Nhớ lại lần đầu tiên gặp các cháu, qua xem huyệt ở tai và khám thực thể ở bộ phận sinh dục, bà đã khẳng định, các cháu chưa quan hệ với phụ nữ. Chính điều này đã giúp bà thêm niềm tin đi tìm công lý. Lúc ấy, bà Phạm Thị Hồng chỉ biết quyết định mà không hề nhận ra trước mặt mình là cả một “dãy núi cao” sừng sững. Còn bà, một lương y chuyên ngành phục hồi chức năng, tay chẳng tấc sắt, “pháp thuật” cũng không, lại dám đi làm thay tất tật công việc của các cơ quan tố tụng. Nhưng bà cứ lấy... niềm tin ra dùng trước đã.
Lương y Phạm Thị Hồng.
Ban đầu, với suy nghĩ đơn giản đến ngây thơ của một người thầy thuốc chuyên khoa huyệt mạch, bà định gói gọn việc chứng minh vụ án oan sai đúng theo kiểu... Bao Công ngày xưa, với lập luận: “Các phạm nhân chưa hề quan hệ tình dục bao giờ, thì không thể phạm tội hiếp dâm được”. Cái việc chứng minh này, bà tham khảo trong sách chuyên môn ngày xưa cũng nói, mà cả kiểm chứng thực tế cũng chính xác, duy có điều mỗi bà thấy đúng và chính xác, chứ ông công tố, ông thẩm phán thì không. Nên khi bà tìm gặp những giáo sư đầu ngành về huyệt, mạch - để trình bày vấn đề thì đều nhận được lời khuyên: “Biết thì biết vậy, nhưng không chứng minh được đâu. Mình làm về y, đâu có chuyên môn kiện tụng gì, làm sao minh oan nổi”.
Bà Hồng tiếp tục kể mà mắt nhìn xa xăm: “Tôi luôn tin rằng, một vụ án oan sai thì dẫu thế nào cũng có những điểm bất hợp lý. Một tay làm sao mà che nổi bầu trời”. Sau thời gian tự mày mò tìm hiểu, rồi bà cũng định hướng ra là phải tiếp cận được bản án, kết luận điều tra... Bà bồi hồi nhớ lại: “Lúc ấy, dù chưa gặp hai thằng kia (cách gọi thân mật đối với 2 người bị kết án còn lại là Tình và Kiên), nhưng tôi thương chúng nó lắm. Về nhà, tôi mất ngủ vì nghĩ đến những cay đắng mà những người bị oan phải chịu đựng”.
Bà khăn gói lên tận trại Tân Lập ở Phú Thọ, vào vai người nhà để thăm Tình. Tận mắt thấy cái thân thể xiêu vẹo chực ngã của Tình, lệ cứ trào ra. Sau khi đã tiếp cận các phạm nhân, bà Hồng dành hết thời gian đi tìm và kiểm chứng lại vụ việc.
Bà tìm gặp cho được cả hai nạn nhân của vụ án đã lập gia đình để gặng hỏi họ kể lại đúng những gì đã khai báo với cơ quan điều tra. Rồi bà lại tất tả đến tận hiện trường, đo đoạn đường đi qua cánh đồng từ đó tới nơi mà 3 thanh niên Tình, Lợi, Kiên đã có mặt tối hôm xảy ra vụ việc. Tiếp xúc với những nhân chứng đã khẳng định các “thủ phạm” vẫn ngồi chơi ở đây cho đến tận 22 giờ 40 ngày 24-10-2000, trong khi vụ án xảy ra vào khoảng 20 giờ 30. Điều bất ngờ và khó hiểu là những lời ấy không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Nỗi oan ức của những nạn nhân đã khiến một lương y đã luống tuổi, lần đầu bất đắc dĩ đi làm thay mọi công việc của một điều tra viên, mải thu thập tài liệu đến nỗi bà đánh mất tổng cộng 3 cái xe máy, còn một cái sau khi vào nhà nữ nạn nhân, quay ra thì chiếc xe bị lăn xuống mương sâu, hỏng luôn. Trong đó có xe bà đi mượn và dĩ nhiên là phải đền. Nhưng đã vào cuộc thì không thể dừng được, với bà, lời hứa, sự đau đớn dằn vặt bởi nỗi oan còn đáng giá hơn của cải vật chất nhiều.
Suốt hơn một năm trời ròng rã, bà tập hợp tài liệu, viết đơn và đi tới 36 cơ quan mà bà cho là có liên quan tới số phận của một con người để tìm hộ công lý cho 3 thanh niên. Bà Hồng tiếp: “Tháng 5-2009, kết quả lần đầu mà tôi nhận được là câu trả lời bằng văn bản rất minh bạch của VKSNDTC và TANDTC rằng chẳng có oan sai gì cả vì... phạm nhân đã nhận tội. Tôi sốc nặng và huyết áp tăng vụt. Cái phán quyết liên quan tới số phận cả mấy con người, mà người ta kết luận đầy cẩu thả như vậy”.
Tĩnh tâm lại, bà tìm đến tất cả những mối quan hệ với những đồng đội của ba mẹ bà năm xưa, giờ đã nghỉ hưu hoặc đang giữ chức vụ lãnh đạo cao cấp mà bà may mắn được biết để trình bày với họ.
Có người khuyên bà bình tĩnh, có người khuyên bà dừng lại, còn bà thì một mực khăng khăng: “Cha mẹ cháu đã không tiếc máu xương góp phần cho sự bình yên của đất nước. Bản thân cũng phải chịu những thiệt thòi khi chưa một lần biết mặt cha mẹ. Cháu chỉ biết sống và làm theo lý tưởng của cha mẹ đã truyền lại trong bức thư trước lúc ra pháp trường, đặc biệt là coi trọng nghĩa nhân. Cháu tin và sự thật là ba đứa Tình, Lợi, Kiên không phạm tội”.
Khi thông tin về vụ việc đến Chủ tịch nước, Chủ tịch nước yêu cầu VKSNDTC xem xét lại và báo cáo. Ngày 26-1-2010, VKSNDTC đã ra kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TANDTC giám đốc thẩm bản án phúc thẩm, tuyên các bị cáo không phạm tội cướp tài sản, hiếp dâm vì “Quá trình điều tra và xét xử đã có những thiếu sót. Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã căn cứ vào các tài liệu điều tra thiếu tính khách quan để kết tội các bị cáo”.
Nguyễn Đình Tình (SN 1981), Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Kiên (SN 1980), đã được trả tự do ngay lập tức, sau gần 10 năm (kể từ ngày bị bắt giam) chôn vùi tuổi thanh xuân trong chốn lao tù vì oan uổng.
Ba thanh niên ấy không dám nghĩ tới ngày mình có thể được minh oan nhờ một... lương y. Cuộc sống thật ngẫu nhiên, đầy bất ngờ nhưng vẫn công bằng. Trong căn phòng nhỏ, lương y Phạm Thị Hồng lại đưa mắt dõi về xa xăm như bà vẫn thường suy tư những lúc rảnh rỗi. Bà bảo: “Tôi mừng cho ba đứa thì tất nhiên. Nhưng giá như đừng có những tắc trách cẩu thả, những sự thật “đến muộn” như vậy thì mới là điều đáng mừng nhất”.
Bà Phạm Thị Hồng tên thật là Nguyễn Thị Phương Nam, quê gốc ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, Bến Tre. Bà tâm sự: “Mẹ tôi là bác sĩ quân y, năm 1956, sau khi sinh tôi được 7 ngày, bà theo tổ chức và đã phải gửi tôi lại cho bố mẹ nuôi, về sau tôi được đưa ra Bắc sống và học tập. Từ đó, ba mẹ tôi chưa một lần gặp lại con mình, và đến năm 1968, cả hai bị địch bắt, tra tấn dã man và đã hy sinh”. |
Bình luận (0)