Sáng nay 28-8, TAND Hải Phòng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Tự Trọng (SN 1961, nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đúng 8 giờ 10 phút, bị cáo Dương Tự Trọng được dẫn giải ra trước vành móng ngựa. Bị cáo Trọng mặc áo sơ mi xanh ngắn tay, tóc cắt ngắn, vẻ mặt bình thản nhưng gầy hơn so với phiên tòa cách đây vài tháng ở Hà Nội. Khi vừa được đưa vào phòng xử án, bị cáo Trọng đưa mắt xuống phía dưới như để tìm người thân.
Trong khi đó, bà Dương Thị Băng Tâm, em gái ông Trọng, ở hàng ghế thứ 2, ngồi bất động nhìn anh trai.
Trong vụ án này, người bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng là luật sư Nguyễn Đình Đình Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội.
Sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo, thẩm tra lý lịch, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Thị Thu Hà, Chánh Tòa hình sự TAND TP Hải Phòng, công bố cáo trạng.
Trong phần thẩm tra căn cước, bị cáo Trọng trả lời với thái độ trầm tĩnh. Bị cáo không yêu cầu triệu tập thêm nhân chứng. Trong phiên tòa, ngoài gia đình bị cáo Trọng còn có một số bạn bè hiện đang trong lực lượng công an cũng đến tham dự.
Bà Dương Thị Băng Tâm (áo trắng) ngồi bất động nhìn anh trai
Trong phần xét hỏi, bị cáo Trọng nói: “Tôi không biết Đồng Xuân Phong có trong danh sách 700 đối tượng bị truy nã, tuy nhiên nếu biết tôi vẫn sử dụng. Trong tình huống này, tôi không còn lựa chọn nào khác”.
Kết thúc xét hỏi, VKS luận tội và đề nghị mức án cho bị cáo Dương Tự Trọng 12 đến 18 tháng tù giam.
Trong phần tranh tụng, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng cáo trạng không hợp lý, chung chung, chưa chính xác về mặt chứng cứ. Luật sư Hưng cho rằng truy tố bị cáo Trọng về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” chưa đảm bảo và đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án.
Tuy nhiên, bị cáo Trọng yêu cầu luật sư không tranh luận với VKS về những vấn đề nội dung trong cáo trạng đưa ra.
Kết thúc phần tranh tụng. trước khi HĐXX vào nghị án, bị cáo được nói lời sau cùng. Rơm rớm nước mắt, bị cáo Dương Tự Trọng nói: “Hơn 1 năm rời xa Hải Phòng, nhìn những ánh mắt nụ cười hiều hậu, tôi rất xúc động và cảm ơn, tôi hoàn toàn tin tưởng vào HĐXX”….
Bị cáo Trọng hứa không kháng cáo, không chống án, dù phải nhận bất cứ mức án nào. Bị cáo cũng gửi lời cảm ơn tới những người đã giúp đỡ ông thành nhiệm vụ trong những năm công tác tại Hải Phòng. “Tôi luôn yêu tha thiết từng giây phút và luôn sống có ý nghĩa dù ở hoàn cảnh nào” - bị cáo Trọng nói.
9 giờ 20 phút, HĐXX vào nghị án.
Sau đó, HĐXX tuyên án mặc dù bị cáo Dương Tự Trọng không nhận tội nhưng đã thừa nhận hành vi, đây là một tình tiết giảm nhẹ và toà tuyên phạt bị cáo 15 tháng tù giam.
* Trước đó, theo cáo trạng, khoảng thời gian từ năm 2001- 2002, khi bị cáo Trọng đang giữ chức vụ Trưởng phòng cảnh sát hình sự, Công an TP Hải Phòng, đã có quan hệ thân thiết với Đồng Xuân Phong, cán bộ Đội chống buôn lậu Cục Hải quan TP Hải Phòng.
Ngày 18-8-2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP HCM đã ra Quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối Đồng Xuân Phong để điều tra tội “Buôn lậu”.
Do Đồng Xuân Phong bỏ trốn, ngày 16-10-2009, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã ra quyết định truy nã toàn quốc. Quyết định truy nã Phong được gửi đến tất cả các Phòng cảnh sát hình của Công an các tỉnh, TP trên cả nước, trong đó có Công an TP Hải Phòng.
Công an TP HCM cũng đã cử cán bộ trực tiếp phối hợp với Công an TP Hải Phòng để truy bắt Đồng Xuân Phong nhưng không bắt được (mặc dù thời gian này Phong thường xuyên lẩn trốn tại Hải Phòng).
Theo cáo trạng, thời điểm đó bị cáo Trọng dù biết rõ Đồng Xuân Phong bị Công an TP HCM ra quyết định truy nã, và tiến hành truy bắt nhưng đã không thực hiện nhiệm vụ.
Đến tháng 4-2011 (khi đó, ông Trọng giữ chức Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng), Phòng cảnh sát truy nã tội phạm – Công an TP Hải Phòng có báo cáo về việc rà soát đối tượng truy nã có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, trong đó có Đồng Xuân Phong gửi đến bị cáo Trọng.
Tuy nhiên, bị cáo Trọng đã không có ý kiến chỉ đạo, cũng không tổ chức, triển khai lực lượng tiến hành truy bắt Đồng Xuân Phong theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đến ngày 17-5-2012, sau khi nhận được tin anh trai mình là Dương Chí Dũng đang bị cơ quan CSĐT khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam, bị cáo Trọng đã làm theo chỉ dẫn của anh trai, đưa ông Dũng đi bỏ trốn.
Ngày 18-5-2012, thông qua Vũ Tiến Sơn (Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng), bị cáo Trọng đã yêu cầu Đồng Xuân Phong cùng Sơn và một số đối tượng khác tổ chức cho anh trai trốn ra nước ngoài.
Theo cáo trạng, ngoài hành vi phạm tội nêu trên, bị cáo Trọng đã có hành vi yêu cầu cán bộ cấp dưới làm giả 2 Giấy CMND. 2 CMND này cấp ngày 17-4-2012, mang tên Dương Trọng Tuấn (SN 1961) và Dương Đức Trung (SN 1972). Trong 2 giấy CMND trên, 1 CMND mang tên Dương Đức Trung có thông tin trùng khớp với thông tin tên cha trong giấy khai sinh cho con của chị Hoàng Kim Nhung.
Xét thấy việc đăng ký khai sinh cho 2 con của chị Nhung từ năm 2008 và 2011, trước thời điểm tháng 42012, khi bị cáo Trọng yêu cầu cấp dưới làm cho mình 2 CMND này. Do vậy, không có căn cứ kết luận bị cáo Trọng đã dùng CMND giả để đăng ký khai sinh cho 2 con của chị Hoàng Kim Nhung.
Trước đó, vào ngày 23-5-2014, bị cáo Dương Tự Trọng đã bị TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên phạt mức án 16 năm tù vì đã tổ chức đưa anh trai là Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng hải Việt Nam, trốn đi nước ngoài.
Dự kiến phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tự Trọng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” diễn ra trong 1 ngày.
Bình luận (0)