xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giành nhà, dứt tình

Ý Linh

"Cuộc chiến" giành nhà diễn ra âm ỉ trong nhiều năm khiến những người thân trong một gia đình phải đưa nhau ra tòa để giải quyết

Tranh chấp xuất phát từ căn nhà có diện tích 35,5 m2 nằm tại quận 1 (TP HCM) do cha mẹ chồng của bà L.K.X (SN 1958) tạo lập. Chồng mất, cha mẹ chồng cũng qua đời, bà X. và 7 người em chồng không thống nhất được việc phân chia di sản. Xung đột diễn ra ngày một căng thẳng.

Căn nhà ngăn đôi

Đứng trước tòa, bà X. chậm rãi kể lại: "Năm 1974, tôi về làm dâu nhà ông H.; 2 năm sau, cha chồng tôi mất. Đến năm 1992, mẹ chồng ngăn đôi căn nhà chung cho vợ chồng tôi ở một bên, sau đó làm hợp đồng cho phần diện tích này cho vợ chồng tôi. Hợp đồng có chữ ký của các bên và được UBND phường Cầu Kho, quận 1, chứng nhận.

Giành nhà, dứt tình - Ảnh 1.

Năm 2007, vợ chồng tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở (viết tắt GCN). Bây giờ chồng tôi mất, mẹ chồng tôi cũng qua đời, 7 người em chồng nằng nặc cho rằng phần nhà tôi đang sử dụng là của cha mẹ chồng nên phải chia đều cùng với nửa căn còn lại. Tôi không đồng ý, phần diện tích đang sử dụng là sở hữu hợp pháp của tôi, họ chỉ được hưởng nửa căn còn lại của cha mẹ".

Nghe chị dâu trình bày, 2 người em chồng ngồi ở hàng ghế kế bên tỏ rõ sự bất bình. Người em chồng thứ 6 một mực khẳng định căn nhà tranh chấp thuộc quyền sở hữu của cha mẹ. "Cha mẹ có tới 8 người con, không lý nào lại chia 1/2 căn cho vợ chồng bà X." - bà nêu ý kiến.

Bà cũng "tố", cha mất sớm, chồng bà X. là con cả trong gia đình nhưng không biết yêu thương, đùm bọc các em mà thường xuyên đánh đập, chửi bới, gây xào xáo. Vì vậy mà người mẹ mới ngăn đôi căn nhà để vợ chồng bà X. sống riêng. "Lợi dụng mẹ già yếu, không biết chữ, anh Hai tôi đã lừa dối, đe dọa mẹ tôi ký tên lên giấy cho nhà" - người em thứ 6 gay gắt.

Đồng tình, người em thứ 5 khẳng định: "Căn nhà là di sản của cha mẹ. Bây giờ cha mẹ không còn thì phải chia đều cho 8 người con. Đề nghị hủy GCN đã cấp cho vợ chồng bà X".

Tình thâm rạn nứt

"Cuộc chiến" phân chia di sản thừa kế càng trở nên căng thẳng hơn khi người cháu trai can thiệp. Anh N.X.H, con trai duy nhất của vợ chồng bà X., lên tiếng: "Nửa căn nhà là của cha mẹ tôi, đã được cấp GCN. Nửa còn lại là của ông bà nội, phải chia đều cho cha một phần nhưng cha mất, tôi sẽ là người thừa kế".

Nghe anh H. nói, vị hội thẩm nhân dân khuyên nhủ: "Từ trình bày của hai bên, chúng tôi cảm nhận được gia đình trước đây không hạnh phúc và có lẽ do cuộc sống của mẹ con anh quá khó khăn nên mới mong muốn phân chia di sản rạch ròi đến vậy. Chưa nói đến quy định của luật pháp, chỉ xét về cái tình, dù sao họ cũng là ruột thịt của anh và không khá giả gì, vậy nửa căn nhà còn lại của ông bà nội, anh có thể nhường lại cho các cô, chú không".

Lời khuyên đó không thể thay đổi được đề nghị phân chia sòng phẳng di sản của người cháu trai. Không khí căng thẳng của phiên xét xử càng bị đẩy lên cao khi người này rành rọt khẳng định, bất chấp cái nhìn bực tức của các cô, chú ruột thịt ngồi phía sau: "Tôi không nhường ai cả, tôi phải hưởng hết phần nào của tôi".

Dường như giữa họ không có sự ràng buộc nào ngoài di sản phải được phân chia. Ngồi cùng nhau trong phiên tòa, điều duy nhất họ dành cho nhau là những tiếng phản đối đầy hậm hực và cái nhếch mép coi thường khi đối phương phát biểu. Và để bảo vệ quyền lợi cho mình, họ không ngần ngại gọi tên, nhắc đến những thói tật khi sinh thời của những người mộ đã xanh cỏ.

Sau thời gian nghị án, HĐXX nhận định căn nhà có nguồn gốc của ông N.V.N và bà N.T.O. Ông N. mất sớm, bà O. ngăn đôi căn nhà và làm hợp đồng cho tặng cho vợ chồng bà X. phần sở hữu của bà. Năm 2011, chồng bà X. chết, một nửa căn nhà là di sản do ông để lại, những người thừa kế theo pháp luật là mẹ, vợ và con trai ông. Năm 2013, bà O. mất, phần di sản để lại của bà (một phần căn nhà của ông X.) sẽ chia cho 8 người con, chồng bà X. đã chết nên phần của ông sẽ do con trai là ông N.X.H được hưởng.

HĐXX bác yêu cầu đề nghị mỗi người được hưởng 1/8 giá trị nhà đất (cả căn nhà, bao gồm phần nửa căn nhà ông X. được tặng cho) của các em chồng bà X. Xét thấy bà X. đang là người trực tiếp sinh sống tại căn nhà mà 2 vợ chồng bà được tặng cho, nên giao căn nhà theo đúng nguyện vọng của bà. Bà X. phải có trách nhiệm thanh toán lại đúng giá trị đất mà những người thừa kế còn lại được hưởng. 

Tòa đã tuyên, chưa rõ sắp tới họ có kháng cáo hay không nhưng nhìn cách họ đối xử với nhau, không khó để cảm nhận tình máu mủ ruột rà đã tan biến, chỉ vì quyền thừa kế rất nhỏ từ căn nhà.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo