xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dương Chí Dũng chối phứt việc nhận 10 tỉ đồng tham ô

Nguyễn Quyết

(NLĐO)- Tại tòa chiều 12-12, dù thuộc cấp khai rành rọt “quy trình” của hơn 1,67 triệu USD (tương đương 28 tỉ đồng) tiền tham ô đã được chia chác tới tận tay các bị cáo thế nào song Dương Chí Dũng vẫn chối phứt việc đã nhận 10 tỉ đồng để rồi mua nhà cho “bồ nhí”.

img
Quang cảnh sáng 12-12 trước TAND TP Hà Nội, nơi diễn ra phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm - Ảnh: Nguyễn Quyết

Sáng nay 12-12, Toà án nhân dân (TAND) TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm tại trụ sở TAND TP Hà Nội.
 
Hội đồng xét xử gồm: chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh, thẩm phán Đào Vĩnh Tường - Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội và 3 hội thẩm nhân dân. Kiểm sát viên là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Trương Tuấn Hưng.
 
Đại diện nguyên đơn dân sự, là ông Lê Trường Thanh, Phó Tổng Giám đốc Vinalines, được uỷ quyền của Tổng giám đốc.
 
Được biết, tại phiên xét xử này sẽ có 12 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi của các bên, trong đó có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng gồm luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và 1 luật sư khác cùng ở Đoàn luật sư Hà Nội.
 
Gia đình bị cáo Trần Hữu Chiều không mời luật sư song do bị cáo này bị truy tố ở khung Tử hình nên toà đã chỉ định luật sư Nguyễn Đình Huệ bào chữa cho bị cáo này.

img
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Dương Chí Dũng vào phòng xét xử -Ảnh: TTXVN

img
Bị cáo Dương Chí Dũng (áo sơ-mi trắng ở giữa) và 9 bị cáo đồng phạm đứng trước vành móng ngựa - Ảnh: TTXVN

img
Hội đồng xét xử - Ảnh: TTXVN

Sáng nay 12-12, trong khi hầu hết các bị cáo trong đại án tham nhũng xảy ra tại Vinalines ra toà trong trang phục công nhân màu xanh nước biển thì duy nhất bị cáo Dương Chí Dũng vận áo sơ-mi trắng, áo khoác ngoài.
 
Trong phần kiểm tra căn cước vào đầu buổi sáng, một số bị cáo đã phải xin cho vợ vào tham gia phiên toà. 
 
Nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo khoản 4, điều 278 Bộ Luật Hình sự (có khung hình phạt từ 20 năm tù tới tử hình) và “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, điều 165 Bộ Luật Hình sự (có khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù) gồm: Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Bộ Giao thông Vận tải (GTVT); Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT; Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines.

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Mai Văn Khang, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin thuộc Vinalines; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines; Lê Văn Dương, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa; Lê Văn Lừng, cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong và Lê Ngọc Triện, nguyên Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong - Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa.
 
img
Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm ra toà hôm nay 12-12
 
Một số luật sư đã đề nghị sự có mặt của giám định viên các cơ quan giám định. HĐXX cho biết sẽ xem xét nếu trong quá trình xét xử thấy cần thiết.
 
Đến 9 giờ 10 phút, toà kết thúc phần kiểm tra căn cước. Đại diện viện kiểm sát công bố bảng cáo trạng.

Đến 11 giờ 35 phút ngày 12-12, sau khi đại diện VKSND TP Hà Nội công bố bản cáo trạng, HĐXX bắt đầu bước vào phần xét hỏi.

HĐXX bắt đầu với bị cáo Dương Chí Dũng. Bị cáo khai chủ trương xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển có từ năm 2006 khi bị cáo còn là Tổng Giám đốc của Vinalines do Hội đồng quản trị đề xuất, xuất phát từ nhu cầu của Tổng Công ty.

Sau khi lên làm Chủ tịch HĐQT của Vinalines, được sự thống nhất của HĐQT Vinalines, dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam đã được xây dựng với 80% số vốn là của Vinalines. Số vốn này được vay và sẽ được trả bằng cách huy động vốn từ bên ngoài thông qua việc bán cổ phần.

Nói về nhận thức trong dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu này, theo nguyên tắc, Vinalines phải báo cáo lên Bộ chủ quản và phải được sự đồng ý của Thủ tướng mới được làm nhưng các bị cáo đã không làm đúng theo quy trình. Trước vành móng ngựa, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới nhận thức được việc làm của mình là sai, còn trước đây thì không hiểu như vậy.

Chủ tọa hỏi: “Bị cáo có chỉ đạo, định hướng gì trong vụ mua ụ nổi No 83M?” Dương Chí Dũng cho biết, hạng mục ụ nổi No 83M thấy cần thiết cho nhà máy nên phải mua. Bị cáo không chỉ đạo, không định hướng gì mà giao cho Tổng Giám đốc thực hiện.

Dương Chí Dũng khai đã nhận tờ trình do Tổng Giám đốc Vinalines khi đó là Mai Văn Phúc làm. 

Theo bị cáo Dũng, trước khi đoàn khảo sát sang Nga có sang chào bị cáo. Tại phòng làm việc của mình, bị cáo chỉ nói: “Chúc anh em đi mạnh khỏe, may mắn!”. Và sau khi đoàn khảo sát từ Nga về cũng qua phòng của bị cáo Dương Chí Dũng để chào và có quà biếu là một chai rượu.

Bị cáo Dũng khai người trực tiếp báo cáo là bị cáo Trần Hữu Chiều có nói ụ nổi đó chỉ hỏng ít và có thể sửa chữa để phù hợp với yêu cầu của Cục Đăng kiểm chứ không có bất cứ báo cáo nào riêng. Ngoài bị cáo Chiều, còn một người nữa nhưng bị cáo Dũng không nhớ. “Không có bất cứ một cái gì báo cáo riêng với Chủ tịch HĐQT, tất cả thông qua tờ trình của Tổng Giám đốc” - bị cáo Dũng khẳng định.

Khi được hỏi tại sao các bị cáo lại quyết định mua ụ nổi ở Nga, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết: Thông qua việc Vinashin mua 2 ụ nổi của Nga trước đó và trên đường dẫn về Việt Nam đã bị chìm cả nên Vinalines mới biết và sang mua.

Bị cáo Dũng “đẩy bóng” sang thuộc cấp của mình là nguyên Tổng Giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc. “Tất cả đều do Tổng Giám đốc Vinalines điều hành, tôi không được báo cáo gì. Tôi và anh Phúc mối quan hệ cá nhân không tốt nên không can thiệp vào việc của anh em” - bị cáo Dũng khẳng định.

Đúng 12 giờ kém 5, phiên xét xử Dương Chí Dũng cùng 9 đồng phạm đã tạm nghỉ. Đến 13 giờ 30 chiều nay, phiên xét xử tiếp tục.

Chiều 12-12, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo. Liên quan đến vụ mua ụ nổi sản xuất từ năm 1965 và đã ngừng hoạt động vào năm 2006, bị cáo Dương Chí Dũng khai nhận trong quá trình mua thiết bị này, Vinalines đã 2 lần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Lần thứ nhất là khi chi phí di chuyển ụ nổi phát sinh do không chọn phương án lai dắt về Việt Nam mà sử dụng phương pháp chở về bằng một phương tiện khác. Lần phát sinh này đã đưa mức chi phí lên con số 19,5 triệu USD.

Khi được chủ tọa hỏi về lý do tại sao không lai dắt thiết bị  từ bên Nga về Việt Nam, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết nguyên nhân không lai dắt trực tiếp là do thời tiết xấu và mặt biển bị đóng băng ở nhiều điểm. Thêm nữa, việc 2 ụ nổi của Vinashin được lai dắt về Việt Nam trước đó đã bị chìm khiến HĐQT của Vinalines quyết định chọn phương án an toàn hơn nhưng cũng tốn kém hơn.

Trước câu hỏi của chủ tọa về việc Vinalines chọn phương án chở về bằng một phương tiện khác chứ không phải lai dắt do ụ nổi không còn khả năng hoạt động, bị cáo Dương Chí Dũng trả lời là không biết.

Bị cáo Dũng nói: “Tôi hơi quan liêu” khi không vào  xem trực tiếp ụ nổi. Và theo bị cáo này, trong quá trình sửa chữa, chi phí phát sinh thêm 7 triệu USD nữa.

Nói về việc bỏ trốn, bị cáo Dũng trình bày: khi Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, sau lần bị công an triệu tập hỏi về sự việc, bị cáo vẫn chưa biết bản thân bị khởi tố. Chiều tối 17-5-2012, nghe được thông tin đó, bị cáo “hoảng quá” nên bỏ trốn, chỉ nghĩ cố đi càng xa càng tốt.

“Tất cả rối bời, tôi không tự chủ được, cứ thế là đi thôi. Giờ bình tĩnh lại, tôi hiểu cái sai nọ nối cái sai kia. Tôi nghĩ chạy sang Campuchia rồi từ đó đi Mỹ nhưng vì visa của tôi cơ quan quản lý nên khi mua vé từ Campuchia đi Mỹ, qua đến New York thì bị trả lại theo đúng chiều vé khứ hồi, không cho nhập cảnh”.

img
Dương Chí Dũng (giữa) tỏ ra hối hận về việc đã bỏ trốn khi hay tin bị khởi tố - Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, trong phiên tòa hôm nay, bị cáo Dũng cũng thể hiện nhiều trạng thái tâm lý khác nhau. Sáng nay, bị cáo thừa nhận có mâu thuẫn cá nhân với bị cáo Phúc. Đến chiều, trong phần trình bày của mình, bị cáo Phúc quay sang bị cáo Dũng phân bua về việc mâu thuẫn của cả hai thì bị cáo Dũng nhìn thông cảm, gật đầu đồng ý.

Đến khi bị cáo Lê Ngọc Triện, cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong lên khai nhận trông vẻ đáng thương, tội nghiệp, bị cáo Dũng đã rơi nước mắt. Người đứng đầu Vinalines một thời rơi nước mắt rất lâu khi ngồi trước vành móng ngựa.

Trong chiều nay, HĐXX đã xét hỏi toàn bộ các bị cáo trong nội dung Cố ý làm trái trong việc mua ụ nổi No. 83M.

Các bị cáo vẫn quanh co chối tội, đổ lỗi cho thuộc cấp. Bị cáo Mai Thanh Phúc khai có ký các tờ trình liên quan đến việc khảo sát, mua ụ nổi lên Chủ tịch HĐQT song hoàn toàn trên cơ sở các cơ quan tham mưu. “Khi trình lên đến tôi đã có hàng chục chữ ký, trong đó có của anh Triều, người trực tiếp chịu trách nhiệm về dự án” - bị cáo này nói.

Tuy nhiên, bị cáo này cũng nhận chưa nhìn thấy bộ hồ sơ đầy đủ của ụ nổi, chỉ căn cứ vào báo cáo của bị cáo Triều, đến khi bị bắt mới xác định được trách nhiệm của mình.

Ngược lại, bị cáo Trần Hữu Chiều cho biết không có ai chỉ đạo việc phải mua ụ nổi No 83M. Song vị chủ tọa công bố lời khai của bị cáo này tại cơ quan điều tra: “Trước khi đi 1 tuần, Phúc chỉ đạo làm sao phải mua được ụ nổi này và mua qua AP. Tôi nói lại, ở Nga tình hình đang phức tạp, mua qua AP cho an toàn”.

Bị cáo Mai Văn Khang thì phủ nhận vai trò của mình, chỉ nhận là “phiên dịch” cho đoàn khảo sát. Tuy nhiên, bị cáo Trần Hải Sơn đã tố lại: “Anh Khang là phó ban quản lý dự án, tham gia đoàn với tính chất là khảo sát mảng kỹ thuật chứ không phải là phiên dịch viên”. Bị cáo Trần Hải Sơn khai nhận đã nhận được chỉ đạo của Dũng và Phúc là cố gắng mua được ụ nổi về Việt Nam. Song không chỉ đạo nhất định phải mua với giá nào và qua AP. Các bị cáo còn lại khai chỉ làm theo chỉ đạo cấp trên.

Riêng 3 bị cáo là lãnh đạo, cán bộ của Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa là: Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng thì đều xin được khai lại tại tòa, cho rằng tất cả mọi hành vi của mình đều đúng quy định của pháp luật khi cho thông quan ụ nổi No. 83M.

Liên quan đến truy tố của VKSND Tối cao đối với hành vi tham ô gần 1,67 triệu USD (tương đương 28 tỉ đồng) của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, chiều 12-12, đứng trước vành móng ngựa bị cáo Trần Hải Sơn đã khai rành rọt quy trình luân chuyển đồng tiền này đến từng đồng phạm.

 

Bị cáo Trần Hải Sơn tái khẳng định lời khai trong cáo trạng. Theo lý giải của Sơn, sở dĩ mình được Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc “chọn mặt gửi vàng” trong việc nhận tiền “lại quả” là vì ngoài việc được lãnh đạo tin tưởng, thì đơn vị của Sơn sẽ sử dụng ụ nổi sau khi đưa về Việt Nam. “Tình trạng ụ nổi như thế nào sau này, Sơn buộc phải gánh chịu” - Sơn thành khẩn.

 

Sơn cho biết, đã đưa số tiền 10 tỉ đồng cho Dương Chí Dũng làm 2 đợt; đưa 10 tỉ đồng cho Mai Văn Phúc làm 3 đợt và “bồi dưỡng” Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng.

 

Sau khi nghe ông Goh Hoon Seow – Giám đốc Công ty AP – Singapore nói, Sơn chuẩn bị tiếp nhận số “tiền lại” lại quả 1,67 triệu USD, Sơn đã kiểm tra lại thông tin từ Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng và Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc và đã được xác nhận. Số tiền đó được chia theo chỉ đạo của Dương Chí Dũng là “Chia theo tỉ lệ 10 tỉ đồng cho anh, 10 tỉ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”.

 

Khi chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề, trong chỉ đạo của Dương Chí Dũng về việc “chia chác” không có tên Trần Hữu Chiều, nhưng tại sao bị cáo Sơn vẫn chuyển cho anh ta 340 triệu đồng. Giải thích vấn đề này, bị cáo Sơn cho biết: “Do bị cáo Chiều là người giúp đỡ rất nhiều trong công việc của dự án”.

 

Đối chất lời khai của bị cáo Sơn tại phiên tòa, Dương Chí Dũng nói rằng: “Lời khai của Sơn không có chỗ nào đúng”. Theo bị cáo Dũng, Sơn chưa từng đưa tiền cho bị cáo. Dương Chí Dũng cho biết, kể từ khi làm Tổng Giám đốc Vinalines từ năm 2005 đến nay, Sơn chỉ thường đến nhà Dương Chí Dũng ở Hải Phòng vào những dịp Tết tặng quà. “Có khi thì một chai rượu, một cái phong bì vài triệu bạc” - bị cáo Dũng nói.

 

Bị cáo Dũng phủ nhận việc giao dịch 5 tỉ đồng tiền mặt tại khách sạn Victory ở TP HCM. Những lần công tác ở TP HCM, chỉ có duy nhất một lần Sơn gọi điện và hẹn gặp Dũng đồng thời đưa một valy rượu. “Nếu có những khoản chia chác như vậy, người đầu tiên bị cáo nhớ đến là Chiều và Loan – kế toán. Còn lâu mới đến lượt Sơn” - bị cáo Dũng biện minh. Dương Chí Dũng cũng phủ nhận việc liên hệ với ông Goh trong thương vụ ụ nổi vì “người đứng đầu không phải có toàn quyền quyết định”.

 

Nói về lời khai tại cơ quan điều tra về quyết định của Dương Chí Dũng yêu cầu số tiền 1,67 triệu USD, Dương Chí Dũng phân bua, cơ quan điều tra hiểu sai lời khai của bị cáo. “Bị cáo nói để thương vụ 83M thành công thì Công ty AP phải giảm giá cho Vinalines. Và số tiền này sẽ được chuyển về cho Tổng Công ty trước khi thỏa thuận hợp đồng” - bị cáo Dũng nói.

 

Liên quan đến số tiền tham nhũng 10 tỉ đồng được Dương Chí Dũng mua hai căn hộ ở tòa nhà Skycity ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội và căn hộ ở tòa nhà Pacific ở đường Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm Hà Nội cho “bồ nhí” là bà P. Dương Chí Dũng nói rằng, số tiền mua hai căn hộ này là Dũng lấy của vợ. Và vợ Dương Chí Dũng hoàn toàn không biết việc Dũng lấy tiền để mua nhà cho “bồ”.

 

Dũng nói rằng, mình mua hai căn hộ một để cho P ở, một để kinh doanh. Theo lời khai của Dũng thì sau này, hai căn hộ cũng sẽ được Dũng bàn giao cho “bồ nhí”.

 

Bị thẩm phán vặn lại, tại sao trong lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra liên quan đến số tiền mua hai căn hộ này lại được nói là từ tiền do bị cáo kinh doanh? Dương Chí Dũng biện minh: “Lúc đó, tại cơ quan điều tra khai về số tiền này lấy tiền của vợ để mua cho bồ thì xấu hổ”.

 
Trước đó, theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, trong thời gian Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007 đến hết 2008, Vinalines đã tổ chức khảo sát, thương thảo và quyết định phương án mua, ký hợp đồng thanh toán tiền nhập khẩu ụ nổi No. 83M - một hạng mục của dự án nhà máy sửa chữa tàu thủy phía Nam - với Công ty AP (Singapore).
 
Trước khi mua ụ nổi No. 83M, Vinalines đã thành lập đoàn giám sát sang Nga giám định tình trạng kỹ thuật và hồ sơ pháp lý của ụ nổi No. 83M. Tại Nga, đoàn giám sát biết ụ nổi No. 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản bị hư hỏng nặng, không có hoạt động từ năm 2006. Chủ sở hữu là Công ty Nakhodka (Nga, không phải Công ty AP như thông tin ban đầu) ra giá bán ụ nổi 5 triệu USD. Về nước, đoàn giám sát đã có báo cáo với ông Dũng và Mai Văn Phúc. Tuy nhiên, Dũng và Phúc chỉ đạo phải lập báo cáo kết quả khảo sát sao cho đủ điều kiện để mua được ụ nổi No. 83M qua Công ty AP môi giới.
 
Ngày 6-6-2008, ụ nổi No. 83M được đưa về Việt Nam và làm thủ tục nhập khẩu qua Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và được các cán bộ cho “lọt” dù không đủ điều kiện. Đến thủ tục thanh toán hợp đồng, với tư cách là kế toán trưởng của Vinalines, bà Loan lại làm ngơ cho sai phạm này.
 
Ụ nổi hiện nay là đống thép rỉ, không sử dụng được vào việc gì, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
Cơ quan tố tụng xác định các việc làm trên là trái quy định, gây thiệt hại trên 366 tỉ đồng.
 
Trong vụ án này, Dương Chí Dũng được xác định giữ vai trò chủ mưu, đã ký quyết định phê duyệt chủ trương, phê duyệt đầu tư dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại cho nhà nước. Cáo trạng xác định Dương Chí Dũng và các bị can phải liên đới bồi thường thiệt hại gần 339 tỉ đồng.
 
Trong vụ này, Dương Chí Dũng đã cùng Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn tham ô hơn 28 tỉ đồng. Cụ thể, Dương Chí Dũng tham ô 10 tỉ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn gần 8 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng. 
 
Dương Chí Dũng đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,66 triệu USD. Dũng ký quyết định phê duyệt, chấp thuận giá mua ụ nổi là 9 triệu USD để Mai Văn Phúc đại diện Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi giá 9 triệu USD. Sau khi nhận tiền, Công ty AP đã chuyển lại số tiền 1,66 triệu USD từ số tiền 9 triệu USD trên để các bị cáo chia chác.
 
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định Bộ GTVT là cơ quan quản lý ngành có chức năng tham gia cùng các cơ quan khác thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines trong quá trình phê duyệt thực hiện dự án. Trong một thời gian dài, Bộ GTVT đã không cập nhật, kiểm tra, giám sát, để Vinalines xảy ra nhiều sai phạm gây thiệt hại rất lớn nên phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý nghiêm các cán bộ liên quan.


Điều 278. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
 


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo