công nhân của doanh nghiệp thường xuyên nhận được những lời hăm dọa từ những người lạ mặt. Trước khi bị ném bom xăng, quản lý doanh nghiệp còn bị một băng giang hồ hăm dọa, bắt phải quay về Tiền Giang. Sự việc này, ông Tâm đã báo công an địa phương nhưng vài ngày sau thì bị ném xăng đốt nhà. “Một số công nhân đã bỏ về vì sợ nguy hiểm đến tính mạng, tôi cũng đang lo lắng vô cùng” - ông Tâm nói.

 

Cơ quan chức năng vào cuộc

Công an tỉnh Đắk Lắk đã có công điện khẩn yêu cầu công an các huyện, thị xã, TP rà soát, nắm bắt vụ việc ép giá, thu tiền “bảo kê”, “xin đểu”, quậy phá, trộm cắp nông sản; tăng cường phối hợp với công an xã, công an viên và quần chúng nhân dân, khi có phản ánh hành vi “bảo kê”, “xin đểu” thì nhanh chóng xác minh, làm rõ. Theo đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, trước đó, công an tỉnh cũng đã chỉ đạo công an 2 huyện Krông Năng và Krông Pắk khẩn trương điều tra, truy tìm các đối tượng đánh thương lái và ném bom xăng vào cơ sở thu mua sầu riêng.

Về việc vườn nho bị phá hoại, đại tá Lê Mai - Phó Công an huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận - cho rằng nhiều khả năng có liên quan đến hiềm khích, tư thù. Hiện Cơ quan CSĐT huyện Ninh Phước đã quyết định khởi tố vụ án.

Riêng vụ hơn 200 cây dừa của 8 hộ dân bị kẻ gian phá hoại ở xã Tân Bình, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, Công an huyện Càng Long đã thụ lý nhưng đến nay vẫn chưa thông báo kết quả về xã.

 

Không lẽ bó tay?

Nạn chặt phá, đầu độc cây ăn trái, hoa màu đang có khuynh hướng rộ lên ở một số tỉnh Tây nguyên, Nam Trung Bộ khiến dư luận cảm thấy bất an.

Những vùng quê vốn yên tĩnh, thanh bình bỗng chốc “dậy sóng” với tình trạng bảo kê… vườn rẫy của các nhóm xã hội đen. Những phận người từ bao năm qua chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để lo toan cuộc sống thì nay phải đối mặt với hành vi côn đồ mang tính phá hoại của những phần tử xấu.

Nạn trộm tiêu, cà phê ở Đắk Lắk, Gia Lai suốt thời gian dài chưa kịp lắng dịu thì mới đây, một số vụ chặt gốc, đầu độc vườn nho bằng thuốc diệt cỏ ở Ninh Thuận càng khiến dư luận phẫn nộ, lên án.

Không lên án sao được khi cuộc sống và thu nhập của nông dân chỉ trông vào hoa lợi vườn tược; thậm chí, đó là cả gia tài mà họ tích cóp từ nhiều năm. Vườn rẫy bị hủy hoại đồng nghĩa với con đường sống của bà con rơi vào bế tắc, khốn cùng.

Đi tìm nguyên nhân của các vụ hủy hoại, chặt phá cây trồng ở nhiều vùng nông thôn, các cơ quan chức năng cho rằng hầu hết xuất phát từ hiềm khích, ganh tị trong cuộc sống…

Nhận định nguyên nhân rõ ràng để khoanh vùng, truy tìm thủ phạm là vậy nhưng đa phần các vụ án “phá hoại tài sản” như trên sau khi bị cơ quan điều tra khởi tố đều bế tắc, dần dần rơi vào quên lãng.

Thực tế, vấn đề trị an ở các vùng nông thôn khá giản đơn bởi đại bộ phận người dân vốn hiền hòa và sống có nghĩa tình. Vậy nên, bất kỳ hành vi nào mang tính côn đồ, có màu sắc xã hội đen đều gây hoang mang, bất ổn cho họ.

Ổn định trật tự trị an nông thôn, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân không phải là vấn đề quá khó. Lẽ nào chính quyền địa phương và các cơ quan hữu trách bó tay trước những hành vi coi thường pháp luật của những phần tử bất hảo để dân lành phải sống trong âu lo?

Lê Trường

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo