Dương Chí Dũng diện sơ mi trắng (ngồi hàng đầu) trong khi Mai Văn Phúc mặc "đồng phục" màu xanh (ngôi hàng đầu) như các bị cáo khác tại tòa phúc thẩm. Ảnh chụp qua màn hình
Luật sư Trần Đình Triển đề nghị hoãn phiên tòa
Trong phiên toà sáng nay, các luật sư của bị cáo Dương Chí Dũng đồng loạt đề nghị triệu tập các nhân chứng liên quan đến vụ tham ô tài sản như: ông Goh Hoon Seow - Giám đốc Công ty AP, đơn vị môi giới bán ụ nổi 83M; đại diện Công ty Nga nơi bán ụ nổi; và lái xe của bị cáo Trần Hải Sơn đã đón Dũng tại khách sạn Victory (tại TP HCM).
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định phiên toà sẽ tiếp tục. Tòa sẽ xem xét yêu cầu của luật sư về việc triệu tập nhân chứng (trong đó có người ở Liên bang Nga) được cho là có thể biết về tỷ lệ ăn chia cụ thể trong số tiền hơn 1,66 triệu USD liên quan trong vụ án. Đối với nhân chứng là lái xe của bị cáo Sơn, bị cáo này đã có lời khai trong quá trình điều tra.
Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Dũng cho biết chuyến đi Singapore của ông đã thu thập được nhiều tài liệu có liên quan đến khoản tiền “lại quả” 1,66 triệu USD.
Theo luật sư này, trong tập tài liệu có lời tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow, đại diện công ty môi giới, thể hiện không có sự thỏa thuận nào giữa ông ta và Dương Chí Dũng về khoản tiền “lại quả” cùng nhiều tài liệu khác được công chứng.
Cũng theo ông Triển, các tài liệu nói trên rất quan trọng có thể tạo ra những tình tiết mới nhưng thời gian rất gấp nên đề nghị hoãn phiên tòa để các luật sư đồng nghiệp cũng như HĐXX có thời gian nghiên cứu.
Trong phần xét hỏi buổi sáng hôm nay, bị cáo Dương Chí Dũng tiếp tục kêu oan tội tham ô tài sản, đề nghị xem xét lại hình phạt tội cố ý làm trái. Bị cáo sẵn sàng bán hết tài sản để nộp tiền khắc phục hậu quả song khẳng định, đây không phải là nộp lại tiền tham ô.
Bị cáo tiếp tục phủ nhận việc nhận tiền "lại quả" từ Trần Hải Sơn ở khách sạn Victory (tại TP HCM) mà bình thường Sơn chỉ đến thăm, có chai rượu, túi hoa quả biếu vào dịp lễ, tết.
Theo lời khai của Sơn, việc đưa hối lộ diễn ra vào thời gian 17 giờ 30 chiều một ngày tại khách sạn Victory song bị cáo Dũng cho hay Sơn khai liên lạc lúc 16 giờ thì Dũng đang trên máy bay vì chuyến bay buổi sáng bị hoãn và phải 18 - 19 giờ mới về đến khách sạn.
Ngược lại, gần trưa cùng ngày, khi được thẩm vấn, Trần Hải Sơn vẫn khẳng định lại lời khai về việc được Dũng chỉ đạo ăn chia tiền. Sơn bảo lưu các thông tin về việc đưa tiền cho Dũng, Sơn như lời khai tại cơ quan điều tra, phiên tòa sơ thẩm.
Tương tự bị cáo Dũng, bị cáo Mai Văn Phúc cho rằng bị cáo không biết gì mọi việc cho đến khi bị bắt, được cơ quan điều tra thông báo. Bị cáo khẳng định không quen biết, không tiếp xúc lần nào với giám đốc công ty AP Goh Hoon Seow.
Trước đó, Sáng nay 22-4, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Từ sáng sớm, một số người dân đã kéo về trước cổng tòa để nghe ngóng, theo dõi phiên xét xử. An ninh phiên toà cũng được siết chặt. Chỉ những người có giấy mời, giấy triệu tập mới được tham dự. Trong lần xét xử phúc thẩm này, chỉ có hơn 20 phóng viên của các cơ quan báo chí được tham dự. Các phóng viên này được tác nghiệp trong một phòng bên cạnh phòng xử án.
Từ 7 giờ sáng, các bị cáo Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn và bị án Bùi Thị Bích Loan được đưa đến toà. Phải đến 8 giờ thì bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (2 bị cáo bị tuyên tử hình trong phiên sơ thẩm) mới được đưa đến.
Ra toà hôm nay, hầu hết các bị cáo đều mặc trang phục màu xanh công nhân. Duy nhất bị cáo Dương Chí Dũng vận sơ mi trắng, quần sẫm mầu. Bước vào trong phòng xử án, Dương Chí Dũng tỏ ra điềm đạm, mỉm cười gật đầu chào những người xung quanh.
Trước phiên toà phúc thẩm tại Hà Nội, TAND tỉnh Khánh Hòa đã hoãn xử sơ thẩm vụ Tham ô tài sản tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines (đơn vị thành viên của Vinalines) dự kiến diễn ra vào ngày hôm qua (21-4). Trong số các bị cáo bị truy tố ở phiên tòa sơ thẩm này có Trần Hải Sơn. Vì bị cáo Sơn phải tham gia tố tụng trong phiên tòa phúc thẩm tại Hà Nội vào ngày 22-4 nên cơ quan chức năng không di lý bị cáo này vào Khánh Hòa để tiến hành phiên xử vào ngày 21-4.
Từ 8 giờ 30, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn tuyên bố khai mạc phiên tòa phúc thẩm xử vụ vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Vinalines.
Phiên xét xử dự kiến kéo dài 3 ngày do thẩm phán Nguyễn Văn Sơn làm chủ tọa phiên tòa. Có tất cả 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó 3 luật sư Trần Đình Triển, Ngô Ngọc Thủy và Trần Đại Thắng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) sẽ bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi No. 83M với Công ty AP-Singapore, Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại…
Kết quả là ụ nổi No. 83M cũ nát, hư hỏng nặng, đưa về Việt Nam phải mất thời gian dài sửa chữa song vẫn không thể dùng được vào việc gì. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 367 tỉ đồng.
Về hành vi Tham ô, trong vụ mua bán này, sau khi thanh toán 9 triệu USD cho Công ty AP, Dũng, Phúc, Sơn và Chiều đã tham ô hơn 28 tỉ đồng là số tiền thanh toán mua ụ nổi 83M được Công ty AP chuyển lại Việt Nam. Cụ thể, Sơn đã nhận tiền “lại quả” 28 tỉ đồng rồi chuyển Dũng 10 tỉ, Phúc 10 tỉ, Chiều 340 triệu đồng và bản thân chiếm hưởng 7,8 tỉ đồng.
Trước khi diễn ra phiên xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo Dương Chí Dũng đã đến Cục Thi hành án nộp 4,7 tỉ đồng tiền khắc phục hậu quả trong vụ án. Gia đình bị cáo Mai Văn Phúc - nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Vận tải - cũng đã nộp 3,5 tỉ đồng.
Luật sư Trần Đình Triển cũng đã sang Singapore để gặp giám đốc Công ty AP. Luật sư Triển cho biết trong phiên xét xử, ông sẽ nộp cho HĐXX tài liệu đã thu thập được. Cụ thể, trong bản khai tuyên thệ trước pháp luật của giám đốc Công ty AP có nêu ông này chỉ biết ông Dũng trong thời gian học tập ở Singapore. Tuy nhiên, ông này chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với 2 ông Dũng và Phúc về việc bán ụ nổi cũng như khoản tiền 1,66 triệu USD.
Theo luật sư Triển, đường đi của khoản tiền đó như thế nào thì cần tiếp tục làm rõ và những vấn đề liên quan sẽ được luật sư trình bày tại phiên phúc thẩm. Luật sư Triển cho biết ông cũng tiết lộ sẽ cung cấp thêm một số chứng cứ mới khác có thể tạo diễn biến bất ngờ.
Bình luận (0)