Công an TP HCM vừa giao Công an quận Bình Thạnh tiến hành xác minh, giải quyết theo thẩm quyền đơn tố cáo hành vi có dấu hiệu hình sự của một nhóm người đến căn nhà số 109 Đinh Bộ Lĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh). Ở đây, họ to tiếng, la lối khiến nhiều người thuê nhà hoảng sợ phải rời đi. Ngoài đơn tố cáo, cơ quan chức năng đang làm rõ vụ tranh chấp quyền sở hữu tài sản trên. Sự việc bắt nguồn từ một hợp đồng vay tiền với mục đích mua chính căn nhà.
Họa vô đơn chí?
Năm 2015, bà Đặng Thị Cẩm Tú (thường trú TP Hà Nội) ký kết với bà Bùi Thị Tấm (thường trú TP HCM) một hợp đồng vay tiền mua căn nhà số 109 Đinh Bộ Lĩnh. Theo đó, bà Tấm vay 4,5 tỉ đồng. Nếu không trả nợ đúng hạn, bà Tấm có nghĩa vụ sang nhượng một nửa tài sản. Vì thất hẹn nên bà Tấm bàn giao cho bà Tú tầng 3, 4, 5 của căn nhà. Ba năm qua, 4 gia đình thuê 3 tầng này làm nơi ở. Trong thời gian đó, bà Tú khởi kiện với lý do bà Tấm không tiến hành thủ tục đăng bộ, sang tên như thỏa thuận ban đầu. TAND quận Bình Thạnh thụ lý vụ kiện.
Mọi việc yên ổn đến tháng 6-2019, ông Đỗ Xuân Nam (thường trú TP Hà Nội) dẫn theo một số người đột ngột đến và yêu cầu người thuê nhà rời đi. Ông Nam tuyên bố ông chính là chủ nhân toàn bộ căn nhà. Không chịu nổi nhóm người của ông Nam dẫn đến, những người thuê nhà (trong đó có một bé trai 6 tuổi) ra khỏi nhà mà không kịp mang theo đồ đạc. "Chúng tôi nhiều lần quay lại dọn nhà nhưng phía ông Nam không mở cửa" - bà Tú kể lại.
Căn nhà số 109 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM đang sửa chữa trong thời gian giải quyết tranh chấp Ảnh: QUANG LIÊM
Làm việc với công an, bà Tú cương quyết rằng hai bên cần giữ nguyên hiện trạng nhà, chờ tòa án giải quyết. Trái lại, ông Nam yêu cầu bà Tú trả nhà và khẳng định ông mới là chủ sở hữu căn nhà. Sau đó, bà Tú tố cáo ông Nam cùng nhóm thanh niên có hành vi dùng vũ lực hòng chiếm đoạt nhà ở, tài sản trái phép.
Tại tỉnh Bình Dương cũng từng có câu chuyện tương tự. Năm 2007, bà Nguyễn Thị Tư nhờ Trần Minh Đức vay 250 triệu đồng. Bà Tư giao Đức 2 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất. Hai bên làm hợp đồng đặt cọc mua bán nhà. Một thời gian sau, bà Tư cớ mất một giấy tờ nhà đất và làm lại giấy mới, mang đi thế chấp ngân hàng. Biết chuyện, Đức khởi kiện. Cuối năm 2018, Đức cùng Trần Thị Mỹ Hạnh và Vũ Ngọc Sang đến nhà bà Tư hỏi lý do bà này vắng mặt khi tòa án làm việc. Lúc này, cổng và cửa nhà không khóa. Thấy người lạ vào nhà, bà Tư báo công an. Kết quả, cơ quan pháp luật cáo buộc 3 người tự tiện vào nhà người khác tội "Xâm phạm chỗ ở của người khác".
Tội phạm cấu thành dù không bước vào nhà
Đối với vụ án ở tỉnh Bình Dương, cơ quan công an khẳng định Trần Minh Đức, Trần Thị Mỹ Hạnh và Vũ Ngọc Sang có hành vi gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, cụ thể là thời gian nghỉ trưa của người cư trú hợp pháp trong căn nhà (bà Nguyễn Thị Tư), dù thời gian nghỉ trưa cơ quan điều tra xác định chỉ kéo dài 20 phút. Từ đó, cơ quan điều tra đề nghị VKSND cùng cấp truy tố tội danh "Xâm phạm chỗ ở của người khác" đối với 3 bị can trên.
Đối với tình huống diễn ra tại căn nhà số 109 Đinh Bộ Lĩnh, Công an phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM nhận thấy đây là vụ việc dân sự nên công an phường chỉ nắm vụ việc, hướng dẫn bà Tú và ông Nam đến tòa án, UBND phường đề đạt nguyện vọng giải quyết tranh chấp. Theo kết quả xác minh, bà Tấm có chuyển nhượng căn nhà trên sang tên Phạm Thị Hạt.
Theo luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TP HCM), chỗ ở hợp pháp là nơi công dân có quyền sở hữu, sinh sống tại đó. Nghĩa là chỗ ở hợp pháp gắn liền với quyền sở hữu căn nhà. Bên cạnh đó, chỗ ở hợp pháp cũng được xác định trong trường hợp công dân thuê từ chủ sở hữu hợp pháp căn nhà làm nơi sinh sống, làm việc; hoặc chủ sở hữu đồng ý việc ở nhờ.
Khoản 1 điều 158 Bộ Luật Hình sự 2015 nêu rõ những hành vi cấu thành tội "Xâm phạm chỗ ở của người khác". Ví dụ, hành vi sử dụng biện pháp cưỡng ép, cưỡng chế, đe dọa hòng buộc những người đang ở tại chỗ ở hợp pháp rời khỏi đó. "Hiểu rộng hơn, không phải chúng ta vào tận bên trong căn nhà, đuổi người cư trú ra khỏi nhà mới phạm tội. Chỉ cần chúng ta uy hiếp tinh thần như: gọi điện, nhắn tin đe dọa, khiến những người cư ngụ hợp pháp lo sợ rồi tự rời đi. Với hành vi đó, cơ quan pháp luật hoàn toàn đủ căn cứ kết tội. Mức chế tài thấp nhất đối với người phạm tội "Xâm phạm chỗ ở của người khác" là cải tạo không giam giữ 2 năm, cao nhất là 5 năm tù giam" - luật sư Luân nhấn mạnh.
Phân tích thêm trường hợp chủ sở hữu hợp pháp thuê, nhờ người đến đuổi, dọn đồ đạc của người thuê nhà, luật sư Lê Ngọc Luân khẳng định chủ nhà có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tránh sai lầm trên, chủ nhà có thể khởi kiện ra tòa, yêu cầu người thuê trả nhà và bồi thường thiệt hại. Có phán quyết từ tòa án, cơ quan thực thi pháp luật sẽ có trách nhiệm buộc người chiếm nhà rời đi.
Cần chế tài người thuê chây ì
Theo các luật sư, đã có rất nhiều vụ việc người thuê nhà dây dưa, không trả nhà đúng hạn. Trong khi thực tế, một vụ việc đòi nhà cho thuê thông qua tòa án sẽ có khả năng kéo dài. Điều này đã gây khó rất nhiều cho chủ nhà. Vì vậy, luật pháp cần bổ sung phương án xử lý hình sự những người thuê nhà quá hạn mà cố tình dây dưa không trả nhà.
Bình luận (0)