Nguyễn Đình Tình, trầm ngâm kể: Những năm trước, cứ đến dịp lễ tết là các anh lại mong ngóng người nhà vào thăm. Phần mong tin tức mọi người ăn tết ra sao, phần mong mỏi hồi âm từ những lá đơn khiếu nại, kêu oan của mình. Để rồi tiếp nối những ngày dài hy vọng... Cái Tết năm 2010 có thể coi là cái Tết sum họp, vui vầy bên gia đình sau hơn 10 năm trời xa cách. Ngày các anh được về Yên Nghĩa, bà con chòm xóm tới chúc mừng, cả nhà rộn ràng liên hoan mừng sum họp.
Tuy nhiên đến cái Tết năm 2011 này, họ không thể vô ưu, bởi chưa biết tới bao giờ mới có thể được minh oan và trở lại làm một công dân bình thường. “Trên người không có lấy một giấy tờ tùy thân, cả năm chúng tôi cũng chỉ dám quanh quẩn trong làng. Cách trung tâm TP Hà Nội chẳng bao xa mà cũng không dám mon men lên đó nhiều, nhỡ ra gặp chuyện gì rắc rối thì chả biết chứng minh kiểu gì”, Tình kể.
Yên Nghĩa bây giờ đã khác xa 10 năm trước. Con đường Lê Văn Lương kéo dài chạy thẳng vào gần Yên Nghĩa khiến giá bất động sản tại đây tăng chóng mặt. Một trường ĐH cũng mới được mở cạnh đây. Nhưng dường như 10 năm ngồi tù đã khiến việc bắt nhịp vào cuộc sống hối hả đó không dễ dàng chút nào. 10 năm ấy đã khiến những nhìn nhận, suy nghĩ của họ về cuộc sống bị cũ kỹ đi rất nhiều.
Năm 2010 đã có hàng trăm bài báo đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự việc của Tình, Lợi, Kiên. Cũng đã có hàng trăm độc giả gọi điện, viết thư hoặc tìm tới tận nơi để hỏi thăm, chia sẻ. 3 chàng trai trở thành người nổi tiếng trong làng, hỏi ai cũng biết và sẵn sàng chỉ rành rẽ đường tới nhà…
Cách đây không lâu, một công ty tại Hà Nội đã tìm tới, chỉ cho Tình những cách thức, bí quyết kinh doanh và giúp anh mở cửa hàng ngay cạnh nhà. Tình lao vào công việc kinh doanh vốn quá mới mẻ với anh. Tối tối anh còn tham gia một lớp phổ cập tin học “để thoát cảnh 30 tuổi đầu vẫn chưa biết lập nick, chát chít như mấy đứa trẻ trong làng và có cơi hội tiếp cận với nguồn kiến thức vô tận trên mạng internet, phục vụ việc kinh doanh của mình sau này”, Tình kể.
Gần 1 năm qua, sau khi biết cậu học trò cũ lành hiền, chất phác trở về với vô vàn khó khăn trước mắt, thầy Nguyễn Quý Long, chuyên gia kỹ thuật của Trung tâm dạy nghề Phương Nam (Gia Lâm, Hà Nội) đã tìm tới Yên Nghĩa. Ông Long thuyết phục Nguyễn Đình Lợi học lại nghề anh đang học dang dở trước đây. Kiên vẫn đang lông bông chưa biết làm gì đã được Lợi rủ cùng tham gia.
Những “căn bệnh” của các loại xe ga, số từ đơn giản đến phức tạp đều được thầy Long tận tình chỉ bảo. Sau mấy tháng mày mò học hỏi, đến nay, quán sửa xe của Lợi và Kiên đã dần đông khách.
“Trước khi vào tù tôi cũng thành thạo gói bánh chưng. Hồi ấy cứ dịp này là quây quần bên bố mẹ, ông bà tập trung gói, nấu bánh chưng vui lắm. Giờ chả còn nhớ gì nữa, cũng chỉ làm mấy việc phụ cho bố mẹ thôi chuẩn bị đón Tết thôi. Chừng nào chưa được minh oan, chừng đó dù có là Tết cũng kém vui đi nhiều lắm”, Nguyễn Đình Lợi. |
Chưa dám mơ đến hạnh phúc riêng
Những ngày giáp Tết, ngồi chuyện trò trong cửa hàng sơn của “ông chủ” Nguyễn Đình Tình, tôi thoáng thấy những ưu tư trong đôi mắt của 3 chàng trai khi nói về chuyện yêu đương, hạnh phúc gia đình.
“Mỗi khi thấy thanh niên trong làng tổ chức cưới hỏi chúng tôi cũng thấy tủi thân. Bạn bè đều đã có gia đình riêng, có niềm vui là con cái sau mỗi ngày làm việc vất vả. Còn mình thì ... đến giờ trở về vẫn chưa được minh oan, trên người không có một loại giấy tờ nào chứng minh mình tên là Nguyễn Đình Tình, là Nguyễn Đình Lợi hay Nguyễn Đình Kiên ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội”, Tình kể bằng cái giọng buồn rầu pha chút cay nghiệt.
Cay nghiệt cũng phải bởi những năm ở tù đã khiến anh vô tình mắc phải căn bệnh HIV quái ác. Trong một lần chơi thể thao, Tình đã va chạm rất mạnh với một người bạn tù có HIV, máu của hai người trộn lẫn vào nhau mà không có các biện pháp chống phơi nhiễm. Khi người bạn tù ra đi vì căn bệnh thế kỷ, Tình đã luôn sống trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm.
Ngày ra tù, hàng xóm, họ hàng tới nhà chia vui, Tình chỉ lặng lẽ đi xét nghiệm máu. Cầm tờ phiếu báo kết quả trên tay, chân tay anh như rụng rời. Nhưng nghĩ về mẹ, về cha, về những tháng ngày cùng cực đi khiếu kiện, Tình cố giấu cảm xúc thực và tự hứa không chán chường.
“Với Lợi, Kiên, cuộc sống đang ngồn ngộn trước mắt họ. Sau này khi đã được minh oan, có đầy đủ giấy tờ tùy thân, họ có thể bay nhảy khắp nơi thỏa mong ước nhưng tôi thì khác. Ngoài việc phải điều trị theo phác đồ, tôi còn phải lo kiếm một công việc làm phù hợp. 30 tuổi đầu không thể mãi phụ thuộc vào gia đình, để bố mẹ phải lo lắng, bởi 10 năm trời đi kiện cùng con, các cụ cũng đã mệt mỏi và rã rời lắm rồi”, Tình trầm ngâm.
Gần đây có một cô gái quê Yên Bái đang làm trong một tiệm thẩm mỹ gần Hà Đông đã chủ động viết thư làm quen với Tình. Mang sẵn mặc cảm trong người nên Tình đã không dám mở lòng nhưng trong sâu thẳm trái tim anh vẫn luôn chờ đợi những tin nhắn, những cuộc trò chuyện, tâm sự của cô gái. Anh sợ làm cô gái phải khổ. Nhưng tình yêu thật khó định nghĩa. Nó vượt qua mọi giới hạn, khoảng cách địa lý và cả những thử thách khốc liệt nhất.
Biết Tình mang bệnh, cô gái càng thương, càng yêu Tình hơn. Càng bị gia đình phản đối, càng thấy Tình chỉ vì sợ mình khổ để tìm mọi lý do lảng tránh, cô gái càng trở nên mạnh mẽ hơn trong quyết định đến với anh. Và Tình đã quyết định cùng bố mẹ lên Yên Bái thăm gia đình cô gái. Họ nói đủ thứ chuyện và cả về tương lai của đôi bạn trẻ sau này… Nhưng Tình vẫn bảo khi chưa có “quyền công dân”, anh chẳng dám mơ tới chuyện gì cao xa cả…
Trước ngày bị bắt, Nguyễn Đình Lợi cũng đã có một mối tình say đắm với một cô gái trẻ suốt thời gian dài. Khi Lợi thụ án ở trại giam Thanh Xuân, cô gái vẫn thường xuyên tới thăm và lần nào cũng khóc. Cô vẫn tin Lợi bị oan và quyết tâm chờ đợi. Nhưng thời gian trôi đi, những lá đơn kêu oan gửi đi cứ như “đánh trống qua cửa nhà sấm”. Dù vẫn rất yêu, rất thương nhưng Lợi cũng cắn răng dứt khoát tránh mặt người yêu.
Ngày Lợi được đưa trở về Yên Nghĩa, người ta kể rằng cô gái đã lên xe hoa và suốt 10 năm qua vẫn luôn ngóng theo câu chuyện đi tìm công lý của ba chàng trai này. Chính cô gái đã khuyên Lợi trở lại với nghề sửa chữa xe máy đang theo học dở dang. Và đến giờ với sự giúp đỡ của người thầy cũ, họ đang mơ ước một ngày nào đó sẽ mở được một cửa hiệu sửa xe máy thật “oách” nơi mặt phố.
Nguyễn Đình Kiên đẹp trai hơn cả nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện yêu đương, Kiên chỉ gãi tai, cười trừ. “Đi chơi ở đâu mình cũng chủ động nói cho họ về hoàn cảnh của mình nếu họ bảo thấy mình quen quen. Đa phần là thông cảm nhưng cũng có không ít người không hiểu, khiến mình cũng không dám tiến xa hơn. Thấy người ta cưới xin mà mình cũng ước mơ nhiều lắm. Không ngồi tù chừng ấy năm, có khi giờ đã lập gia đình, con cái đề huề cả rồi cũng nên”, Kiên tâm sự.
Vụ việc xảy ra hơn 10 năm trước khi 3 thanh niên Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Kiên trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Tây (cũ) bị công an bắt giữ vì tội hiếp dâm, cướp tài sản. Chỉ vì một chiếc áo để lại hiện trường vụ việc giống áo Lợi mặc cách đó 2 năm, cả 3 thanh niên quê Yên Nghĩa đã bị bắt. Vụ án đã phải đưa ra xét xử nhiều lần bởi có quá nhiều tình tiết mâu thuẫn, không rõ ràng. Mặc dù còn nhiều tranh cãi, nhưng trải qua phiên sơ thẩm và phúc thẩm, tòa đã tuyên phạt 3 thanh niên Tình, Lợi, Kiên tổng cộng 41 năm tù cho tội danh hiếp dâm và cướp tài sản. |
Bình luận (0)