“Chúng tôi đang nhờ công an điều tra một số đối tượng giang hồ thỉnh thoảng cầm cây đến cổng công ty chờ công nhân (CN) ra để phang” - ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Hiệp Long, nói với phóng viên Báo Người Lao Động. Vừa qua, tại buổi tọa đàm về “Công tác phòng chống tội phạm ở các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, nhiều đại biểu khẳng định khu vực này đang tồn tại không ít băng nhóm giang hồ dùng vũ lực để chèn ép CN, doanh nghiệp (DN).
Đủ loại tội phạm
Ông Mai Văn Dũng, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay, các băng nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi liên kết với nhau, ép buộc CN phải nộp tiền. Trong khi đó, nạn nhân không dám tố cáo vì các băng nhóm này quá manh động.
Tài sản của một doanh nghiệp tại Bình Dương bị giang hồ đập phá
Bình Dương hiện có 28 KCN, 10 cụm công nghiệp thu hút khoảng 1 triệu người (chủ yếu từ các tỉnh khác tới) làm việc, sinh sống. Theo số liệu thống kê từ năm 2012-2016, trên địa bàn có các khu, cụm công nghiệp của tỉnh xảy ra hơn 4.780 vụ phạm pháp hình sự (chiếm hơn 82% trong số các vụ phạm pháp hình sự của toàn tỉnh). Như vậy, trung bình mỗi năm tại địa bàn có các khu, cụm công nghiệp của Bình Dương xảy ra hơn 950 vụ phạm pháp hình sự. Thống kê cũng chỉ ra rằng các khu, cụm công nghiệp phức tạp nhất của Bình Dương thuộc địa phận thị xã Dĩ An, tiếp giáp TP HCM.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nổi lên một số loại tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp giật… Đặc biệt, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động theo băng nhóm thường xuyên rình mò CN đi làm về rồi chặn đánh, chém. Sau đó, chúng đe dọa, buộc nạn nhân phải nộp tiền bảo kê nếu không sẽ tiếp tục xâm hại sức khỏe, thậm chí tính mạng. Không ít đối tượng từng là CN tại các khu, cụm công nghiệp nhưng sau khi thôi việc đã trở lại gây áp lực với chủ DN bằng cách quậy phá nơi làm việc, chặn đường đánh CN, buộc đình công để DN hằng tháng phải nộp tiền bảo kê cho chúng.
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương nhìn nhận tình trạng băng nhóm hoạt động có tổ chức diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường khống chế hoặc móc nối với bảo vệ các công ty, DN trong các khu, cụm công nghiệp để thực hiện các hành vi uy hiếp, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản CN, cho vay nặng lãi, gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Một số vụ do các đối tượng giang hồ cầm đầu các băng nhóm từ những tỉnh, thành phía Bắc và Tây Nam Bộ đến tranh giành địa bàn tại các khu, cụm công nghiệp. “Bọn chúng đã mở rộng phạm vi chi phối lên nhiều lĩnh vực như mua bán phế liệu, mua bán - tàng trữ trái phép chất ma túy, cờ bạc, mại dâm, kinh doanh vũ trường, cho vay nặng lãi, bảo kê...” - một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương nói.
Công an phải phản ứng nhanh
Ông Huỳnh Quang Thanh cho rằng để trấn áp tội phạm đe dọa CN, DN thì lực lượng gần nhất là công an phường phải phản ứng nhanh. Để giải quyết vấn đề, Bình Dương kiến nghị Thủ tướng cho mở thêm 6 đồn công an tại các KCN. Hiện Bình Dương mới có 2 đồn tại KCN Sóng Thần và KCN Việt Nam - Singapore.
Theo đại tá Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, tỉnh này sắp triển khai đề án xây dựng “Đội CN xung kích tự quản về an ninh trật tự trong DN giai đoạn 2017-2021”. Mỗi DN đông lao động sẽ có một đội CN (từ vài chục đến vài trăm thành viên) được công an huấn luyện để có thể xử lý, chống đỡ khi xảy ra các tình huống bất trắc mà công an chưa kịp đến hiện trường. Trước đó, mô hình này đã triển khai thí điểm tại một số DN ở Bình Dương. Cụ thể, tại Công ty Giày Vĩnh Nghĩa (thị xã Bến Cát), mỗi tháng, đội CN xung kích gồm 50 thành viên được công an huấn luyện võ thuật, truyền kinh nghiệm nhận diện tội phạm. Qua đó, đội đã ngăn chặn hàng loạt vụ trộm cắp, kích động đình công, quấy phá sản xuất.
Để bảo đảm an ninh tại các khu, cụm công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, lưu ý Công an tỉnh Bình Dương phải quản lý chặt chẽ hơn các lao động, đối tượng từ địa phương khác đến và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ông Sơn đánh giá cao mô hình tổ CN tự quản mà các DN ở Bình Dương đang xây dựng và lưu ý công an tỉnh này phải hỗ trợ DN hơn nữa để mô hình này phát huy hiệu quả.
Răn đe, quản lý hơn 800 đối tượng
Trong 5 năm qua, Công an tỉnh Bình Dương mở 16 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm quanh các KCN có vị trí giáp ranh TP HCM. Qua đó, Công an tỉnh Bình Dương đã triệt phá hơn 256 băng nhóm tội phạm.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2014-2016, công an đã rà soát, lên danh sách, đưa vào quản lý hơn 800 đối tượng có nguy cơ phạm tội. Số này thường xuyên được giáo dục, răn đe, phòng ngừa, nhất là các đối tượng có tiền án - tiền sự.
Bình luận (0)