Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang ngày 16-10, Hội đồng xét xử (HĐXX), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), các luật sư tiếp tục xét hỏi bị cáo, những người được triệu tập có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong vụ án. Nhiều người trong số họ là cán bộ công an, trong đó có nhóm cảnh sát trực tiếp bảo vệ phòng chứa bài thi tốt nghiệp.
Các hồ sơ, tài liệu của VKSND Hà Giang
Trả lời HĐXX, ông Nguyễn Thanh Lịch (cán bộ Phòng PA03, Công an tỉnh Hà Giang) cho biết bản thân là thành viên tổ vận chuyển đề thi và tổ chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Trưa 7-7-2018, ông Lịch đi ăn cơm trưa theo lời mời. Đúng hôm đó, bị cáo Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào Tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang) thuê xe ôtô tải đến Trường THPT chuyên Hà Giang để lấy thùng chứa bài thi trong phòng bảo mật. Khi đến nơi, Lương xé niêm phong cửa và mở khóa bằng chìa do bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) đưa.
"Tôi ở quán ăn thì đồng chí Học (Nguyễn Thái Học, cán bộ Phòng PK02, Công an tỉnh Hà Giang) đang nói bảo vệ gọi điện báo việc này. Học nói có anh Lương đến lấy đồ. Do nơi ăn cơm ồn ào nên tôi nghe loáng thoáng rồi bảo Học có gì bê giúp Lương" - ông Lịch nói.
Còn ông Nguyễn Thái Học thì cho rằng trưa 7-7-2018, Vũ Trọng Lương đến gặp tổ cảnh sát, xưng "chú" rồi giới thiệu là Phó trưởng Ban thư ký kiêm thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm đến để chuyển đồ về Sở GD-ĐT. Nghe Lương nhờ "anh em bê giúp đồ", ông Học gọi điện cho ông Lịch để xác nhận trước khi giúp đỡ Lương. Ông Học khẳng định bản thân không nắm được quy chế thi và biết Vũ Trọng Lương nằm trong Hội đồng thi nên đã bê giúp bị cáo 2 thùng giấy và 1 máy tính, nhưng không biết bên trong thùng chứa gì.
Ngoài 2 cán bộ trên, ông Vi Hoàng Hiệp (cán bộ Phòng PC07, Công an Hà Giang) là người thứ 3 giúp đỡ Vũ Trọng Lương bê tài liệu từ phòng bảo mật ra xe tải, nhưng Hiệp cũng không biết trong thùng giấy chứa những gì, sau này khi vụ án được công bố thì mới biết bản thân đã làm sai.
Ngoài ra, Hiệp cũng thừa nhận "chưa qua đào tạo nghiệp vụ công an nhân dân" nên đã giúp đỡ Vũ Trọng Lương bê bài thi.
Bị cáo Vũ Trọng Lương
Trước đó, Vũ Trọng Lương đã nhiều lần khẳng định việc nâng điểm là hoàn toàn tự nguyện vì quan hệ tình cảm, mối quan hệ trong cuộc sống chứ không nhận hay hứa hẹn nhận bất kỳ vật chất, yếu tố vụ lợi nào.
Lương cũng khẳng định chính Nguyễn Thanh Hoài là người khởi xướng việc sửa bài thi để nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi THPT 2018.
Cuối phiên xét xử chiều 16-10, HĐXX cho biết do có nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và có nhiều nội dung quan trọng chưa được làm rõ nên TAND tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục phiên toà, dự kiến thêm 2 ngày.
Phiên toà sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang ban đầu dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 14, 15, 16-10. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, nguyên trưởng và phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại điều 356 Bộ luật hình sự.
Bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại điều 358 Bộ luật hình sự.
Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự.
Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị cáo nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn; người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn.
Bình luận (0)