Tuy nhiên, với các sai phạm xảy ra ngày càng nhiều, đã thể hiện sự lộng hành, ngang tàng, không tuân theo lề lối, phép tắc, vi phạm các quy định của pháp luật từ dân sự, hành chính đến hình sự thì "vòi bạch tuộc Alibaba" đã vươn ra trên diện khá rộng.
Liều thuốc nào cho Alibaba
Những hành vi không tuân thủ quy định pháp luật, thể hiện thái độ "coi trời bằng vung" mà một bộ phận nhân viên của Công ty Địa ốc Alibaba, đặc biệt là Chủ tịch HĐQT Địa ốc Alibaba – ông Nguyễn Thái Luyện đã có những lời lẽ miệt thị công an, chủ tịch xã. Những lời khiếm nhã này đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, gây ra những hệ lụy xấu không chỉ đối với các cá nhân bị xâm phạm mà còn đối với tình hình xã hội trong thực tế.
Đứng trước sự việc này, đã có rất nhiều đơn thư tố cáo đối với hành vi của ông Luyện. Cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc để xem xét, trong đó có Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Cơ quan này cho biết đã gửi giấy mời ông Luyện lên làm việc để làm rõ những phát ngôn của ông chủ tịch này trên trên mạng xã hội.
Nội dung giấy mời yêu cầu ông Luyện có mặt tại Phòng Thanh tra Sở tại số 198, đường Bạch Đằng, TP Bà Rịa vào lúc 9 giờ ngày 26-7.2019. Tuy nhiên, ông Luyện không chịu hợp tác, không tham gia cuộc họp.
Cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xem xét trách nhiệm hình sự nhưng vì chưa có cơ sở nên mới dừng lại ở mức độ xử phạt vi phạm theo quy định hành chính.
Cụ thể, hành vi của ông Luyện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân, quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-1-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Như vậy, có hai vấn đề được đặt ra ở đây, thứ nhất là nếu ông Luyện không chịu thực hiện chế tài xử phạt hành chính, cụ thể là đóng tiền phạt cho cơ quan có thẩm quyền thì có biện pháp nào để xem xét xử lý ông chủ tịch này hay không?
Căn cứ và các quy định của pháp luật hiện hành, nếu ông Luyện không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Các biện pháp cưỡng chế có thể áp dụng đối với cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá...
Công an cần làm rõ nhiều vấn đề
Nếu không đủ cơ sở xử lý hình sự mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính thì liệu rằng chế tài hành chính có đủ sức để răn đe đối với ông Luyện và những cá nhân, tổ chức khác đối với những sự vụ tương tự hay không?
Căn cứ vào tình hình thực tế trong thời gian gần đây, kết hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Có thể xác định tương ứng với từng hành vi và hậu quả từ các hành vi mà ông Luyện đã thực hiện thì có thể sẽ chịu khá nhiều trách nhiệm pháp lý khác nhau, việc chịu trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc bị phạt tiền theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bởi lẽ, cơ quan công an mới chỉ xem xét trong phạm vi Đơn tố cáo, kiến nghị của các cá nhân, và thực tế nếu chỉ đánh giá dựa trên các cơ sở này thì hành vi của ông Luyện chưa đủ yếu tố để có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thiệt hại, hậu quả do hành vi của ông Luyện đã gây ra.
Ở đây, việc áp dụng chế tài hành chính như Thanh tra Sở đưa ra cũng có ý nghĩa nhất định, có giá trị răn đe ở mức độ nào đó vì số tiền phạt cũng khá cao. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì biện pháp này còn nhiều điều hạn chế.
Theo đó, đây là vụ việc có tính chất không đơn giản, do vậy để bảo đảm quyền lợi của mình, các cá nhân bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín có quyền tiếp tục kiến nghị, tố cáo hành vi của ông Luyện với cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan xem xét.
Và tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà ông Luyện đã gây ra, ông Luyện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội "Vu khống" theo quy định tại Điều 156 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Hoặc nếu không thuộc trường hợp này thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 BLHS.
Như vậy, vấn đề được đặt ra ở đây là ngoài những đơn thư khiếu nại, tố cáo của cá nhân thì đòi hỏi Cơ quan điều tra cần vào cuộc và xem xét vấn đề theo một cách toàn diện, đánh giá một chuỗi các hành vi mà thời gian qua Công ty Địa ốc Alibaba, ông Luyện và đội ngũ nhân viên đã thực hiện. Mục địch nhằm thu thập, đánh giá cơ sở khách quan để chứng minh được hành vi của ông Luyện và các cá nhân liên quan có đủ yếu tố để bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Bởi lẽ, đây là vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp và hậu quả gây ra trong thời gian qua cũng khá nghiêm trọng. Hơn nữa, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và tăng sức răn đe đối với các chủ thể khác thì việc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết nhưng chưa đủ.
Do vậy, Cơ quan công an cần xem xét, đánh giá toàn diện là điều thật sự cần thiết, nếu không cứ để tình trạng "lộng hành" như hiện nay thì sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu về sau, không chỉ đối với bản thân một cá nhân, tổ chức mà xa hơn là việc quản lý nhà nước, sự ổn định về chính trị, xã hội.
Bình luận (0)