Ít ai có thể hình dung ra được hậu quả vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây chiều ngày 3-4 vừa qua lại xuất phát từ việc đốt cỏ khô trên cánh đồng gần đường cao tốc.
Chưa ai cấm đốt đồng gần cao tốc
Ngay cả người thực hiện việc đốt cỏ trên cũng không nghĩ rằng hành động của mình lại gây hậu quả nặng nề đến vậy. Đốt cỏ khô, rơm rạ trên đồng là thói quen của nông dân sau thời điểm thu hoạch vụ mùa.
Người dân đốt đồng gây tai nạn liên hoàn
Việc làm này, không chỉ mới xảy ra hôm qua mà nó diễn ra nhiều năm liền, ở nhiều địa phương, chứ không riêng gì người dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Có lẽ không lường trước hậu quả và cũng không nghĩ hậu quả có thể xảy ra nên chính quyền địa phương không nhắc nhở, cảnh báo.
Việc đốt cỏ khô gây khói mù như trường hợp ở Long Thành (Đồng Nai) có thể được xem là một sự cố ngoài ý muốn. Bởi lẽ, theo thông tin trả lời trên các báo, đại diện của đơn vị khai thác đường cao tốc cho rằng có thể người dân đốt cỏ khô trên đồng gần hành lang bảo vệ đường cao tốc. Sau đó, ngọn lửa cháy lan vào các đám cỏ nằm trong hệ thống hành lang an toàn, gặp gió nên cháy nhanh hơn và khói bốc cao, gây mù trên đường cao tốc. Rất tiếc là khi xảy ra sự cố, đơn vị khai thác không phát hiện sớm để có phương án chữa cháy tại chỗ và thông báo cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy hỗ trợ kịp thời.
Việc người dân đốt cỏ khô, rơm rạ trên đồng gây khói mù, hiện nay qua rà soát các văn bản pháp luật, không thấy có quy định nào xử phạt.
Cần bổ sung chế tài để tránh hậu quả
Từ vụ việc xảy ra trên cao tốc TP HCM - Long Thành – Dầu Giây, chính phủ cần nghiên cứu, đưa vào quy định chế tài đối với các hành vi tương tự. Bởi lẽ, hiện nay nước ta đang triển khai rất nhiều đường cao tốc từ Bắc đến Nam.
Hầu hết đường cao tốc đều đi qua các khu vực đồng ruộng. Ở phía nam, hiện nay cao tốc TP HCM - Long Thành – Dầu Giây, TP HCM –Trung Lương, sắp tới là Bến Lức – Long Thành và Trung Lương - Mỹ Thuận và nhiều đường cao tốc khác dự kiến sẽ được triển khai, đều đi qua khu vực đồng ruộng. Nếu cơ quan có thẩm quyền không sớm có quy định để hạn chế, chế tài thì sẽ còn tình trạng như vụ việc vừa xảy ra ở cao tốc TP HCM - Long Thành – Dầu Giây.
Việc người dân đốt cỏ khô, rơm rạ trên đồng sau thu hoạch, chính quyền không thể cấm nhưng cần có một quy định để không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông của các phương tiện lưu thông trên cao tốc.
Luật chưa chế tài người dân đốt đồng
Theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần quy định khi đốt cỏ khô, rơm rạ người dân cần thông báo cho chính quyền địa phương và đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc biết thời gian thực hiện để phối hợp trong việc xử lý tình huống cháy lan hoặc đám cháy lớn, gây khói mù, ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên cao tốc. Đồng thời, vị trí đốt cỏ khô, rơm rạ cần phải cách hàng lang an toàn đường cao tốc ít nhất là 100 mét.
Sự cố đường cao tốc, ai bồi thường?
Việc cơ quan có thẩm quyền tìm ra ai là người đốt cỏ khô, có lẽ không quá khó. Tuy nhiên, để quy lỗi cho họ thì không đơn giản nếu việc đốt cỏ khô của họ nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường cao tốc.
Theo Điều 2 Nghị định số 100/2013 (sửa đổi Điều 15 Nghị định số 11/2010) quy định về giới hạn hành lang an toàn đường bộ đối với đường cao tốc: Hành lang an toàn 17m, tính từ đất của đường bộ ra mỗi bên; hành lang an toàn 20m, tính từ mép ngoài của kết cấu ngoài cùng ra mỗi bên đối với cầu cạn và hầm. Nếu người dân đốt cỏ khô ngoài phạm vị này, thì rất khó quy trách nhiệm để buộc họ bồi thường thiệt hại. Họ chỉ chịu trách nhiệm khi cố tình đốt cỏ khô trong phạm vi giới hạn hành lang an toàn đường bộ nêu trên.
Đối với đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc, trách nhiệm của họ được quy định tại Thông tư 90/2014/TT-BGTVT. Theo đó, đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc "thực hiện việc tuần tra trên đường cao tốc theo quy định; thực hiện, phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng và đảm bảo ATGT trên đường cao tốc."
Đối với trách nhiệm của nhân viên tuần đường cũng có quy định: "Phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến ATGT, các vi phạm quy định về ATGT các tai nạn, sự cố giao thông phải báo cáo kịp thời."
Theo thông tin từ đơn vị quản lý đường cao tốc trả lời báo chí, cho biết khi phát hiện có khói thì đơn vị này đã thông báo đến các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc thông qua bảng điện tử.
Do vậy, để xác định đơn vị khai thác đường cao tốc có lỗi không thì cần phải chờ kết quả điều tra, xác minh của cơ quan công an. Nếu kết quả xác định, đơn vị này chậm thông tin dẫn đến xảy ra tai nạn thì phải bồi thường thiệt hại cho các chủ phương tiện bị thiệt hại.
Đốt đồng gây tai nạn: Lỗi hỗn hợp
Trả lời Báo Người Lao Động, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Công ty Luật Hợp danh Nghiêm & Chính, Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng những trường hợp đốt đồng gây tai nạn như vừa rồi là lỗi hỗn hợp từ nhiều phía.
Người dân đốt đồng có lỗi là tạo ra đám cháy gây khói đến mức mất kiểm soát và dưới tác động của gió làm cho khói mù uy hiếp an toàn giao thông trên đường cao tốc.
Người điều khiển phương tiện giao thông cũng có lỗi vì có thể phát hiện khói từ xa nhưng không chọn giải pháp báo hiệu cho các phương tiện phía sau và dừng khẩn cấp để đảm bảo an toàn.
Và trong trường hợp để khói mù mịt hạn chế tầm nhìn của người lái xe mà ban quản lý đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây không có biện pháp ngay lập tức cảnh báo, ngăn chặn dẫn đến người điều khiển phương tiện gặp tình huống bất trắc như kể trên cũng có lỗi.
Vì thế, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng cả ba chủ thể trên phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại mà mình gây ra.
Phạm Dũng ghi
Bình luận (0)